Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình khảo sát việc xử lý dự án không đưa đất vào sử dụng, chậm tiến độ đưa đất vào sử dụng trên địa bàn
Ngày 4.10, Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình do Phó Trưởng Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đặng Bích Ngọc làm Trưởng đoàn đã có buổi khảo sát về việc xử lý dự án không đưa đất vào sử dụng, chậm tiến độ đưa đất vào sử dụng theo Nghị quyết 74/2022/QH15 ngày 15.11.2022 của Quốc hội tại huyện Lương Sơn và Kim Bôi.
Tại buổi khảo sát, Đoàn ĐBQH tỉnh đã đi khảo sát thực tế tại 2 huyện Lương Sơn và Kim Bôi; đồng thời nghe báo cáo sơ bộ của chủ đầu tư về tiến độ triển khai dự án, khó khăn, vướng mắc tại các dự án như: Dự án Khu đô thị sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp Lâm Sơn - Công ty Công ty cổ phần Archi Reenco Hòa Bình; Dự án Khu đô thị sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp Đông Trường Sơn tại xã Tân Vinh, huyện Lương Sơn - Liên danh Công ty Cổ phần đầu tư Reenco Hòa Bình, Công ty Khu nhà ở Riverview Lương Sơn, thị trấn Lương Sơn, huyện Lương Sơn - Công ty Cổ phần 873 - Xây dựng công trình giao thông; Dự án “Trại gà giống Hưng Việt” - Công ty cổ phần Austfeed Hòa Bình, thôn Lầm Ngoài, xã Nuông Dăm, huyện Kim Bôi; Dự án Khu vui chơi giải trí cao cấp suối khoáng Kim Bôi - Công ty Cổ phần thương mại và du lịch Kim Bôi (trước đây là công ty xây dựng Trường Giang), thôn Mớ Đá, xã Hạ Bì; Dự án Khu du lịch sinh thái và sản xuất nước khoáng - Công ty Cổ phần đầu tư thương mại dịch vụ EG, thôn Kim Đức, xã Vĩnh Tiến;…
Tại mỗi nơi đến khảo sát, Đoàn ĐBQH tỉnh đã nắm bắt tình hình việc xử lý dự án không đưa đất vào sử dụng, chậm tiến độ đưa đất vào sử dụng theo Nghị quyết 74/2022/QH15 ngày 15.11.2022 của Quốc hội. Tại huyện Lương Sơn, nhìn chung, công tác giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất trên địa bàn đã được thực hiện theo đúng trình tự bảo đảm đúng các nội dung về loại đất đủ điều kiện được chuyển đổi. Quyền lợi của người sử dụng đất được bảo đảm; một số khó khăn, vướng mắc trong công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất tiếp tục được tháo gỡ để đảm bảo quyền lợi chính đáng của người sử dụng đất.
Tuy nhiên, công tác kiểm đếm bắt buộc, cưỡng chế thực hiện Quyết định kiểm đếm bắt buộc, cưỡng chế thu hồi đất còn lúng túng. Đơn giá bồi thường, hỗ trợ có sự chênh lệch mức giá giữa khu vực đô thị và nông thôn, giữa tỉnh Hòa Bình các tỉnh lân cận đặc biệt khu vực giáp ranh với thành phố Hà Nội với huyện Lương Sơn dẫn đến có sự so sánh đơn giá đất giữa hai khu vực. Công tác chỉnh lý biến động việc xác định nguồn gốc, thời điểm sử dụng đất khó khăn do thiếu hồ sơ thu hồi đất, giải phóng mặt bằng một số dự án không kịp thời dẫn đến việc xác định nguồn gốc không rõ ràng, ít được chỉnh lý. Toàn bộ hồ sơ địa chính trên địa bàn huyện được lưu ở dưới dạng số và giấy nên khó khăn cho công tác thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Việc thu thập thông tin, tài liệu có liên quan phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra gặp khó khăn.
Còn tại huyện Kim Bôi, các doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn huyện Kim Bôi đã thực hiện trình tự, thủ tục về đất đai và được UBND tỉnh, UBND huyện quyết định cho thuê đất, ký hợp đồng thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, được nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất nhưng không thực hiện dự án, chậm đưa đất vào sử dụng, chậm xây dựng so với tiến độ dự án. Các doanh nghiệp, cá nhân nợ tiền thuê đất, chậm nộp tiền sử dụng đất theo quy định. Việc hoàn thiện các thủ tục để đầu tư xây dựng còn nhiều khó khăn, bất cập.
Thay mặt Đoàn ĐBQH tỉnh, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đặng Bích Ngọc ghi nhận và tiếp thu các ý kiến đề xuất của huyện Lương Sơn và Kim Bôi tại buổi khảo sát; đồng thời giao Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết trong thời gian sớm nhất.