Đoán đề thi tuyển sinh vào lớp 10 tràn lan trên mạng xã hội
Thời điểm này, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều bài đăng dự đoán đề thi tuyển sinh vào lớp 10 tại TP.HCM.
Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tại TP.HCM sẽ diễn ra trong 2 ngày 6 và 7-6. Trước đó, ngày 5-6, thí sinh sẽ đến các điểm thi để làm thủ tục dự thi.
Những ngày này, trên trang diễn đàn học sinh TP.HCM xuất hiện nhiều bài đăng về việc đoán đề thi tuyển sinh vào lớp 10. Những bài này thu hút sự theo dõi và bình luận của rất nhiều người.
Tràn lan đoán đề trên mạng trước ngày thi
Một thành viên viết: “Văn tuyển sinh 10 năm nay khả năng cao ra thơ hay truyện vậy?”. Dưới status là rất nhiều bình luận chia sẻ.
Có thành viên khác lại nêu ra các tác phẩm để mọi người cùng bình chọn: “Mọi người nghĩ sẽ ra bài nào gồm Bếp lửa, Những ngôi sao xa xôi, Đoàn thuyền đánh cá hay Nói với con?”.
Một học sinh khác đặt câu hỏi: “Mọi người dự đoán xem năm nay thi truyện hay thơ?”.
Hay có bài đăng nêu nội dung “Topic: đoán đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn Văn”. Dưới bài đăng với hàng trăm bình luận và rất nhiều lượt chia sẻ. Có người bình “Một số văn bản nhiều năm không ra chắc chắn sẽ ra, nhất là Những ngôi sao xa xôi và Viếng lăng Bác”, có người cho rằng sẽ ra Lặng lẽ Sa Pa.
Thay vì đoán đề trên mạng nên tập trung ôn tập
Về vấn đề trên, thầy Nguyễn Đăng Sang, Tổ trưởng tổ Ngữ văn, Trường THCS Nguyễn Trãi, quận Gò Vấp khuyên học sinh không nên quan tâm đến những bài đăng đoán đề trên mạng, không nên học tủ, nếu không sẽ phản tác dụng.
Để làm được môn Văn trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, các em phải học theo chủ đề, nắm chắc phương pháp làm bài, phân tích đề thật tốt, xác định đúng yêu cầu của đề để làm bài cho đúng hướng.
Thầy Sang cho biết, nhiều em có tâm lý năm ngoái đã chọn tác phẩm này thì năm nay sẽ không còn ra nữa nên bỏ qua. Tuy nhiên, đó là ý nghĩ sai lầm vì có thể năm ngoái ra tác phẩm trên nhưng theo hướng khác, chủ đề khác. Còn năm nay, đề thi ra theo chủ đề khác. Ví dụ như nhân vật anh thanh niên trong Lặng lẽ Sa Pa có thể ra chủ đề sống cống hiến, sống đẹp nhưng cũng có thể ra về chủ đề hạnh phúc khi làm việc.
“Thay vì đoán đề trên mạng, các con nên tận dụng quãng thời gian còn lại để hệ thống hóa kiến thức bài vở theo lời dặn dò của thầy cô” - cô Phạm Thanh Xuân, giáo viên Trường THCS Lê Quý Đôn, quận 3 nói.
Cô Xuân cho biết, đề số 1 trong phần nghị luận văn học sẽ cung cấp ngữ liệu do đó học sinh cần nắm vững kỹ năng để làm bài.
Để làm tốt môn ngữ Văn, cô Xuân khuyên đối với phần nghị luận xã hội và nghị luận văn học phải đảm bảo nguyên tắc 3-4-5 khi làm bài ( 3 phần, 4 ý triển khai và 5 đoạn).
Cụ thể, phần nghị luận xã hội phải đảm bảo 3 phần gồm mở bài, thân bài và kết bài. 4 ý cần phải có trong nghị luận xã hội là giải thích, bàn luận, mở rộng, liên hệ bản thân. Và phần thân bài gồm 5 đoạn tối thiểu là 1 đoạn giải thích, 2 đoạn bàn luận, 1 đoạn mở rộng, 1 đoạn liên hệ.
Nghị luận văn học cũng phải tuân thủ công thức trên, bảo đảm phải có 3 phần mở bài - thân bài - kết bài.
4 ý triển khai trong thân bài gồm khái quát, phân tích, đánh giá và liên hệ.
Cô Xuân cũng lưu ý phải có 5 bước triển khai luận điểm gồm nêu luận điểm, nêu dẫn chứng, phân tích nghệ thuật và nội dụng, gợi mở nếu có và chốt ý.
"Khi tuân thủ công thức trên, các em sẽ làm đủ ý, tránh tình trạng lủng củng khi diễn đạt" - cô Xuân nhấn mạnh.
Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tại TP.HCM được tổ chức tại 158 điểm thi. Trong đó, có 147 điểm thi vào lớp 10 thường, 11 điểm thi vào lớp 10 chuyên. Tổng số phòng thi là 4.334.
Tổng số thí sinh tham gia dự kỳ thi vào lớp 10 tại TP.HCM là 98.681. Trong đó, thí sinh đăng ký xét ba nguyện vọng thường là 98.681, thí sinh đăng ký xét nguyện vọng chuyên là 7.622 (trong đó có 150 thí sinh tỉnh khác).
Viết bài văn Nghị luận văn học
Ở phần này học sinh được chọn 1 trong 2 đề.
Đề 1: Đề yêu cầu học sinh phân tích, cảm nhận một tác phẩm hoặc đoạn trích tác phẩm cụ thể có trong sách giáo khoa. Từ đó chỉ ra ảnh hưởng, tác động của tác phẩm đối với bản thân mình hoặc liên hệ đến tác phẩm khác, liên hệ thực tế cuộc sống để rút ra một vấn đề văn học hoặc cuộc sống.
Đề 2: Đề thi đặt ra một tình huống cụ thể và yêu cầu HS sử dụng kiến thức, sự trải nghiệm trong quá trình đọc (tự chọn tác phẩm/đoạn trích) để giải quyết tình huống ấy.
(Sở GD&ĐT TP.HCM)
NGUYỄN QUYÊN