ĐOÀN ĐBQH TỈNH QUẢNG NAM: ĐỀ NGHỊ TĂNG THÊM CẤP PHÓ CÁC SỞ NGÀNH CHO NGHỆ AN, THANH HÓA

Cần xem xét tăng thêm cấp phó các sở, ngành cho 2 tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa nhưng không làm tăng thêm tổng biên chế đã được phân bổ. Đây là một trong những đề xuất của đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam khi tham gia ý kiến về cơ chế đặc thù cho 4 tỉnh, thành phố Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An và Thừa Thiên Huế.

Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam tham gia phiên thảo luận trực tuyến sáng 27/10

Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam tham gia phiên thảo luận trực tuyến sáng 27/10

Tại phiên thảo luận, các ĐBQH tỉnh Quảng Nam đồng tình và tán thành với việc Quốc hội xem xét ban hành Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù cho các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế và thành phố Hải Phòng tại kỳ họp lần này. Bởi theo các đại biểu, một đất nước muốn phát triển mạnh thì phải có những địa phương phát triển mạnh, làm đầu tàu để dẫn dắt các địa phương khác phát triển. Nhiệm kỳ trước, Quốc hội Khóa XIV đã đề ra cơ chế, chính sách đặc thù cho thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng. Nay, Quốc hội khóa XV, ngay từ đầu nhiệm kỳ đã tiến hành thảo luận để ban hành cơ chế, chính sách đặc thù cho các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế và Thành phố Hải Phòng là phù hợp với thực tiễn, và đúng chủ trương của Bộ Chính trị đối với các địa phương này.

Sau báo cáo tiếp thu số 3766 ngày 26/10/2021 của Bộ Kế hoạch - Đầu tư đã gửi cho các đoàn ĐBQH, ĐBQH tỉnh Quảng Nam đã nghiên cứu và đề xuất thêm một số nội dung như sau:

Về cơ chế ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho các tỉnh có số thu hoạt động xuất nhập khẩu. Các ĐBQH tỉnh Quảng Nam đề nghị Quốc hội nên ủng hộ cho các tỉnh này, nhất là Thanh Hóa và Nghệ An là 2 tỉnh lớn, cân nhắc có thể để lại 100% nguồn thu từ hoạt động này cho các địa phương. Trong trường hợp không để lại 100%, các đại biểu đề nghị nên bỏ cụm từ “không quá” và quy định cụ thể là 70% để đầu tư nguồn lực cho các địa phương này phát triển trên cơ sở phải đảm bảo ngân sách Trung ương.

Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng phát biểu thảo luận

Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng phát biểu thảo luận

Đồng thời, Quốc hội cũng cần xem xét tăng thêm số lượng cấp phó các sở, ngành cho 2 tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, giống như đã từng làm với Hà Nội và Hồ Chí Minh. Đại biểu Lê Văn Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam kiến nghị sửa điểm c, khoản 1, Điều 6 của Nghị định 107 để tăng thêm cho các tỉnh này 10 cấp phó Sở Ngành so với chỉ tiêu đã được ấn định lại Nghị định 107 để các địa phương tập trung công tác lãnh đạo, điều hành cơ chế này. Tất nhiên là không tăng thêm biên chế, chỉ tăng lên số lượng cấp phó trong tổng biên chế đã được phân bổ để tạo điều kiện cho 2 tỉnh lớn này. Vì 2 tỉnh này dân số đông, diện tích rộng và nhiều đơn vị hành chính so với các đơn vị hành chính khác trong cả nước.

Các đại biểu Quảng Nam cũng đề nghị Quốc hội nên cho phép các tỉnh, thành phố khác có Di sản văn hóa thế giới cũng được hưởng như cơ chế để lại nguồn thu từ phí tham quan di tích như cơ chế hiện dành cho Thừa Thiên Huế để các địa phương đó có nguồn lực đầu tư, tôn tạo, trùng tu di tích, di sản.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam Tạ Văn Hạ phát biểu thảo luận

Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam Tạ Văn Hạ phát biểu thảo luận

Ngoài ra, về nội dung thu nhập tăng thêm cho cán bộ công chức, viên chức Hải Phòng, các đại biểu Quảng Nam không đồng tình với cơ chế này. Vì theo các đại biểu, thực hiện cơ chế này sẽ tạo ra sự bất bình đẳng về thu nhập với các địa phương khác. Các đại biểu đề xuất, nếu cho rằng các địa phương, thành phố có giá trị, sinh hoạt phí đắt đỏ thì đề nghị là nếu các tỉnh/thành phố này được hưởng, thì các thành phố trực thuộc tỉnh khác cũng phải được hưởng cơ chế chính sách này. Còn nếu cho rằng các thành phố này đông dân, đông đơn vị hành chính, khó quản lý và khó thu hút nhân tài thì đề nghị Thanh Hóa và Nghệ An cũng phải được hưởng cơ chế này mới đồng bộ.

Ngoài ra, việc rà soát, đánh giá việc thực hiện các Nghị quyết cũng cần được Quốc hội đặc biệt lưu tâm. Theo đại biểu Tạ Văn Hạ, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam, Nghị quyết cần nghiên cứu, để bổ sung một số mục tiêu chỉ tiêu cụ thể làm cơ sở, căn cứ giám sát, đánh giá kết quả, hiệu quả thực hiện Nghị quyết này, nếu trao thêm quyền, phân cấp hơn thì cũng phải có cơ sở để đánh giá kết quả thực hiện./.

Mỹ Phượng - Lê Quang

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=60064