Đoàn ĐBQH TP Hà Nội xin ý kiến góp ý vào các dự luật chuẩn bị trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 10

Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đang xin ý kiến đóng góp vào các dự án: Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi), dự án Luật Cư trú sửa đổi; dự án Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi. Đây là các dự án luật sẽ được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ Mười, Quốc hội khóa XIV sắp tới.

Dự án Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi gồm 16 chương, 179 điều, quy định về hoạt động bảo vệ môi trường; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư trong hoạt động bảo vệ môi trường.

Theo Dự thảo, bảo vệ môi trường là trách nhiệm và nghĩa vụ của mọi cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân, trong đó Nhà nước thực hiện việc quản lý; Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị, xã hội có trách nhiệm giám sát, vận động; doanh nghiệp, cộng đồng dân cư và người dân là lực lượng nòng cốt thực hiện.

Môi trường là điều kiện, nền tảng, yếu tố tiên quyết cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu phải gắn kết hài hòa với phát triển kinh tế và được đặt ở vị trí trung tâm của các quyết định phát triển; không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế; thực hiện sàng lọc, lựa chọn đầu tư phát triển dựa trên các tiêu chí về môi trường.

Bảo vệ môi trường phải gắn với bảo đảm an sinh xã hội, quyền trẻ em, thúc đẩy bình đẳng giới, bảo đảm quyền mọi người được sống trong môi trường trong lành. Đồng thời, bảo vệ môi trường phải phù hợp với quy luật, đặc điểm tự nhiên, kinh tế thị trường, văn hóa, lịch sử, trình độ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Hoạt động bảo vệ môi trường phải được tiến hành thường xuyên và ưu tiên phòng ngừa ô nhiễm, sự cố, suy thoái môi trường…

Dự thảo Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) gồm 13 chương, 76 điều, quy định về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp và các tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; việc đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề, ngoại ngữ và giáo dục định hướng cho người lao động; Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước; chính sách đối với người lao động; quản lý nhà nước, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Nhà nước có chính sách khuyến khích để nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật của người lao động đi làm việc ở nước ngoài; phát huy và sử dụng hiệu quả nguồn lao động sau khi đi làm việc ở nước ngoài trở về...

Dự án Luật Cư trú sửa đổi gồm 39 điều, 7 chương, quy định về quyền tự do cư trú của công dân Việt Nam; việc đăng ký, quản lý cư trú; quyền, trách nhiệm của công dân, hộ gia đình, cơ quan, tổ chức về đăng ký, quản lý cư trú.

Về nguyên tắc cư trú và quản lý cư trú, Dự luật qui định phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; bảo đảm hài hòa quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, lợi ích của Nhà nước, cộng đồng và xã hội; kết hợp giữa việc bảo đảm quyền tự do cư trú, các quyền cơ bản khác của công dân và trách nhiệm của Nhà nước với nhiệm vụ xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

Thông tin về cư trú phải được cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú theo quy định của pháp luật; tại một thời điểm, mỗi công dân chỉ được đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú tại một nơi. Mọi hành vi vi phạm pháp luật về đăng ký, quản lý cư trú phải được phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp luật…

Phương Thảo

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/doan-dbqh-tp-ha-noi-xin-y-kien-gop-y-vao-cac-du-luat-chuan-bi-trinh-quoc-hoi-tai-ky-hop-thu-10-209030.html