ĐOÀN ĐBQH TỈNH LÂM ĐỒNG GIÁM SÁT PHÁT TRIỂN NĂNG LƯỢNG TẠI HUYỆN ĐỨC TRỌNG
Chiều 06/3, tiếp tục chương trình giám sát chuyên đề 'Việc thực hiện chính sách pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021' trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, thực hiện theo Nghị quyết 582 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh tổ chức giám sát tại huyện Đức Trọng.
ĐOÀN ĐBQH TỈNH LÂM ĐỒNG GIÁM SÁT VỀ PHÁT TRIỂN NĂNG LƯỢNG TẠI THỦY ĐIỆN ĐỒNG NAI 1
Đoàn đi khảo sát, kiểm tra thực tế tình hình phát triển năng lượng tại các dự án điện mặt trời là Công ty CP Xây lắp điện Lâm Đồng xã Ninh Gia và Công ty TNHH Lâm nghiệp Hoàng Long - Khu Công nghiệp Phú Hội.
Sau khảo sát, đoàn làm việc tại Công ty Điện lực Đức Trọng, lắng nghe báo cáo, kiến nghị về những khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư về phát triển năng lượng.
Dự án điện mặt trời thôn Tân Phú - xã Ninh Gia, huyện Đức Trọng chủ đầu tư là Công ty CP Xây lắp Điện Lâm Đồng có tổng vốn đầu tư trên 19 tỷ đồng, có diện tích 8.000 m2, công suất thiết kế 990 KW.
Tạo điều kiện thu hút đầu tư liên quan đến phát triển năng lượng phục vụ người dân vùng sâu, vùng xa là hợp lý tuy nhiên cần lưu ý các thủ tục, điều kiện đầu tư để triển khai dự án nhằm sớm thu hồi vốn. Còn nhiều khó khăn, vướng mắc về điện mặt trời, tận dụng mái nhà để sản xuất điện năng.
Qua khảo sát, đoàn giám sát ghi nhận phía doanh nghiệp đã và đang chấp hành tốt các quy định của pháp luật về phát triển năng lượng tái tạo, công tác thẩm định, phê duyệt, nghiệm thu các hạng mục và vận hành dự án đảm bảo theo đúng hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Thực tế đã cho thấy việc phát triển hệ thống điện mặt trời mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo ra cơ hội việc làm cho một số lao động tại địa phương, thực hiện nghĩa vụ đóng thuế vào ngân sách địa phương đầy đủ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội ở địa bàn phát triển dự án năng lượng, ghi nhận và động viên phía doanh nghiệp tiếp tục phát huy những kết quả đạt được.
Trưởng đoàn giám sát Nguyễn Tạo kết luận, đối với việc quản lý chất thải từ tấm pin năng lượng, đề nghị doanh nghiệp trong quá trình hoạt động dự án cần quan tâm đến công tác quản lý chất thải từ các tấm pin để đảm bảo phát triển kinh tế gắn với công tác bảo vệ môi trường chung cho toàn xã hội. Bộ Tài nguyên - Môi trường cũng đang chủ trì xây dựng dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi sẽ có quy định, hướng dẫn cụ thể về công tác đánh giá tác động môi trường theo hướng tiếp thu những kiến nghị thực tế từ các địa phương và doanh nghiệp.
Doanh nghiệp kiến nghị với đoàn về cơ chế, chính sách pháp luật trong lĩnh vực phát triển năng lượng như: đơn giản hóa thủ tục hành chính, thủ tục mua bán điện, các thủ tục liên quan đến cấp phép hoạt động dự án điện mặt trời mái nhà còn nhiều bất cập như thủ tục cấp phép phòng cháy, chữa cháy, tiêu chuẩn, quy định cấp phép đối với điện mặt trời mái nhà; thủ tục đánh giá tác động môi trường; cấp phép xây dựng... Các kiến nghị này, đoàn giám sát ghi nhận và sẽ tổng hợp, kiến nghị đến các cơ quan có thẩm quyền trong thời gian tới để xem xét, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện tối đa để phát triển các dự án năng lượng một cách đồng bộ, bền vững theo đúng quy định của pháp luật nhằm thống nhất các quy định về năng lượng tái tạo tại Lâm Đồng nói riêng và trên cả nước nói chung.
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=73749