ĐOÀN ĐBQH TỈNH LAI CHÂU GIÁM SÁT CHUYÊN ĐỀ TẠI MỘT SỐ CƠ QUAN, ĐƠN VỊ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
Sáng 20/2, Đoàn giám sát của Đoàn Đại biểu quốc hội (ĐBQH) tỉnh Lai Châu giám sát chuyên đề 'Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức, quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 - 2023' tại Sở Tài nguyên và Môi trường.
Tham gia Đoàn giám sát có các đồng chí: Hoàng Quốc Khánh - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh, Phó Trưởng Đoàn giám sát; Hoàng Thanh Bình - Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lai Châu, đại biểu Quốc hội khóa XV, thành viên Đoàn giám sát; Tao Văn Giót - Bí thư Huyện Đoàn Tam Đường, đại biểu Quốc hội khóa XV, thành viên Đoàn giám sát; lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tỉnh, Sở Nội vụ, Ban Pháp chế (HĐND tỉnh), Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh.
Tham dự buổi giám sát có đồng chí Mai Văn Thạch - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường; lãnh đạo các phòng chuyên môn, các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở…
Tại buổi giám sát, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường đã thông qua báo cáo tóm tắt “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức, quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 - 2023”. Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đã hoàn thành các nhiệm vụ về sắp xếp kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của Sở theo Kế hoạch số 18-KH/ĐU ngày 26/2/2018 của Đảng ủy Sở; Kế hoạch số 277/KH-STNMT ngày 02/4/2018 của Sở về thực hiện Nghị quyết số 18, Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Đã sắp xếp, sáp nhập, tổ chức lại 5 đơn vị sự nghiệp còn 3 đơn vị.
Công tác tinh giản tổ chức, bộ máy, biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, thực hiện hợp nhất các phòng, đơn vị được sự đồng thuận cao của cán bộ, đảng viên, làm tiền đề cho phát triển kinh tế - xã hội. Việc từng bước đẩy mạnh giao quyền tự chủ tài chính cho các đơn vị sự nghiệp công lập đã tạo chuyển biến mới trong tư duy, nhận thức của công chức, viên chức. Đến nay, 2/3 đơn vị sự nghiệp đã tự đảm bảo chi thường xuyên trên cơ sở chủ động, chú trọng khai thác sử dụng hiệu quả tài sản, nguồn lực để triển khai, mở rộng hoạt động dịch vụ, phục vụ nhân dân tốt hơn, tăng nguồn thu, nâng cao thu nhập, giảm chi thường xuyên cho ngân sách... Sau sắp xếp bộ máy đã nhanh chóng ổn định và đi vào hoạt động đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Công tác xây dựng pháp luật được Sở kịp thời triển khai đồng bộ trên các lĩnh vực. Các văn bản quy phạm pháp luật do Sở tham mưu trình HĐND tỉnh, UBND tỉnh ban hành đảm bảo yêu cầu theo quy định của pháp luật, chất lượng ngày càng được nâng lên.
Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII và các nhiệm vụ được UBND tỉnh Lai Châu giao, Sở đã chủ động tổ chức, triển khai, thực hiện đảm bảo tiến độ đề ra theo kế hoạch, đảm bảo chất lượng, bộ máy của Sở đã được sắp xếp tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Cụ thể: cả khối hành chính, sự nghiệp tổ chức, sắp xếp lại đều giảm số lượng; số lượng biên chế được tinh giản do sắp xếp giảm về số lượng, giảm về chi ngân sách cho số người làm việc; số lượng cấp phó giảm do sắp xếp. Hiện nay, số lượng cấp phó của các đơn vị sự nghiệp thuộc Sở không vượt quá số lượng cấp phó theo quy định của mỗi đơn vị. Đến thời điểm hiện tại, các trung tâm phát triển quỹ đất trên địa bàn tỉnh Lai Châu đang trực thuộc UBND cấp huyện.
Sở Tài nguyên và môi trường kiến nghị với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội: sớm ban hành Luật Đơn vị sự nghiệp công lập để tạo cơ sở pháp lý thống nhất, đồng bộ về đơn vị sự nghiệp công. Đối với Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ sớm ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật của từng hoạt động, lĩnh vực để địa phương làm cơ sở ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí; đồng thời làm cơ sở ban hành đơn giá, giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực quản lý quy định tại Điều 4 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP cho phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương.
Đối với UBND tỉnh Lai Châu: ban hành giá dịch vụ công thực hiện tại Văn phòng đăng ký đất đai và Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện, đồng thời có cơ chế đặt hàng với Văn phòng đăng ký đất đai đối với việc thực hiện các dịch vụ công thực hiện tại Văn phòng đăng ký đất đai và Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện. Giao cho các đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên có thẩm quyền quyết định về số lượng người làm việc theo quy định của pháp luật, theo khả năng tài chính của đơn vị…
Phát biểu tại buổi giám sát, các phòng chuyên môn, các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường phát biểu ý kiến tập trung vào các nội dung: khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ sau khi sáp nhập; đề xuất các giải pháp như: tăng thêm số lượng cán bộ cho các Trung tâm; tổ chức tuyển dụng thêm những vị trí còn thiếu; trang bị thêm thiết bị, máy móc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn...
Phát biểu kết luận buổi giám sát, đồng chí Hoàng Quốc Khánh - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu, Phó Trưởng Đoàn giám sát ghi nhận, đánh giá cao tinh thần làm việc của Sở với Đoàn giám sát; báo cáo tương đối chi tiết; Sở thực hiện nghiêm, kịp thời, đầy đủ các yêu cầu của tỉnh cũng như các chương trình, đề án, kế hoạch của tỉnh về tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập theo đúng tiến độ, kế hoạch đề ra. Đồng chí chỉ ra những tồn tại, hạn chế, đồng thời đề nghị Sở sớm tham mưu cho UBND tỉnh những nội dung kiến nghị; những nội dung thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ, Đoàn giám sát đề nghị Sở tổng hợp đầy đủ trong báo cáo để Đoàn giám sát gửi lên Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chính phủ, Quốc hội để xem xét, giải quyết.
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=84745