Đoàn ĐBQH tỉnh tham gia thảo luận tại tổ về các dự án luật
Chiều 7/5, theo chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên tham gia thảo luận tại Tổ số 10 về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi).
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định và các ĐBQH 3 tỉnh: Phú Yên, Đắk Nông, Thái Bình tham gia thảo luận tại tổ.

ĐBQH Lê Đào An Xuân tham gia phát biểu thảo luận tại tổ. Ảnh: THÙY LÂM
Về dự thảo Nghị quyết sửa đổi Hiến pháp năm 2013, các ĐBQH tỉnh Phú Yên bày tỏ sự đồng thuận, thống nhất cao việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương của Đảng về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh, gọn, mạnh, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; tạo cơ sở hiến định cho việc sắp xếp cơ quan của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ, hoàn thiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp theo hướng gần dân, sát dân, phục vụ Nhân dân tốt hơn. Các ĐBQH tỉnh đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng, tinh thần trách nhiệm của Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; tin tưởng Quốc hội sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ sửa đổi hiến pháp lần này, tạo nền tảng pháp lý vững chắc cho bộ máy nhà nước hoạt động hiệu năng, hiệu quả, phục vụ nhân dân tốt hơn.
Về dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), ĐBQH Lê Quang Đạo cho rằng hệ thống pháp luật Việt Nam còn thiếu văn bản phân định rõ ràng được ranh giới các vùng biển thuộc phạm vi, địa bàn quản lý của tỉnh nào, cấp chính quyền nào nhất là đối với các vùng biển xa bờ thuộc đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam. Điều này dẫn tới thực tế việc xử lý một số vụ việc vi phạm pháp luật trên biển của Cảnh sát biển Việt Nam gặp khó khăn. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, điều chỉnh quy định sửa đổi, bổ sung thống nhất với Luật Biển Việt Nam theo hướng xác định rõ các vùng biển Việt Nam và quy định rõ phương pháp phân định ranh giới quản lý hành chính trên biển bằng tọa độ.
Góp ý với dự án luật này, ĐBQH Dương Bình Phú cho rằng việc nghiên cứu, quy định đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tạo sự chủ động cho chính quyền địa phương theo nguyên tắc “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”, qua đó nâng cao hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương là cần thiết. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cân nhắc, bổ sung quy định trong trường hợp sau khi cơ quan, tổ chức, cá nhân đã thực hiện phân cấp nhưng xét thấy chủ thể được phân cấp không bảo đảm năng lực thực hiện thì có thể tạm thời lấy lại thẩm quyền đã phân cấp để trực tiếp thực hiện. ĐBQH Lê Đào An Xuân góp ý các nội dung liên quan quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND và Thường trực HĐND, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu xây dựng quy định theo hướng mở rộng thẩm quyền Thường trực HĐND tỉnh quyết định đối với một số nội dung thuộc thẩm quyền của HĐND tỉnh trong thời gian HĐND tỉnh không họp để tạo sự linh động, kịp thời trong điều hành hoạt động phát triển KT-XH; đồng thời tiếp tục rà soát các luật đã ban hành để thống nhất hoặc kiến nghị sửa đổi.
Góp ý đối với dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), ĐBQH Lê Đào An Xuân cho rằng cần hoàn thiện quy định về vị trí việc làm và ngạch công chức để làm căn cứ tiếp tục đổi mới công tác quản lý cán bộ, công chức; sửa đổi các quy định về thẩm quyền đánh giá công chức của thủ trưởng cơ quan, tiêu chuẩn đánh giá công chức... để có cơ chế sàng lọc trên cơ sở kết quả, sản phẩm cụ thể và xử lý đối với các trường hợp không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, thực tiễn hóa nguyên tắc “có vào có ra, có lên có xuống”. Đại biểu cũng đề nghị làm rõ hơn quy định của dự thảo luật về một số chính sách thu hút, trọng dụng đối với người có tài năng làm việc trong cơ quan, tổ chức, đơn vị công để bảo đảm tuyển chọn được nhân lực chất lượng cao, phù hợp với đặc thù của từng ngành, lĩnh vực, địa phương…