Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang thảo luận về tình hình KT-XH tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV

BHG - Chiều 1.6, Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV thảo luận về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách Nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2022; tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14.

Toàn cảnh kỳ họp. Ảnh: Minh Đông TTXVN

Toàn cảnh kỳ họp. Ảnh: Minh Đông TTXVN

Thảo luận tại nghị trường, Phó Trưởng đoàn ĐBQH khóa XV tỉnh Hà Giang Lý Thị Lan đồng tình với báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách về kết quả thực hiện phát triển KT-XH và NSNN năm 2021 và những tháng đầu năm 2022. Kết quả trong năm 2021 và những tháng đầu năm 2022 đã tạo niềm tin cho người dân và động lực phát triển của đất nước.

Các đại biểu dự kỳ họp. Ảnh: Minh Đông TTXVN

Các đại biểu dự kỳ họp. Ảnh: Minh Đông TTXVN

Theo đại biểu, trước bối cảnh tình hình trong nước và khu vực, quốc tế nhiều thời cơ và thách thức đan xen, để giữ vững được kết quả đạt được và phát triển bền vững, rất cần “động lực và nguồn lực mạnh mẽ để phát triển” đó là văn hóa, là bản sắc của dân tộc như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói tại hội nghị văn hóa toàn quốc vừa qua. Vì vậy, phát triển KT-XH, khai thác mọi tiềm năng, lợi thế cần có nhiều chính sách để phát huy và bảo tồn văn hóa các dân tộc. Các tỉnh miền núi phía Bắc có nhiều đặc trưng đa dạng về văn hóa, đậm đà bản sắc văn hóa của nhiều dân tộc anh em, đây cũng là một lợi thế cạnh tranh trong phát triển KT-XH nhất là phát triển du lịch của địa phương. Bên cạnh đó cũng đang tồn tại những phong tục lạc hậu, hủ tục, tập quán canh tác lâu đời của đồng bào dân tộc thiểu số cũng làm cho điều kiện cuộc sống, sinh hoạt của người dân càng nghèo và khó khăn hơn.

Đại biểu QH Lý Thị Lan tham luận tại kỳ họp. Ảnh: Minh Đông TTXVN

Đại biểu QH Lý Thị Lan tham luận tại kỳ họp. Ảnh: Minh Đông TTXVN

Xuất phát từ thực tiễn và quyết tâm làm thay đổi nhận thức của người dân với tư duy Đảng lãnh đạo, chỉ đạo và Nhà nước hỗ trợ bằng chính sách như đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ vay vốn tạo sinh kế cho người dân. Vì vậy, chính quyền địa phương và người dân phải mạnh dạn, thay đổi tư duy nhận thức, trong đó đấu tranh xóa bỏ những hủ tục, phong tục lạc hậu để tự mình vươn lên thoát nghèo được coi là nhiệm vụ quan trọng thường xuyên, lâu dài và bền bỉ, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Tỉnh Hà Giang đã thành lập ban chỉ đạo thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh từ tỉnh đến cơ sở trong đó nêu cao vai trò gương mẫu của lãnh đạo và đảng viên. Các nội dung được cụ thể hóa vào thực hiện nhiệm vụ, sinh hoạt chi bộ thường kỳ của các địa phương và coi là tiêu chí để đánh giá xếp loại cán bộ, đảng viên và cơ quan, đơn vị. Hà Giang đã biên soạn tài liệu và đưa vào giảng dạy ở trong nhà trường để thay đổi tư duy một cách bền vững, thấm nhuần phát huy và bảo tồn văn hóa dân tộc và quan trọng là nâng cao tinh thần tự lực, tự cường qua các thế hệ học sinh... việc xóa bỏ thay đổi các tập quán, hủ tục lạc hậu như: Hôn nhân cận huyết thống, tảo hôn, trong tổ chức việc cưới, việc tang, thờ cúng trong đời sống sinh hoạt, lao động sản xuất, vệ sinh môi trường gắn với xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo, các chương trình cải tạo vườn tạp, xóa nhà tạm của tỉnh và việc triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia: Phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới. Với cách làm quyết liệt và sáng tạo ở Hà Giang đã có chuyển biến nhận thức tích cực trong tư duy tự lực, tự cường vươn lên thoát nghèo của các cấp chính quyền và người dân các dân tộc địa phương.

