ĐOÀN ĐBQH TỈNH PHÚ THỌ ĐỀ RA 06 NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM TRONG NĂM 2024 NHẰM NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG HOẠT ĐỘNG

Phát huy những kết quả đã đạt được, trong năm 2024, Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ đề ra 06 nhiệm vụ trọng tâm nhằm nâng cao chất lượng hoạt động lập pháp, giám sát và tiếp nhận, xử lý đơn thư của công dân…

Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp.

Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp.

Đề cập về nhiệm vụ trọng tâm năm 2024, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ Nguyễn Thành Nam cho biết, căn cứ Quy chế hoạt động của đại biểu Quốc hội và Đoàn ĐBQH; các Nghị quyết của Quốc hội về chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh và chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024; chương trình hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; căn cứ tình hình thực tế tại địa phương, nhiệm vụ của Đoàn năm 2024 gồm những nhiệm vụ, nội dung trọng tâm.

Thứ nhất: Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ sẽ tổ chức tốt việc triển khai nghiên cứu, lấy ý kiến vào các dự án Luật sẽ được thông qua hoặc cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 và kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV; tổng hợp báo cáo kịp thời, đầy đủ ý kiến tham gia vào các dự án luật; thảo luận về dự kiến chương trình kỳ họp và những nội dung khác theo yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Thứ hai: Đoàn phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh, Thường trực HĐND, UBND tỉnh tổ chức cho các ĐBQH tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp thứ 7, thứ 8 để thông báo nội dung và kết quả kỳ họp với cử tri, đồng thời tiếp thu ý kiến, kiến nghị của cử tri để phản ảnh tới Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan hữu quan xem xét, giải quyết.

Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ Nguyễn Thành Nam.

Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ Nguyễn Thành Nam.

Thứ ba: Tham dự đầy đủ các kỳ họp của Quốc hội, các phiên họp của các cơ quan của Quốc hội khi được triệu tập. Nghiêm túc thực hiện đầy đủ Nội quy kỳ họp, Quy chế hoạt động của ĐBQH và Đoàn ĐBQH, góp phần hoàn thành tốt chương trình nghị sự tại các phiên họp, kỳ họp.

Thứ tư: Tổ chức tốt việc tiếp công dân của ĐBQH; tiếp nhận, chuyển, xử lý 100% đơn thư gửi đến Đoàn ĐBQH và ĐBQH tỉnh; theo dõi, giám sát đôn đốc các cơ quan chức năng giải quyết, trả lời đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân đúng quy định của pháp luật.

Thứ năm: Tổ chức các cuộc giám sát theo Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2024. Tham gia cùng Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội khi về làm việc tại địa phương hoặc được mời tham gia Đoàn giám sát; tích cực tham gia các hoạt động giám sát tối cao và hoạt động chất vấn của Quốc hội tại các kỳ họp. Phối hợp và tham gia các chương trình giám sát của Thường trực HĐND, các Ban của HĐND tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh. Tổ chức khảo sát một số nội dung chuyên đề để thu thập thông tin phục vụ hoạt động giám sát và các hoạt động của đại biểu Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh tại các kỳ họp.

Thứ sáu: Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ tiếp tục chỉ đạo Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh thực hiện nhiệm vụ tham mưu, giúp việc và đảm bảo các điều kiện phục vụ hoạt động của Đoàn và các đại biểu Quốc hội trong Đoàn; thực hiện đầy đủ chế độ thông tin báo cáo theo quy định; tiếp tục thực hiện tốt Quy chế phối hợp công tác với Thường trực HĐND tỉnh, UBND tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; tích cực tham gia thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội chung của tỉnh và thực hiện tốt các mặt công tác khác.

Các đại biểu thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ.

Các đại biểu thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ.

Tuy nhiên, theo Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ Nguyễn Thành Nam, với những nhiệm vụ đề ra thì hiện nay, Đoàn còn gặp một số khó khăn, vướng mắc. Theo đó, kế hoạch giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vẫn tập trung vào những tháng cuối năm trước và đầu năm sau (trong đó có thời gian nghỉ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán). Do vậy việc tổ chức triển khai thực hiện giám sát ở địa phương có những khó khăn nhất định. Ngoài ra, một số dự thảo luật, báo cáo được gửi đến ĐBQH còn chậm đã ảnh hưởng đến thời gian nghiên cứu và chất lượng tham gia ý kiến tại các kỳ họp Quốc hội.

Để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ đề ra, thay mặt Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Nguyễn Thành Nam đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội tiếp tục rà soát đánh giá xem xét, bổ sung nguồn kinh phí cấp cho hoạt động của Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố Trực thuộc trung ương. Vì nguồn kinh phí hiện nay mặc dù có tăng hơn những năm trước trong nhiệm kỳ nhưng chưa đáp ứng tốt nhất việc đảm bảo hoạt động hiệu quả của ĐBQH, Đoàn ĐBQH./.

Bích Lan

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=84945