Đoàn ĐBQH tỉnh giám sát chuyên đề về đổi mới chương trình, SGK tại iSchool Hà Tĩnh
Quá trình triển khai thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông ở Trường hội nhập Quốc tế iSchool Hà Tĩnh được thực hiện nghiêm túc, đảm bảo theo hướng dẫn chuyên môn của Sở GD&ĐT.
Sáng nay (10/2) Phó Trưởng đoàn chuyên trách ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia và các thành viên Đoàn ĐBQH tỉnh tiến hành giám sát chuyên đề về việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014 và Nghị quyết số 51/2017 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông tại Trường hội nhập Quốc tế iSchool Hà Tĩnh.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Văn Kỳ và đại diện lãnh đạo một số sở, ban ngành cấp tỉnh; các ban của HĐND tỉnh cùng dự.
Thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội, Trường hội nhập Quốc tế iSchool Hà Tĩnh đã thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về đổi mới chương trình, SGK phổ thông, thời điểm ban hành văn bản kịp thời, nội dung văn bản minh bạch và có tính khả thi.
Năm học 2022 - 2023, iSchool Hà Tĩnh có gần 600 học sinh khối phổ thông (28 lớp). Việc đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông ở trường được triển khai thực hiện đúng lộ trình, bám sát chủ trương đổi mới giáo dục và các văn bản chỉ đạo của các cấp. Quá trình triển khai thực hiện nghiêm túc, đảm bảo theo hướng dẫn chuyên môn của Sở GD&ĐT Hà Tĩnh.
Đội ngũ nhà giáo cơ bản nắm được những yêu cầu của chương trình, SGK mới, vận dụng vào thực tế tổ chức dạy học khá hiệu quả, dần khắc phục lối dạy học, kiểm tra đánh giá áp đặt một chiều, tích cực thay đổi cách dạy theo mục tiêu phát triển năng lực, phẩm chất học sinh. Nhà trường tích cực chuyển đổi số trong công tác quản trị cũng như trong việc dạy học…
Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được tập đoàn đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại, phù hợp nhu cầu sử dụng, đáp ứng yêu cầu của chương trình mới.
Tuy nhiên, Trường iSchool Hà Tĩnh vẫn còn 1 số khó khăn trong việc phân công giáo viên đảm nhận giảng dạy môn tích hợp về Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý; một số giáo viên chưa thực sự chủ động đổi mới, ý thức tự học, trau dồi chuyên môn nghiệp vụ chưa cao.
Tại buổi làm việc, thông qua Đoàn ĐBQH tỉnh, giáo viên nhà trường đã có một số kiến nghị đến Quốc hội và bộ, ngành liên quan một số vấn đề như: tạo điều kiện cho trường tư thục chủ động chương trình ngoại ngữ để phù hợp với nhu cầu phát triển công dân toàn cầu; đối với nhà xuất bản, cần tận dụng công nghệ số để xây dựng kho dữ liệu tập huấn để tạo điều kiện cho giáo viên chủ động trong học tập, nâng cao trình độ, đồng thời tạo những kênh tương tác để nhận phản hồi từ giáo viên, cán bộ chuyên môn đến nhà xuất bản…
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia đánh giá cao những cố gắng, kết quả của Trường hội nhập Quốc tế iSchool Hà Tĩnh trong triển khai thực hiện đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông.
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh nhấn mạnh, những đánh giá, kiến nghị cụ thể về chương trình đổi mới giáo dục, sách giáo khoa, Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tổng hợp, phản ánh với Quốc hội, các cơ quan Trung ương, địa phương xem xét để có sự điều chỉnh phù hợp.