Đoàn ĐBQH tỉnh ta chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tại Kỳ họp Quốc hội

Chiều 10.11, trong phiên chất vấn, trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Đại biểu Vương Thị Hương, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang đã nêu 2 vấn đề chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH).

Đại biểu Vương Thị Hương nêu vấn đề chất vấn Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH. Ảnh CTV

Đại biểu Vương Thị Hương nêu vấn đề chất vấn Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH. Ảnh CTV

Nội dung chất vấn thứ nhất, theo đại biểu Vương Thị Hương, người nghỉ hưu trước năm 1995 hiện nay đã cao tuổi và hưởng mức lương hưu quá thấp, người cao tuổi chật vật mưu sinh với đồng lương ít ỏi, cuộc sống rất khó khăn. Người cao tuổi vốn là đối tượng dễ bị tổn thương, trước tác động của dịch bệnh Covid – 19 người cao tuổi càng dễ bị tổn thương hơn, cuộc sống khó khăn hơn với mức lương hưu thấp. Xin Bộ trưởng cho biết, Bộ giải quyết vấn đề này như thế nào?

Nội dung thứ hai, báo chí gần đây đưa tin trường hợp tại một tỉnh có tới 22.000 người được “phát nhầm” và “nhận nhầm” chính sách hỗ trợ cho đối tượng chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid – 19, xin hỏi Bộ trưởng có nắm được vấn đề này không? Với trách nhiệm của mình, Bộ xử lý, giải quyết vấn đề này như thế nào? Kết quả ra sao?

Trả lời nội dung chất vấn của đại biểu Vương Thị Hương, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung thông tin, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Chỉ đạo của Chính phủ, Bộ đã đề xuất phương án điều chỉnh lương hưu cho những người nghỉ hưu trước năm 1995 và hiện Chính phủ đang lấy ý kiến các thành viên Chính phủ để trình Thủ tướng xem xét phê duyệt. Phương án dự kiến điều chỉnh tăng thêm 7,4%, với tổng kinh phí thực hiện 12.650 tỷ đồng; trong đó bộ đề xuất ngân sách Nhà nước bổ sung 3.648 tỷ để đảm bảo những người nghỉ hưu trước năm 1995 mà có mức lương thấp hơn 2,5 triệu/tháng sẽ đạt mặt bằng chung ở mức thấp nhất đạt 2,5 triệu đồng/tháng. Bộ đang tiếp tục hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ xem xét phê duyệt, phấn đấu đến 1.1.2022 những người nghỉ hưu trước năm 1995 sẽ được hưởng mức lương mới.

Với nội dung chất vấn thứ hai, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin, sự việc như phản ánh xảy ra tại tỉnh Bình Dương, sau khi nắm bắt, Bộ đã yêu cầu Sở Lao động, TB&XH tỉnh Bình Dương báo cáo. Cụ thể, số lao động được hỗ trợ theo chính sách hỗ trợ của T.Ư ở Bình Dương chỉ có 1.490 trường hợp. Sở dĩ có con số trên 22 nghìn người do tỉnh Bình Dương có chính sách riêng hỗ trợ tiền thuê trọ cho các lao động ảnh hưởng bởi dịch với kinh phí 800 nghìn đồng/người. Tuy nhiên công tác thống kê, lập danh sách nhiều người khai bị trùng nên tỉnh Bình Dương đã cho tạm dừng và đề nghị công an vào cuộc rà soát lại. Qua xác minh có 1.990 người đã được nhận hỗ trợ, với tổng kinh phí đã hỗ trợ trên 1,6 tỷ đồng. Số tiền này sau đó đã được tỉnh thu hồi lại đầy đủ.

Duy Tuấn (tổng hợp)

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/thoi-su-chinh-tri/202111/doan-dbqh-tinh-ta-chat-van-bo-truong-bo-lao-dong-thuong-binh-va-xa-hoi-tai-ky-hop-quoc-hoi-784219/