ĐOÀN ĐBQH TỈNH HÀ NAM TIẾP XÚC CHUYÊN ĐỀ VỚI CỬ TRI LÀ CÔNG NHÂN LAO ĐỘNG
Sáng 14/5, tại Trung tâm Văn hóa, Thể thao công nhân lao động (CNLĐ), Khu công nghiệp (KCN) Châu Sơn (thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam), Liên đoàn Lao động tỉnh, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh phối hợp tổ chức hội nghị tiếp xúc chuyên đề giữa Đoàn ĐBQH tỉnh với cử tri là CNLĐ trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.
Dự hội nghị có đồng chí Phạm Hùng Thắng, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam; lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh, cùng đông đảo CNLĐ.
Tại hội nghị, đại diện Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam đã thông tin đến cử tri về dự kiến nội dung, chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV; báo cáo khái quát kết quả phát triển kinh tế - xã hội quý I/2024 của tỉnh.
Đại diện cử tri là cán bộ, CNLĐ đã nêu các ý kiến, kiến nghị đối với Quốc hội, Chính phủ và tỉnh Hà Nam, bày tỏ sự quan tâm đến những vấn đề liên quan đến đời sống của CNLĐ, như: tạo việc làm, nâng cao thu nhập, tiền lương, nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp, các thiết chế văn hóa công đoàn, chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), phát triển giáo dục mầm non, chính sách lao động nữ…
Cụ thể, các ý kiến bày tỏ mong muốn cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ CNLĐ mua nhà ở xã hội; quan tâm xây dựng nhà trẻ, mẫu giáo để CNLĐ yên tâm gửi con do tại các KCN hiện nay, lượng lao động nữ đang nuôi con nhỏ chiếm tỷ lệ cao, thường xuyên làm thêm giờ, tăng ca. Hiện tượng mưa to ngập đường tại các KCN Đồng Văn I, II gây khó khăn, nguy hiểm cho CNLĐ trong quá trình tham gia giao thông, mong tỉnh và các cơ quan liên quan có phương án sớm xử lý để bảo đảm an toàn cho CNLĐ.
Số lượng cán bộ công đoàn ở cấp tỉnh, cấp huyện được bố trí chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ và số lượng đoàn viên tăng liên tục, gây khó khăn cho hoạt động công đoàn. Do vậy, đề nghị Quốc hội xem xét, có giải pháp quy định cơ chế quản lý biên chế phù hợp trong Luật Công đoàn (sửa đổi), tăng quyền chủ động của công đoàn trong bố trí đội ngũ cán bộ công đoàn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. CNLĐ cũng đề nghị Quốc hội xem xét lại tuổi nghỉ hưu đối với giáo viên mầm non và CNLĐ; tiếp tục quy định nguồn thu 2% kinh phí công đoàn trong Luật Công đoàn (sửa đổi); đồng thời quy định chế tài xử lý nghiêm các doanh nghiệp cố tình không đóng kinh phí công đoàn.
Đối với vấn đề liên quan đến chính sách BHXH, NLĐ đề nghị Quốc hội quan tâm có các quy định và giải pháp tổng thể để bảo vệ quyền lợi của người lao động trước làn sóng rút BHXH diễn ra mạnh mẽ, cũng như đưa ra các biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp doanh nghiệp trốn đóng, chậm đóng, chiếm dụng tiền đóng BHXH của người lao động. Bên cạnh đó, đề nghị Quốc hội quy định rõ hơn về quyền chủ động thực hiện giám sát của công đoàn trong Luật Công đoàn (sửa đổi) để nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát của tổ chức công đoàn, sớm phát hiện các bất cập, tranh chấp, không để xảy ra đình công, ngừng việc. Đề nghị các cấp, ngành quan tâm hơn nữa đến công tác đào tạo nghề cho người lao động, nâng cao chất lượng nguồn lao động, nhất là những địa phương bị thu hồi đất nông nghiệp phục vụ cho phát triển công nghiệp…
Thay mặt Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam, đồng chí Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Phạm Hùng Thắng tiếp thu, trả lời một số vấn đề cử tri quan tâm và hứa tổng hợp các kiến nghị của cử tri gửi đến Quốc hội, Chính phủ và các cấp, ngành liên quan xem xét giải quyết, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của cử tri.
Nhân dịp này, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam, Liên đoàn Lao động tỉnh đã tặng 100 suất quà cho CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn, mỗi suất quà trị giá 1.000.000 đồng.
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=86850