ĐOÀN ĐBQH TỈNH ĐỒNG NAI GIÁM SÁT VIỆC NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP
Ngày 28/2, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai tiến hành giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018-2023.
Biên Hòa là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Đồng Nai. Tuy nhiên, hiện quy mô dân số thành phố hơn 1,3 triệu người. Với số dân này, Biên Hòa đang có số dân bằng một đơn vị cấp tỉnh đứng hàng thứ 30 của nước ta. Dân số tăng, áp lực lớn đến các cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập, trong khi việc tuyển dụng thêm viên chức không đáng kể.
Hiện, trên địa bàn thành phố hiện có 122 trường học. Giai đoạn 2018-2023, thành phố giảm 3 đơn vị do sát nhập 6 trường tiểu học thành 3 trường.
Ở lĩnh vực văn hóa - xã hội, thành phố đã sát nhập nhiều cơ quan, đơn vị. Việc tổ chức sắp xếp tinh giản bộ máy đã giúp giảm đầu mối cấp trung gian, giảm số lượng lãnh đạo cấp phó. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2015-2021, thành phố chỉ cắt giảm được 6 biên chế của các đơn vị sự nghiệp bảo đảm một phần chi thường xuyên.
Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai Nguyễn Sơn Hùng cho rằng, dân số đông, trong đó có nguồn nhân lực chất lượng cao đến Biên Hòa là cơ hội cho sự phát triển. Thành phố Biên Hòa cần sớm kiến nghị tỉnh ban hành một nghị quyết riêng để có cơ chế ưu tiên, mở ra hướng phát triển trong thời gian tới, chú trọng thu hút xã hội hóa các lĩnh vực: giáo dục, y tế, văn hóa.
Phát biểu tại buổi giám sát, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai Quản Minh Cường nhấn mạnh, thành phố Biên Hòa là đơn vị hành chính cấp huyện nhưng lại hoạt động phức tạp hơn rất nhiều tỉnh. Dân số đông, trật tự an toàn xã hội rất phức tạp, dù gần đây có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng luôn tiềm ẩn phức tạp.
Đối với giáo dục, nhiều năm qua Biên Hòa luôn thiếu trường từ mẫu giáo đến cấp 3. Bên cạnh đó, các dịch vụ công khác cũng rất thiếu, thậm chí nhiều thứ rất thiết yếu nhưng tại đô thị cấp huyện có dân số lớn nhất cả nước này lại không có: “Cả thành phố 1,3 triệu dân không có một nhà tang lễ và hội trường sức chứa 700 chỗ ngồi. Ở Biên Hòa muốn đi xem ca nhạc cũng không có chỗ nào. Đừng đổ lỗi cho việc thiếu tiền, vấn đề là tầm nhìn trong quy hoạch và dự báo phát triển” - đồng chí Quản Minh Cường nói.
Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai đề nghị, quá trình tổ chức sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập chú ý cái gì xã hội hóa được nên giao cho tư nhân làm.
Mặt khác, chuyện tăng viên chức, hợp đồng lao động các đơn vị sự nghiệp công lập không sợ bị kỷ luật, nơi cần tăng phải tăng, cần tách phải tách để đáp ứng yêu cầu tăng cường quản lý nhà nước và nâng cao đời sống của nhân dân. Bởi lẽ, Biên Hòa với dân số đông như vậy, các đơn vị sự nghiệp công lập, nhất lĩnh vực y tế, giáo dục làm không tốt, không đáp ứng yêu cầu là có tội với nhân dân.
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=84964