Vừa qua Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 11 về phương hướng phát triển KT-XH, đảm bảo QP-AN vùng trung du và miền núi phía Bắc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đây là một niềm vui lớn, phấn khởi của đồng bào nhân dân các dân tộc vùng trung du miền núi phía Bắc. Đảng và Nhà nước đã xác định đây là vùng có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về KT-XH, môi trường sinh thái, QP-AN và đối ngoại của cả nước; vùng có bề dày lịch sử với nhiều di sản văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số; có truyền thống cách mạng vẻ vang; là cội nguồn của dân tộc, là “phên dậu” của Tổ quốc. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển KT-XH và hội nhập vẫn là “vùng trũng” của sự phát triển và là “lõi nghèo” của cả nước. Việc triển khai đưa Nghị quyết số 11 vào cuộc sống là cơ hội bứt phá của các địa phương trong vùng trong những năm tới.

Vì vậy, đề nghị Chính phủ cần tập trung ưu tiên sớm lập và phê duyệt quy hoạch vùng, tạo cơ sở để các địa phương trong vùng xây dựng, quy hoạch phát triển địa phương mình nhằm khai thác, phát huy tốt tiềm năng, lợi thế của vùng và từng địa phương. Trong đó cần ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước đủ mạnh, kết hợp với huy động các nguồn lực trong xã hội cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, kết nối liên hoàn giữa các tỉnh trong vùng, giữa vùng với cả nước và quốc tế có sức lan tỏa như đoạn cao tốc Phú Thọ -Tuyên Quang - Hà Giang; Thái Nguyên - Bắc Kạn - Cao Bằng; Hòa Bình - Sơn La - Điện Biên; giải quyết vấn đề phát triển vùng và liên vùng, phát triển toàn diện cả về kinh tế, văn hóa, xã hội. Chính phủ cần tăng cường phân cấp, phân quyền, tăng tính chủ động cho các địa phương triển khai các nội dung Nghị quyết, kế hoạch, dự án lớn của T.Ư tại địa phương và các vùng.

Về 3 chương trình mục tiêu Quốc gia, đến nay đã gần 2 năm để làm các công tác chuẩn bị, chỉ còn thời gian gần 3/5 năm để triển khai thực hiện. Với nghị quyết số 517/NQ của UBTVQH ngày 22.5.2022, đại biểu đề nghị Chính phủ cần có chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, đơn vị khẩn trương hướng dẫn kịp thời, sớm bố trí vốn về địa phương để triển khai đồng bộ, thống nhất, hiệu quả các chương trình tại cơ sở đến với người dân. Đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đang rất mong mỏi và chờ đợi từ chương trình này để cải thiện điều kiện sản xuất và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

Phó Trưởng đoàn ĐBQH Lý Thị Lan tin tưởng: Với tinh thần khát vọng phát triển, phát huy vai trò chủ thể của chính quyền địa phương, người dân và sự nỗ lực vươn lên của đồng bào dân tộc thiểu số, các tỉnh miền núi phía Bắc cùng với cả nước tiếp tục nỗ lực phấn đấu, tạo chuyển biến có tính đột phá trong phát triển KT-XH, đảm bảo QP-AN theo tinh thần: “Cả nước vì trung du và miền núi Bắc Bộ; Trung du và miền núi Bắc Bộ vượt khó vươn lên cùng cả nước và vì cả nước” như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị triển khai Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị.

Duy Tuấn (tổng hợp)

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/thoi-su-chinh-tri/202206/doan-dbqh-tinh-ha-giang-thao-luan-ve-tinh-hinh-kt-xh-tai-ky-hop-thu-3-quoc-hoi-khoa-xv-fdc2dd9/