ĐOÀN ĐBQH TỈNH NINH BÌNH KHẢO SÁT VIỆC THI HÀNH LUẬT CÔNG ĐOÀN NĂM 2012

Để chuẩn bị cho kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV và góp ý vào dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi), chiều 03/5, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình đã có buổi khảo sát việc thi hành Luật Công đoàn năm 2012 tại Liên đoàn lao động (LĐLĐ) tỉnh. Đồng chí Trần Thị Hồng Thanh, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì buổi làm việc.

Quang cảnh buổi làm việc.

Quang cảnh buổi làm việc.

Thời gian qua, việc thực hiện Luật Công đoàn năm 2012 trên địa bàn tỉnh được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định, đạt những kết quả đáng ghi nhận. Trong đó, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thực hiện các quy định của Luật về thành lập tổ chức công đoàn và đóng kinh phí công đoàn ở các đơn vị, doanh nghiệp.

Việc triển khai thực hiện Luật được cấp ủy các cấp chỉ đạo; các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp chủ động thực hiện; từ đó, tạo thuận lợi trong mối quan hệ công tác giữa công đoàn với chính quyền, chuyên môn đồng cấp để phối hợp thực hiện tốt vai trò, chức năng, quyền, trách nhiệm của các bên theo quy định.

Đặc biệt, LĐLĐ tỉnh Ninh Bình tổ chức nhiều hoạt động chăm lo, hỗ trợ, tặng quà, xây nhà "Mái ấm công đoàn"… cho công nhân lao động nhân dịp Tết sum vầy, Tháng Công nhân… Các cấp công đoàn đã chỉ đạo, hướng dẫn công đoàn cơ sở khối doanh nghiệp tổ chức thương lượng với chủ doanh nghiệp ký kết thỏa ước lao động tập thể với nhiều nội dung có lợi hơn luật. Đến nay đã có 77,2% doanh nghiệp có tổ chức công đoàn ký kết thỏa ước lao động tập thể, góp phần đảm bảo việc làm, ổn định thu nhập và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động.

Thực hiện quy định về việc xây dựng và thực hiện quy chế phối hợp công tác, UBND tỉnh Ninh Bình và Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh đã xây dựng và ban hành Quy chế phối hợp; LĐLĐ tỉnh đã phối hợp với 13 sở, ngành ký các quy chế, chương trình phối hợp để huy động nguồn lực và trách nhiệm cùng tổ chức công đoàn thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, trong đó có công tác phối hợp triển khai các nội dung của Luật. 100% LĐLĐ các huyện, thành phố, công đoàn ngành ký quy chế phối hợp với chính quyền chuyên môn đồng cấp, các cơ quan, đơn vị có liên quan đến hoạt động công đoàn.

Qua hơn 10 năm thực hiện Luật Công đoàn, tỉnh Ninh Bình đã thành lập mới 124 Công đoàn cơ sở, tăng 55.277 đoàn viên so với năm 2013. Công tác cán bộ công đoàn cơ bản đảm bảo được nguyên tắc Đảng lãnh đạo trực tiếp công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ…

Tuy nhiên, thực tiễn quá trình triển khai thi hành Luật Công đoàn năm 2012 trên địa bàn tỉnh vẫn còn những hạn chế như: Một số cấp ủy, chính quyền, cơ quan, doanh nghiệp chưa quan tâm đúng mức đến công tác chỉ đạo triển khai thi hành Luật; việc triển khai thực hiện chưa đồng bộ, chưa được tiến hành thường xuyên, liên tục và chủ yếu mới tập trung nhiều đối với cán bộ công đoàn mà chưa chú trọng tuyên truyền sâu rộng trong công nhân lao động. Một bộ phận cán bộ, đoàn viên, cán bộ quản lý nhà nước hiểu và nhận thức về Luật còn hạn chế. Công tác phối hợp giữa chuyên môn với công đoàn ở một số nơi chưa thường xuyên, chưa hiệu quả. Một số nơi, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp xem nhẹ vai trò của công đoàn cơ sở, chủ tịch công đoàn cơ sở. Một số công đoàn cơ sở sau khi thành lập đã không hoạt động…

Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu đã trao đổi làm rõ thêm các nội dung về công tác tài chính công đoàn; tổ chức, bộ máy và cơ chế quản lý cán bộ công đoàn; địa vị pháp lý của công đoàn Việt Nam; chức năng tham gia quản lý nhà nước, kinh tế-xã hội của các tổ chức công đoàn trên địa bàn tỉnh; công tác kiểm tra, giám sát của tổ chức công đoàn đối với hoạt động của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp…

Các đại biểu đại diện cho LĐLĐ tỉnh Ninh Bình kiến nghị Quốc hội xem xét, có giải pháp quy định cơ chế quản lý biên chế phù hợp trong Luật Công đoàn (sửa đổi), tăng quyền chủ động của công đoàn trong bố trí đội ngũ cán bộ công đoàn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; tháo gỡ về chính sách tuyển dụng cán bộ công đoàn; có giải pháp để bảo vệ quyền lợi, chế độ đãi ngộ cho cán bộ công đoàn, tạo điều kiện cho họ yên tâm công tác; xem xét quy định thời gian làm nhiệm vụ công đoàn cho cán bộ công đoàn cơ sở hợp lý, phù hợp; cho phép người lao động khu vực không chính thức có quyền thành lập, gia nhập công đoàn để họ được bảo vệ quyền lợi.

Các đại biểu cũng đề nghị việc sửa đổi Luật Công đoàn lần này cần quy định cụ thể và có chế tài phù hợp, khả thi để ngăn ngừa, xử lý các hành vi phân biệt đối xử đối với người lao động và tổ chức công đoàn; quy định rõ hơn về quyền chủ động thực hiện giám sát của công đoàn để nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát của tổ chức công đoàn; tiếp tục thực hiện quy định nguồn thu 2% kinh phí công đoàn, đồng thời có chế tài xử lý nghiêm các doanh nghiệp cố tình không đóng kinh phí công đoàn.

Trên cơ sở ý kiến của các thành viên Đoàn khảo sát và đại diện LĐLĐ tỉnh Ninh Bình, đồng chí Trần Thị Hồng Thanh, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đề nghị LĐLĐ tỉnh bổ sung một số nội dung để hoàn thiện báo cáo. Đối với những kiến nghị, đề xuất của các đại biểu, Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tổng hợp báo cáo gửi đến Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan Trung ương xem xét, giải quyết nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật trong thời gian tới.

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=86582