ĐOÀN ĐBQH TP. HÀ NỘI: CẦN CHÍNH SÁCH ĐỒNG BỘ ĐỂ SỬ DỤNG HIỆU QUẢ NGUỒN LỰC

Chiều 04/01, tiếp tục Chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, dưới sự điều hành của Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội tiến hành thảo luận tại Tổ về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Toàn cảnh Phiên thảo luận tại Tổ của Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội

Toàn cảnh Phiên thảo luận tại Tổ của Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội

Thảo luận tại Tổ, đa số ý kiến đại biểu nhất trí với sự cần thiết thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình nhằm cụ thể hóa Kết luận số 20- KL/TW ngày 16/10/2021 của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, các Nghị quyết của Quốc hội và phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Các đại biểu cũng thống nhất với chủ trương miễn, giảm một số loại thuế, phí, trong đó thống nhất chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% áp dụng cho các mặt hàng chịu thuế suất 10%; việc chấp nhận thâm hụt ngân sách nhà nước tăng ở mức cao hơn, mỗi năm tăng khoảng 1% đến 1,2% GDP trong 2 năm thực hiện Chương trình.

Cơ bản nhất trí với nhiều nội dung tại Tờ trình của Chính phủ, đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng, về mục tiêu của Nghị quyết cần nhấn mạnh và nêu rõ, một trong những mục tiêu đặc biệt quan trọng chính là phòng và chống dịch Covid-19.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí cũng cho rằng, Chương trình xác định khung những vấn đề trọng tâm, cần tập trung giải quyết, bao gồm 05 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu với quy mô thực hiện dự kiến trong năm 2022-2023. Tuy nhiên, cần rà soát lại một số nhóm nhiệm vụ nhằm đảm bảo tính logic, khả thi khi triển khai trên thực tế.

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Anh Trí bày tỏ quan điểm tán thành với đề xuất cho phép áp dụng thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn, gói thầu phục vụ và gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư, gói thầu xây lắp; khai thác mỏ khoáng sản để thực hiện dự án,…

Đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội

Đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội

Nhấn mạnh phạm vi chính sách, nguồn lực chính sách thực hiện trong thời hạn 2 năm, đại biểu Hoàng Văn Cường đề nghị, chỉ những hoạt động nào bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, hoặc đang là nút thắt cản trở phát triển sản xuất kinh doanh mới thuộc phạm vi hỗ trợ. Theo đại biểu, cần rà soát kỹ lưỡng đối tượng, phạm vi được hỗ trợ, tránh nguy cơ bị trùng lặp, hỗ trợ một cách dàn trải, không đảm bảo được mục tiêu đề ra.

Liên quan đến lĩnh vực y tế, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, hoạt động logistic bị đứt gãy cũng làm đình trệ công tác phòng, chống dịch bệnh, tuy nhiên trong kế hoạch không có giải pháp đề khơi thông đứt gãy logistic. Đại biểu kiến nghị, cần phát triển hệ thống logistic ở khu vực cửa khẩu, cũng như đầu tư các trung tâm logistic ở các vùng. “Đầu tư các trung tâm logistic vùng để giúp hàng hóa không bị đình trệ, ách tắc; việc phát triển các trung tâm logistic cũng cần được đưa vào các gói hỗ trợ này...”, đại biểu Hoàng Văn Cường lưu ý.

Ngoài ra, đại biểu Hoàng Văn Cường cũng đề xuất, cần đầu tư nhà ở cho công nhân vừa bảo đảm an sinh cho người lao động, vừa bảo đảm an sinh xã hội chung cho người thu nhập thấp.

Đại biểu Hoàng Văn Cường, Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội

Đại biểu Hoàng Văn Cường, Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội

Phát biểu thảo luận, đại biểu Lưu Thị Mai cho rằng, gói phục hồi kinh tế này hết sức cần thiết. Tuy nhiên, đi đôi với phục hồi kinh tế cũng cần phải lưu ý những vấn đề mang yếu tố an sinh xã hội cũng như chú ý đến những hiện tượng tiêu cực trong xã hội vừa qua,… “Tuyệt đối không chạy theo kinh tế mà cần phải nhìn nhận tất cả vấn đề trong tổng thể chung, đảm bảo tính kỷ luật ... Vì vậy, trong Nghị quyết, bên cạnh những yếu tố liên quan đến nguồn lực cần đề cập đến khía cạnh về đạo đức xã hội…”, đại biểu Lưu Thị Mai đề xuất.

Theo đại biểu Vũ Tiến Lộc, cần bổ sung vào quan điểm, phải tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh để tăng cường năng lực chống chịu của cả hệ thống. Nhấn mạnh, tâm thế vượt lên đại dịch, đại biểu Vũ Tiến Lộc kiến nghị, Chính phủ cần chủ động đưa ra các giải pháp căn cơ, trọng điểm tránh để nền kinh tế bị lỡ nhịp.

Khẳng định trong bối cảnh hiện nay, ổn định kinh tế vĩ mô vẫn là nền tảng, đại biểu Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh, khi phân tích về tác động chính sách tài chính tiền tệ phải rất cận trọng đến vấn đề nợ xấu và lạm phát.

