Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi)
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc góp ý các dự án Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7, chiều ngày 11/9, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định tiếp tục tổ chức hội thảo góp ý dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi)
Từ khi Luật Điện lực có hiệu lực thi hành từ năm 2004 đã xây dựng được khuôn khổ pháp lý cho hoạt động điện lực và sử dụng điện, bảo vệ lợi ích hợp pháp của khách hàng sử dụng điện và tổ chức hoạt động trong lĩnh vực điện lực, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện ngày càng cao và góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, sau gần 20 năm triển khai thi hành pháp luật về điện lực cho thấy vẫn còn tồn tại một số vấn đề mà các quy định tại Luật Điện lực hiện hành chưa đáp ứng được, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng mục tiêu triển khai các chính sách của Đảng đối với lĩnh vực năng lượng nói chung và điện lực nói riêng, đặc biệt là mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng, tăng cường phân công, phân cấp, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về điện lực, đồng thời giải quyết một số vướng mắc trong quá trình thi hành Luật Điện lực hiện hành còn đang thiếu cơ sở pháp lý. Dự thảo Luật điện lực (sửa đổi) bao gồm 9 chương với 121 điều nhằm cụ thể hóa 6 chính sách. Theo đề nghị của Chính phủ, dự thảo Luật này có thể thông qua theo quy trình 1 kỳ họp, tức là tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) sẽ thông qua dự thảo Luật này.
Tại hội nghị, các đại biểu bày tỏ sự thống nhất cao về sự cần thiết phải sửa đổi Luật Điện lực. Đồng thời, các đại biểu cũng tập trung đóng góp ý kiến vào các nội dung như: cần quy định rõ về hành lang an toàn của tháp gió; cần xem xét lại phương thức tính giá điện; chưa có chế tài đối với việc triển khai lưới điện truyền tải khi vướng phải rừng đặc dùng hoặc mỏ khoáng sản; phát triển năng lượng tái tạo; cần tách riêng một số quy hoạch điện đặc thù với quy hoạch tỉnh.
Các đại biểu đặc biệt quan tâm đến vấn đề: cần bổ sung thêm đánh giá về vùng sâu ngoài khơi khi triển khai điện gió ngoài khơi bởi đặc thù địa lý của từng khu vực khác nhau. Tại một số khu vực biển có vùng nước sâu như vùng biển miền Trung, việc di chuyển ra ngoài khơi cách đất liền 6 hải lý để xây dựng điện gió ngoài khơi sẽ tốn kém chi phí hơn so với các vùng biển có vùng nước cạn. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề nghị cần thống nhất quy định khu vực biển nằm trong phạm vi vùng biển 06 hải lý. Một số ý kiến khác cho rằng: cần phải phân cấp mức độ quan trọng của các dự án điện để quyết định hạ tầng dự án điện nào sẽ phải phụ thuộc vào dự án điện khác; việc đấu nối hệ thống điện năng lượng mặt trời của người dân vào hệ thống điện lưới quốc gia,…
Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định Lý Tiết Hạnh ghi nhận, đánh giá cao các ý kiến góp ý của đại diện các sở, ngành, cơ quan chức năng và sẽ tiếp thu, tổng hợp để góp phần xây dựng các quy định của luật sát với thực tế, bảo đảm tính công bằng, ổn định xã hội./.
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=89150