Hà Nội thành lập Ban Chỉ đạo về thực hiện các biện pháp phòng, chống lãng phí
Sáng 20-11, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh chủ trì Hội nghị công bố Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo của UBND thành phố về thực hiện các biện pháp phòng, chống lãng phí.
Theo Quyết định số 6037/QĐ-UBND ngày 20-11-2024, UBND thành phố quyết định thành lập “Ban Chỉ đạo về thực hiện các biện pháp phòng, chống lãng phí của UBND thành phố Hà Nội” do đồng chí Trần Sỹ Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố làm Trưởng ban Chỉ đạo.
Ban Chỉ đạo có 22 thành viên, gồm lãnh đạo UBND thành phố và giám đốc, thủ trưởng các sở, ngành sẽ trực tiếp chỉ đạo, điều hành việc rà soát, xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện hiệu quả Kế hoạch thực hiện các biện pháp phòng, chống lãng phí của thành phố Hà Nội năm 2025 và các năm tiếp theo theo từng ngành, lĩnh vực.
UBND thành phố đã giao nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo với 4 nhóm nội dung lớn, trong đó có 23 vấn đề cụ thể để tập trung rà soát, xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện, quyết tâm đưa nội dung phòng, chống lãng phí thành nhiệm vụ thường xuyên, liên tục với mục tiêu tháo gỡ các nút thắt, điểm nghẽn để phát huy nguồn lực đầu tư xã hội từ đất đai, tài nguyên, vốn đầu tư ngoài ngân sách, đồng thời sử dụng tiết kiệm, hiệu quả vốn đầu tư công, các khoản chi từ ngân sách nhà nước.
Với việc ban hành Quyết định này, Hà Nội là thành phố đầu tiên trong cả nước thành lập Ban Chỉ đạo về thực hiện các biện pháp phòng, chống lãng phí; thể hiện rõ hơn sự quyết liệt, đồng lòng, trách nhiệm trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ phòng, chống lãng phí của thành phố.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, phòng, chống lãng phí không phải việc bây giờ thành phố mới làm. Thời gian qua, thành phố đã tập trung nhận diện, rà soát 712 dự án vốn ngoài ngân sách chậm triển khai. Có những dự án kéo dài chục năm chưa triển khai, có những dự án thu hồi dở dang gây lãng phí. Thành phố đưa các dự án vào diện tháo gỡ để vận hành lại. Với các dự án không thể triển khai vì nhiều lý do khách quan, pháp lý, thành phố đã tiến hành thu hồi.
Về tài sản công, thành phố tập trung rà soát lại tài sản công để quản lý, tránh lãng phí; đặc biệt, thành phố rà soát lại quỹ nhà chuyên dùng. Việc này góp phần xây dựng một hệ thống quản lý tài sản công không chỉ bền vững, mà còn góp phần phát huy tối đa tiềm năng và giá trị của các nguồn lực.
Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh: "Phòng, chống lãng phí là vấn đề lâu dài, tác động đến quản trị, vận hành bộ máy. Vì vậy, cần xây dựng văn hóa tiết kiệm, phòng, chống lãng phí trong các cơ quan, tổ chức; khuyến khích nhân dân tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tạo thói quen quý trọng tài sản của Nhà nước, công sức của nhân dân, sự đóng góp của tập thể và công sức của mỗi cá nhân; coi việc thực hành tiết kiệm, phòng, chống lãng phí là nhiệm vụ hằng ngày".