Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 – 2021
Ngày 22.2, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang do Phó Trưởng đoàn chuyên trách Lý Thị Lan làm trưởng đoàn đã giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 – 2021 tại huyện Quang Bình. Tham dự cùng Đoàn có: Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Phạm Thị Hồng Yên; đại diện sở, ban, ngành, lãnh đạo huyện Quang Bình; và chủ đầu tư các nhà máy thủy điện
Tổng điện lượng phát đạt 719,84 triệu kWh
Báo cáo của UBND huyện Quang Bình cho thấy, hiện trên địa bàn huyện đã được UBND tỉnh cho chủ trương đầu tư 11 dự án thủy điện với tổng công suất là 113,1 MW. Trong đó, có 4 dự án đang phát điện vào lưới điện Quốc gia; 3 dự án đang thi công; 2 dự án đang dự thảo phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng; 2 dự án chưa triển khai. Trong giai đoạn 2016 - 2021 tổng lượng điện phát của các nhà máy thủy điện đạt 719,84 triệu kWh; tổng doanh thu 654,4 tỷ đồng. Nhìn chung, các dự án thủy điện trên địa bàn huyện cơ bản đã chấp hành đúng các quy định về pháp luật đối với đất đai trong quá trình thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư - giải phóng mặt bằng; hoàn thiện thủ tục xin giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất... trước khi đưa vào khai thác, sử dụng. Đối với các dự án đang đầu tư xây dựng, chủ đầu tư cũng đã chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành của tỉnh, cơ quan chuyên môn của UBND huyện và địa phương hoàn thiện các thủ tục bảo đảm đúng trình tự theo quy định của pháp luật.
Các dự án thủy điện trong quy hoạch phát triển đem lại động lực mới cho nền công nghiệp, tạo công ăn việc làm cho người dân lao động khi xây dựng và lắp đặt nhà máy. Sau khi vận hành đưa vào khai thác sẽ tạo được đội ngũ công nhân kỹ thuật lành nghề, có thu nhập ổn định. UBND huyện đã thường xuyên chỉ đạo cơ quan chuyên môn, UBND xã trao đổi với chủ đầu tư, người dân về những khó khăn, vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm thời gian để thực hiện các dự án.
Bên cạnh kết quả đạt được, quy hoạch, đầu tư xây dựng dự án thủy điện chịu sự quản lý rất nhiều hệ thống văn bản pháp luật đa lĩnh vực từ thủ tục về đầu tư, xây dựng, tài nguyên nước, bảo vệ môi trường, tái định cư, đấu nối, quản lý vận hành nhà máy, quản lý vận hành hồ chứa, quản lý an toàn đập, cấp phép hoạt động phát điện... Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến chậm tiến độ thực hiện các dự án. Mặt khác, quá trình thực hiện chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư thời gian qua đã bộc lộ nhiều vấn đề làm ảnh hưởng đến kết quả thực hiện dự án. Việc cấp điện cho các thôn, bản vùng sâu, vùng xa chưa bảo đảm theo kế hoạch, do nguồn lực tài chính còn khó khăn, tỷ lệ số hộ sử dụng điện lưới quốc gia trên địa bàn huyện còn thấp, chất lượng điện năng chưa bảo đảm. Các nhà máy thủy điện phát điện cũng có phần ảnh hưởng đến môi trường của dòng sông; việc xây đập lớn tại vị trí địa lý không ổn định có nguy cơ gây ra những thảm họa cho vùng hạ du…
Trước thực trạng trên, Huyện Quang Bình kiến nghị Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương cần tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách trong hoạt động điện lực, phù hợp xu hướng hội nhập và lộ trình phát triển thị trường điện Việt Nam để bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia trong thời gian tới. Trong đó, cần sớm rà soát, sửa đổi các văn bản pháp luật về lĩnh vực điện lực; có cơ chế đặc thù để rút ngắn thời gian đầu tư các dự án điện, chính sách hỗ trợ về tài chính, giải phóng mặt bằng cho dự án điện và xử lý vướng mắc pháp lý liên quan đến việc chuyển đổi đất rừng theo quy định của Luật Lâm nghiệp; rà soát, sửa đổi, bổ sung các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia trong lĩnh vực năng lượng phù hợp với các quy định, tiêu chuẩn quốc tế, có xét đến các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia liên quan đến việc tái chế, sử dụng chất thải từ quá trình sản xuất năng lượng. Từng bước áp dụng các biện pháp khuyến khích và bắt buộc đổi mới công nghệ, thiết bị trong ngành năng lượng cũng như những ngành, lĩnh vực sử dụng nhiều điện năng, bảo đảm việc sử dụng năng lượng điện tiết kiệm, hiệu quả.