Cơ bản đồng tình với nội dung tại Tờ trình của Chính phủ, đại biểu Nguyễn Thị Lan cho biết, cần phải đầu tư, hỗ trợ thêm cho các vấn đề như hỗ trợ cho sinh viên, học sinh. Theo đại biểu, đây là vấn đề rất quan trọng đối với nguồn lực lâu dài của đất nước. Vì vậy, nếu nếu không quan tâm, đầu tư kịp thời thì việc khôi phục sau này rất khó khăn.

Liên quan đến vấn đề về nông nghiệp, nông thôn, nông dân, đại biểu Nguyễn Thị Lan nhấn mạnh, nông nghiệp vẫn luôn là trụ đỡ của nền kinh tế đất nước. Do đó, Chính phủ cần phải có những giải pháp cụ thể, thiết thực trong giai đoạn này. “Qua rà soát các chính sách chưa được thể hiện rõ nét, cần chú trọng khôi phục các chuỗi sản xuất bị đứt gãy, kết nối hỗ trợ các hợp tác xã, tiêu thụ đầu ra cho sản phẩm;…

Đại biểu Phạm Đức Ấn, Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội

Đại biểu Phạm Đức Ấn, Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội

Đại biểu Phạm Đức Ấn thể hiện đồng tình cao đối với Tờ trình của Chính phủ. Theo đại biểu, đây cũng là một cơ hội để cơ cấu lại nền kinh tế nhanh hơn. Đề án lần này cũng đã đúc rút được những kinh nghiệm quý báu từ những thiếu sót trước đó, cũng như tham khảo kinh nghiệm quốc tế trong thời gian vừa qua, đặc biệt các chính sách tài khóa không dàn trải, đầu tư dứt điểm để có được sản phẩm đưa vào sử dụng thì đây là một trong những quan điểm rất quan trọng.

Đại biểu Phạm Đức Ấn quan tâm đến khâu thực thi, triển khai phải làm sao để đạt được được tính hiệu quả cao, đảm bảo mục tiêu ban đầu đề ra. Đồng thời, kiến nghị cần quan tâm, đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân.

Cũng tại phiên thảo luận Tổ, các thành viên trong Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội còn thảo luận và cho ý kiến về một số nội dung trọng tâm khác của dự thảo Nghị quyết như: Về huy động và phân bổ nguồn lực; Về việc điều chỉnh, phân bổ linh hoạt kế hoạch vốn đầu tư công của Chương trình và Kế hoạch; Về Danh mục các dự án đầu tư công; Về đề nghị áp dụng thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án hạ tầng chiến lược, quan trọng, có quy mô lớn thuộc Chương trình; Về chính sách thuế;… Trong đó, một số ý kiến đề nghị, cần rà soát điều chỉnh Danh mục các dự án đầu tư công, đưa ra khỏi Chương trình những dự án chưa phù hợp với nguyên tắc, tiêu chí đã đề ra; bổ sung, thuyết minh chi tiết các dự án được lựa chọn theo các nguyên tắc, tiêu chí của Chương trình để làm rõ thứ tự ưu tiên đầu tư, bảo đảm việc phân bổ vốn, lựa chọn các dự án thuộc Danh mục đầu tư trên cơ sở khoa học, hợp lý, công khai, minh bạch, trọng tâm, trọng điểm.

Ngoài ra, nhiều ý kiến đại biểu cũng đề nghị, cần làm rõ thêm thông tin và đặc biệt là đánh giá tác động đầy đủ, nhiều chiều của việc thực hiện các chính sách để các đại biểu Quốc hội có đầy đủ dữ liệu phân tích, đánh giá khi thảo luận tại hội trường và bấm nút biểu quyết thông qua Nghị quyết. Một số ý kiến khẳng định, mục tiêu hàng đầu hiện nay vẫn phải là công tác phòng chống dịch bệnh hiệu quả và thành công gắn với việc mở cửa kinh tế. Đồng thời, nhấn mạnh mục tiêu phải giữ vững được ổn định kinh tế vĩ mô vẫn phải là nền tảng, chú trọng công tác thông tin, truyền thông nhằm tạo sự đồng thuận của xã hội,...

Trước đó, tại phiên họp toàn thể, báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ cho biết, mục tiêu nhằm khôi phục nhanh chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng bình quân 6,5 - 7%/năm giai đoạn 2021-2025, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn trong trung và dài hạn. Đồng thời, phục hồi, phát triển nhanh sản xuất kinh doanh, nhất là ngành, lĩnh vực quan trọng, tiết giảm chi phí, hỗ trợ dòng tiền, bảo đảm tính chủ động, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân trên cơ sở thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch; Bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân, người lao động, nhất là người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, góp phần giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Về các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh, chương trình xác định khung những vấn đề trọng tâm, cần tập trung giải quyết, bao gồm 05 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu với quy mô thực hiện dự kiến trong năm 2022-2023 gồm: (1) Mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh; (2) Bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm; (3) Hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; (4) Phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển; (5) Cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Ngoài ra, huy động từ các Quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước./.

Lê Anh - Minh Thành

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=61575