Đoàn ĐBQH tỉnh góp ý Dự án Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc
Các đại biểu Quốc hội dự họp bày tỏ sự thống nhất cao đối với sự cần thiết ban hành dự án Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc và các nghị quyết của Quốc hội làm cơ sở triển khai thực hiện trong thời gian tới.
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, chiều 15/5, Đoàn ĐBQH tỉnh họp ở Tổ thảo luận, góp ý đối với dự án Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc (LHQ); Nghị quyết về cơ chế chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân.
Dự họp có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đặng Ngọc Huy.

Quang cảnh buổi thảo luận. Ảnh: V.TÂN
Góp ý đối với dự án Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Huỳnh Thị Ánh Sương bày tỏ sự thống nhất cao đối với sự cần thiết ban hành luật này làm cơ sở để thực hiện trong thời gian tới. Đại biểu Sương thống nhất với nguyên tắc chỉ tham gia hoạt động hỗ trợ, khắc phục hậu quả chiến tranh, duy trì hòa bình sau xung đột vì mục đích nhân đạo trên cơ sở đề nghị của LHQ. Việc bổ sung các đối tượng dân sự là cán bộ, công chức, viên chức được cử tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ nêu tại khoản 2 Điều 2 là phù hợp với yêu cầu thực tiễn và quy định của LHQ.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Huỳnh Thị Ánh Sương phát biểu tại buổi thảo luận. Ảnh: V.TÂN
Đại biểu Sương cho rằng, việc ban hành Nghị quyết về cơ chế chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật là nhằm tạo động lực mới để nâng cao chất lượng hoạt động xây dựng pháp luật và thực thi pháp luật hiện nay. Đồng thời đề nghị xem xét quy định nguyên tắc mức hưởng hỗ trợ tương ứng với khả năng, kinh nghiệm công tác trong hoạt động xây dựng pháp luật, triển khai thi hành pháp luật. Việc hưởng như nhau là không phù hợp.
Thảo luận dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đặng Ngọc Huy cho rằng, một số chính sách đặc biệt về phát triển kinh tế tư nhân đã kịp thời được thể chế hóa từ Nghị quyết số 68 của trung ương. Riêng lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số thì Nghị quyết số 193 của Quốc hội cũng đã đề cập nội dung này. Do đó, cần rà soát lại xem giữa 2 nghị quyết này có gì trùng lặp với nhau không để làm sao cho đồng bộ, thống nhất.
Nghị quyết số 68 quy định chỉ thanh tra, kiểm tra một lần trong một năm. Tuy nhiên, dự thảo nghị quyết lại nêu rõ thanh tra một lần một năm và kiểm tra cũng một lần mỗi năm. Do đó đề nghị chỉ thực hiện thanh tra hoặc kiểm tra một lần mỗi năm để giảm gánh nặng giải trình cho doanh nghiệp. Đại biểu Huy cũng cho rằng, việc hỗ trợ tiếp cận đất đai và mặt bằng sản xuất, kinh doanh cần cân nhắc có những quy định hợp lý, có tính khả thi và thực hiện được để hỗ trợ doanh nghiệp.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoànĐBQH tỉnh Đặng Ngọc Huy trao đổi tại buổi thảo luận.
Góp ý đối với Nghị quyết về cơ chế chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật, đại biểu Huy đề nghị rà soát để bổ sung đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ tài chính một cách hợp lý, bảo đảm đối tượng có làm thì có hưởng.

Ủy viên chuyên trách Ủy ban quốc phòng, An ninh và Đối ngoại của Quốc hội Trần Thị Hồng An phát biểu tại buổi thảo luận. Ảnh: V.TÂN
Góp ý đối với dự án Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ, Ủy viên chuyên trách Ủy ban quốc phòng, An ninh và Đối ngoại của Quốc hội Trần Thị Hồng An cho rằng, việc thông qua dự án luật sẽ tạo hành lang pháp lý đầy đủ, vững chắc và ổn định lâu dài hơn cho việc triển khai lực lượng của Việt Nam tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình. Có thể nói rằng, từ việc chỉ tham gia đóng góp tài chính, đến nay Việt Nam đã có hàng nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ. Tất cả các hoạt động của lực lượng Việt Nam được lãnh đạo LHQ, cũng như chỉ huy phái bộ của các nước sở tại và cộng đồng đánh giá cao, góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế của Việt Nam. Do đó, việc bổ sung thêm đối tượng dân sự tham gia sẽ giúp huy động thêm nguồn nhân lực tham gia sâu rộng hơn vào gìn giữ hòa bình của lực lượng LHQ. Qua đó mở rộng tầm ảnh hưởng, nâng cao vị thế, vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế.
Tin, ảnh: PV - CTV