Làm rõ vướng mắc trong bồi thường, giải phóng mặt bằng
Tại cuộc giám sát, các thành viên trong đoàn đề nghị các chủ đầu tư thủy điện làm rõ hơn về những thuận lợi, khó khăn trong vấn đề bảo vệ môi trường, an toàn trong khu vực triển khai dự án; sản lượng, doanh thu, sự ổn định của nguồn điện, giá điện; việc sử dụng năng lượng bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả. Đặc biệt, cần làm rõ nguyên nhân chậm tiến độ của một số dự án nhà máy thủy điện chưa đúng với cam kết; trong đó có vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Đồng thời, các thành viên nêu băn khoăn trước việc đầu tư xây dựng các tuyến đường dây và trạm biến áp truyền tải theo quy hoạch còn chậm, chưa đáp ứng kịp với tiến độ đầu tư các nhà máy thủy điện đã dẫn đến khó khăn trong công tác đầu tư, đấu nối và truyền tải các dự án thủy điện tại một số khu vực trên địa bàn. Các thành viên trong đoàn cũng gợi mở về những định hướng để các các nhà đầu tư, huyện Quang Bình tham gia ý kiến nhằm góp phần hoàn thiện các cơ chế chính sách thu hút đầu tư của tỉnh cũng như chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng trong tương lai.
Thực hiện hiệu quả chính sách phát, pháp luật về phát triển năng lượng
Phát biểu kết luận tại buổi giám sát, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Lý Thị Lan ghi nhận và đánh giá cao về công tác quản lý nhà nước và thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng của huyện Quang Bình cũng như đóng góp quan trọng, hiệu quả của các nhà máy thủy điện.
Với những khó khăn, vướng mắc đã được các thành viên trong đoàn nêu ra, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Lý Thị Lan đề nghị UBND huyện phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn và chủ đầu các dự án thủy điện trong việc bồi thường giải phóng mặt bằng các dự án thủy điện. Có kế hoạch, định hướng để khai thác, tận dụng mặt nước hồ chứa các thủy điện trên địa bàn để phát triển du lịch hoặc phát triển chăn nuôi thủy sản. Đồng thời, kêu gọi chủ đầu tư các dự án thủy điện trên địa bàn thực hiện tốt công tác an sinh xã hội; giúp đỡ các hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn; bảo đảm công tác an ninh trật tự trên địa bàn, nhất là những nơi có đông dân cư, nơi có cán bộ, công nhân nhà máy thủy điện cư trú.
Đối với chủ đầu tư các dự án thủy điện đã đi vào hoạt động cần thực hiện đúng quy trình vận hành hồ chứa và các phương án phòng chống lụt bão bảo đảm an toàn đập, phương án phòng chống lũ lụt vùng hạ du, chủ động ứng phó với thời tiết bất thường xảy ra. Chấp hành đầy đủ các quy định của địa phương, bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn; tích cực tham gia công tác an sinh xã hội; thường xuyên giúp đỡ, đỡ đầu các hộ nghèo để chung tay với tỉnh trong công cuộc xóa đói giảm nghèo.
Đối với chủ đầu tư các dự án đang xây dựng, cần chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật về đầu tư nhà máy thủy điện. Thực hiện hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng trước khi khởi công xây dựng nhà máy; bảo đảm an toàn tuyệt đối khi thi công xây dựng nhà máy; chú ý thực hiện tốt công tác thu gom rác thải công nghiệp khi thi công công trình để bảo đảm môi trường.
Đối với một số nội dung kiến nghị của huyện của các chủ đầu tư, Đoàn sẽ tổng hợp kiến nghị, đề xuất để xem xét trình Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, góp phần điều chỉnh, nâng cao chất lượng, hoàn thiện việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng trong giai đoạn tiếp theo.
+ Trước đó, Đoàn đã đi khảo sát thực tế nhà máy Thủy điện Sông Bạc và công trình Thủy điện Xuân Minh. Tại đây, các thành viên trong đoàn cũng đề nghị các đơn vị này làm rõ một số khó khăn, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện dự án; quá trình vận hành nhà máy. Bên cạnh đó, làm rõ nguyên nhân điều chỉnh quy hoạch dự án. Bởi, khi điều chỉnh quy hoạch dự án sẽ ảnh hưởng đến nhiều quy hoạch khác như quy hoạch sử dụng dụng đất, có thể ảnh hưởng đến môi trường đất đai của người dân…
Sau đây là chùm ảnh đoàn khảo sát thực tế: