Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ đóng góp ý kiến vào dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi)

Ngày 15/11- ngày làm việc cuối cùng của Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận tại hội trường vào dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi).

Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, các đại biểu Quốc hội đã đóng góp nhiều ý kiến vào các nội dung của dự án Luật.

Góp ý về tư cách hợp lệ của nhà thầu, nhà đầu tư, đại biểu tỉnh Phú Thọ Cầm Hà Chung – Trưởng ban Dân tộc tỉnh đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung tư cách hợp lệ của nhà thầu phụ nhằm tránh nhà thầu chính lợi dụng quy định trong dự thảo Luật để kí kết với nhà thầu phụ với tỉ lệ cao, đồng thời khắc phục tình trạng các nhà thầu sử dụng năng lực, thậm chí các mối quan hệ thân quen để tham dự các gói thầu, sau đó mua bán, chuyển nhượng hoặc đưa các nhà thầu có năng lực yếu vào thực hiện gói thầu làm ảnh hưởng đến chất lượng công trình. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành không quy định yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm đối với nhà thầu phụ khi ký kết hợp đồng với nhà thầu chính; do vậy, để đảm bảo chất lượng và tiến độ công trình, đại biểu Cầm Hà Chung đề nghị bổ sung các quy định trong dự thảo Luật về tư cách, tiêu chuẩn năng lực, kinh nghiệm các nhà thầu nói chung và các nhà thầu phụ nói riêng, quy định cụ thể giá trị tối đa theo tỉ lệ phần trăm giá trị hợp đồng mà nhà thầu chính được phép chuyển nhượng cho nhà thầu phụ.

Về đấu thầu trước, theo đại biểu Cầm Hà Chung đây là quy định mới cho phép chủ đầu tư triển khai một số hoạt động chuẩn bị lựa chọn nhà thầu, tổ chức lựa chọn nhà thầu ở một số công đoạn nhằm rút ngắn thời gian thực hiện dự án. Tuy nhiên, khi triển khai thực tế sẽ khó làm, vì cơ bản các dự án chậm tiến độ, giải ngân kém hiện nay là do công tác đền bù, hỗ trợ, tái định cư bị vướng mắc, trong khi các dự án mới chưa được phê duyệt thì chưa xác định được hướng tuyến nên chưa xác định được phạm vi giải phóng mặt bằng để thực hiện trước công tác đền bù, hỗ trợ, tái định cư. Do vậy, để linh động, hiệu quả và triển khai nhanh, đại biểu đề nghị giao Chính phủ quy định chi tiết vấn đề này và có hướng dẫn cụ thể về trường hợp cần thiết có thể thực hiện đấu thầu trước đối với các gói thầu dịch vụ tư vấn, phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp hỗn hợp... Việc quy định cụ thể trường hợp nào được coi là cần thiết sẽ giúp hạn chế các trường hợp thực hiện đấu thầu trước nhưng không cần thiết hoặc trường hợp đã đấu thầu trước nhưng dự án không được phê duyệt dẫn đến việc bồi hoàn, lãng phí nguồn lực

Về quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu. Dự thảo luật đã sửa đổi theo hướng rút gọn bước thương thảo hợp đồng đối với một số trường hợp, việc sửa đổi này sẽ rút gọn quy trình lựa chọn nhà thầu đối với các gói thầu thông thường, tuy nhiên, lại làm mất đi ý nghĩa của việc thương thảo hợp đồng trước khi lựa chọn nhà thầu. Đại biểu Cầm Hà Chung cho biết, thương thảo hợp đồng là bước để chủ đầu tư và nhà thầu làm rõ những nội dung chưa đủ chi tiết, chưa rõ hoặc chưa phù hợp, thống nhất trong hồ sơ dự thầu; nếu không làm rõ, thống nhất các nội dung này trước khi chính thức ký kết hợp đồng có thể dẫn đến các tranh chấp hoặc ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của các bên trong quá trình thực hiện hợp đồng. Thông qua thương thảo, chủ đầu tư có thể tìm được nhà thầu phù hợp nhất để thực hiện gói thầu. Đại biểu đề nghị, việc thương thảo hợp đồng trước khi ra quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu là cần thiết, không chỉ riêng đối với các gói thầu có yêu cầu phức tạp về kỹ thuật, công nghệ mới mà cần giữ nguyên quy định của Luật Đấu thầu năm 2013 về việc thương thảo đối với tất cả các gói thầu, đồng thời, để phù hợp với quy định về hồ sơ hợp đồng dự án đầu tư kinh doanh, trong đó có yêu cầu biên bản đàm phán hợp đồng.

Phát biểu kết luận Phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, qua thảo luận, đa số ý kiến của các đại biểu Quốc hội nhất trí về sự cần thiết sửa đổi Luật Đấu thầu để tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác đấu thầu, góp phần công khai, minh bạch, tiết kiệm trong chống tiêu cực, sử dụng ngân sách nhà nước. Các đại biểu đề nghị đánh giá kỹ tác động của chính sách, sửa đổi, bổ sung tính hiệu quả của các quy định trong Luật. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, các đại biểu cũng đưa ra nhiều ý kiến về phạm vi, đối tượng điều chỉnh, giải thích từ ngữ, khái niệm, hành vi bị cấm, quy định nhà thầu, nhà đầu tư, đảm bảo cạnh tranh trong đấu thầu, cơ chế đền bù, quy trình thủ tục trong hoạt động đấu thầu, lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, các hình thức hợp đồng, thanh tra kiểm tra giám sát trong hoạt động đấu thầu…Quốc hội cũng tiến hành phiên bế mạc Kỳ họp.

Khổng Thủy

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//quoc-hoi-hoi-dong-nhan-dan/doan-dbqh-tinh-phu-tho-dong-gop-y-kien-vao-du-an-luat-dau-thau-sua-doi/188684.htm