Đoàn ĐBQH tỉnh thảo luận, góp ý các dự án luật

Trong khuôn khổ Chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi đã tiến hành thảo luận tại Tổ để góp ý vào nhiều dự án luật quan trọng.

Buổi thảo luận diễn ra chiều 17/5, với sự tham dự của Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đặng Ngọc Huy và các ĐBQH trong Đoàn.

Góp ý về Dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi), Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Huỳnh Thị Ánh Sương đồng tình với dự thảo bổ sung quy định tại điểm b khoản 4 Điều 59. Đồng thời đề nghị bổ sung thưởng 10% số vượt dự toán thu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu qua biên giới đất liền và cảng biển. Điều này giúp các địa phương có thêm nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng, đáp ứng hoạt động xuất nhập khẩu và thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Huỳnh Thị Ánh Sương nêu ý kiến tại buổi thảo luận. Ảnh: V.TÂN

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Huỳnh Thị Ánh Sương nêu ý kiến tại buổi thảo luận. Ảnh: V.TÂN

Về Luật Hải quan và Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, đại biểu Sương thống nhất với chủ trương mở rộng đối tượng áp dụng chế độ ưu tiên trong lĩnh vực hải quan cho doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp bán dẫn, công nghệ cao. Tuy nhiên, để bảo đảm chính sách đi vào thực chất, tránh bị lợi dụng, đề nghị bổ sung điều kiện: “Doanh nghiệp phải đang trong giai đoạn vận hành thương mại”, điều kiện này sẽ ràng buộc cụ thể hơn tiêu chí xét ưu tiên. Qua đó, đảm bảo những doanh nghiệp thực sự đang hoạt động, tạo ra giá trị mới được hưởng chế độ ưu tiên.

Đại biểu Sương thống nhất với việc bổ sung Điều 44a Luật Đầu tư công, quy định rõ hơn quy trình lập, thẩm định và phê duyệt dự toán nhiệm vụ chuẩn bị giải phóng mặt bằng đối với các dự án đầu tư công. Việc này góp phần nâng cao tính chủ động, trách nhiệm và hiệu quả trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Đồng thời đề nghị cơ quan soạn thảo và Chính phủ nghiên cứu mở rộng phạm vi áp dụng của Điều 44a theo hướng quy định chung cho tất cả các loại dự án đầu tư có sử dụng đất, không chỉ giới hạn trong đầu tư công.

Góp ý dự thảo Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại của Quốc hội Trần Thị Hồng An cho rằng, Điều 19 nêu các điều kiện để được nhập quốc tịch Việt Nam đã quy định rất chặt chẽ và phù hợp với thực tế. Tuy nhiên, cần làm rõ tiêu chí nêu tại khoản e và các nội hàm nêu tại khoản 2a vẫn chưa phản ánh được cơ chế đặc biệt về nhập quốc tịch.

Đối với khoản 1 Điều 23 quy định về việc trở lại quốc tịch Việt Nam, đại biểu An lưu ý rằng luật hiện hành quy định rất rõ, nhưng dự thảo sửa đổi lại bỏ tất cả và chỉ duy nhất có một khoản là đã mất quốc tịch Việt Nam theo quy định tại Điều 26 và có đơn xin trở lại. Do đó, để đảm bảo tính tương đồng với việc nhập quốc tịch, đại biểu An đề xuất nên giữ nguyên các điểm nêu tại Điều 26 kết hợp với Khoản 1 Điều 23.

Đại biểu An đồng ý với việc mở rộng đối tượng nhập quốc tịch, cũng như xin quay trở lại nhập quốc tịch Việt Nam. Tuy nhiên, cần phải đánh giá thật kỹ các tác động liên quan đến vấn đề an ninh quốc gia, quản lý công dân, cũng như các vấn đề phát sinh xung đột pháp luật đối với những người có hai quốc tịch.

Tin, ảnh: PV - CTV

Nguồn Quảng Ngãi: https://baoquangngai.vn/doan-dbqh-tinh-thao-luan-gop-y-cac-du-an-luat-52769.htm