Góp phần lan tỏa giá trị văn hóa, tinh thần nhân văn của dân tộc Việt Nam

Thảo luận tại tổ 12 (Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố Đà Nẵng, Hưng Yên, Ninh Bình, Gia Lai) chiều 15/5, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị bổ sung nội dung quy định về trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc bảo đảm an toàn và hỗ trợ lực lượng Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình ở nước ngoài, trong trường hợp xảy ra tình huống khẩn cấp hoặc xung đột, bao gồm cả việc sơ tán và hồi hương…

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh dự thảo luận tại Tổ 12

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh dự thảo luận tại Tổ 12

Tập trung xây dựng cơ chế, chính sách đặc biệt

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu tại phiên thảo luận tổ, chiều 15/5

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu tại phiên thảo luận tổ, chiều 15/5

Góp ý vào Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân, đại biểu Nguyễn Văn Quảng (TP. Đà Nẵng) cho rằng, cần xác định rõ phạm vi và nhiệm vụ cụ thể của nghị quyết, tránh hiểu lầm rằng nghị quyết này sẽ giải quyết toàn bộ vấn đề về phát triển kinh tế tư nhân.

Đại biểu Nguyễn Văn Quảng (TP. Đà Nẵng) phát biểu tại tổ, chiều 15/5

Đại biểu Nguyễn Văn Quảng (TP. Đà Nẵng) phát biểu tại tổ, chiều 15/5

Theo đại biểu, Ban soạn thảo cần khẩn trương rà soát và xác định các nhiệm vụ cần ưu tiên thể chế hóa trong nghị quyết. Đồng thời, tập trung vào việc xây dựng cơ chế, chính sách đặc biệt, mang tính đột phá để hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, như: quy định cụ thể mức độ cắt giảm thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hay như cơ chế để doanh nghiệp tiếp cận tín dụng dễ dàng hơn. Không chỉ giảm lãi suất mà còn phải bảo đảm doanh nghiệp có thể tiếp cận và được vay vốn.

Đại biểu cũng đề nghị giao Chính phủ quy định chi tiết các cơ chế, chính sách đặc biệt thay vì Quốc hội phải hoàn thành tất cả trong thời gian ngắn. Điều này sẽ giúp các chính sách được triển khai nhanh chóng và linh hoạt hơn.

Đại biểu Mai Khanh (Ninh Bình) cho rằng, có một số điều khoản trong dự thảo chưa rõ ràng, dễ hiểu sai hoặc có thể bị lợi dụng. Đơn cử như, việc diễn đạt nguyên tắc xử lý vi phạm kinh tế, dân sự quy định tại Điều 5 của Dự thảo là khó hiểu. Ngoài ra, phải làm rõ việc ưu tiên áp dụng các biện pháp dân sự, kinh tế, hành chính trước khi xử lý hình sự để tránh hiểu lầm.

Đại biểu Mai Khanh (Ninh Bình) tham gia ý kiến

Đại biểu Mai Khanh (Ninh Bình) tham gia ý kiến

Hỗ trợ lực lượng Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình ở nước ngoài

Tại phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu. Đồng thời, bày tỏ sự đồng tình, nhất trí cao việc cần thiết ban hành Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc; Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân; Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.

Đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên) đóng góp ý kiến

Đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên) đóng góp ý kiến

Quan tâm đến chế độ chính sách của Nhà nước đối với lực lượng gìn giữ hòa bình, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, tại Điều 7 và Điều 25 dự thảo cần bổ sung nội dung quy định về trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc bảo đảm an toàn và hỗ trợ lực lượng Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình ở nước ngoài, trong trường hợp xảy ra tình huống khẩn cấp hoặc xung đột, bao gồm cả việc sơ tán và hồi hương.

Còn về nghĩa vụ và trách nhiệm tại Điều 14 dự thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị bổ sung nội dung khuyến khích lực lượng Việt Nam tham gia gìn giữ hòa bình tích cực thực hiện các hoạt động hỗ trợ cộng đồng tại địa bàn, phù hợp với văn hóa và pháp luật nước sở tại, như: hướng dẫn sản xuất, phổ biến kiến thức vệ sinh, y tế, giáo dục kỹ năng sống. Những hoạt động này không chỉ mang ý nghĩa nhân đạo mà còn là hình thức ngoại giao nhân dân hiệu quả, góp phần lan tỏa giá trị văn hóa, tinh thần nhân văn của dân tộc Việt Nam.

Đại biểu Đinh Ngọc Quý (Gia Lai) phát biểu

Đại biểu Đinh Ngọc Quý (Gia Lai) phát biểu

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, trên thực tế, lực lượng của chúng ta tại các phái bộ đã chủ động tham gia hỗ trợ người dân trồng trọt, chăn nuôi, cải thiện điều kiện sống và nâng cao nhận thức cộng đồng. Đây là những đóng góp tuy âm thầm nhưng đầy ý nghĩa, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn bè quốc tế, góp phần xây dựng hình ảnh một Việt Nam nhân ái, trách nhiệm, chủ động và hội nhập sâu rộng. Những nội dung này rất cần được thể chế hóa trong luật để phát huy hơn nữa bản sắc và vai trò của Việt Nam trong các sứ mệnh quốc tế.

Về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, rà soát lại phạm vi điều chỉnh, nội dung và đối tượng của nghị quyết nhằm bảo đảm tính khả thi cao hơn. Đồng thời, thiết kế cụ thể hơn các cơ chế, chính sách để Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ có cơ sở cụ thể hóa, như: quy định về mức hỗ trợ, trợ cấp cho các đối tượng tham gia quá trình xây dựng pháp luật.

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Thanh (Ninh Bình) phát biểu

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Thanh (Ninh Bình) phát biểu

Liên quan đến Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cần nêu rõ hơn việc giảm thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục, giảm chi phí tuân thủ và các chi phí không chính thức cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, có chính sách cụ thể về thuế, tiếp cận tín dụng và vấn đề về đất đai để tạo ra những đột phá, đáp ứng kỳ vọng của doanh nghiệp.

Trọng Hiếu

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/gop-phan-lan-toa-gia-tri-van-hoa-tinh-than-nhan-van-cua-dan-toc-viet-nam-10372562.html