ĐOÀN GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI LÀM VIỆC VỚI TỈNH CAO BẰNG VỀ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
Chiều 24/7, tại Cao Bằng, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương - Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội, Đoàn giám sát đã có cuộc làm việc với UBND tỉnh Cao Bằng về việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn.
Tham dự cuộc làm việc về phía Quốc hội có: Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh - Phó trưởng Đoàn giám sát; các thành viên Đoàn giám sát; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng; Tổ giúp việc của Đoàn giám sát; đại diện lãnh đạo Vụ Dân tộc.
Về phía tỉnh Cao Bằng có đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Cao Bằng…
Chất lượng đời sống người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS được nâng lên
Báo cáo với Đoàn giám sát của Quốc hội “việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030”, đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Cao Bằng cho biết, các sở, ban, ngành tỉnh có sự phối hợp trong công tác tham mưu, lồng ghép, tích hợp nguồn lực giữa các Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) đảm bảo không chồng chéo, trùng lặp về phạm vi, đối tượng, nội dung hỗ trợ trên cùng địa bàn. Việc phân bổ nguồn vốn thực hiện các CTMTQG được thực hiện tuân thủ quy định của pháp luật trên cơ sở lấy nhu cầu từ cấp xóm, đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch. Mặc dù ngân sách còn hạn hẹp nhưng cấp tỉnh và huyện đã ưu tiên dành một phần kinh phí để đối ứng thực hiện các CTMTQG trên địa bàn tỉnh theo tỷ lệ quy định.
Bộ mặt nông thôn ở nhiều địa phương đã từng bước thay đổi. Chất lượng đời sống văn hóa tinh thần của người dân, trong đó có đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng được nâng cao, nổi bật nhất là việc bảo tồn, giữ gìn những nét đẹp văn hóa truyền thống, hàng loạt lễ hội truyền thống tốt đẹp được tổ chức bài bản ở khắp các vùng quê. Cơ sở hạ tầng vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số từng bước được hoàn thiện, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất cho người dân; các chính sách hỗ trợ giảm nghèo được triển khai đồng bộ, tỷ lệ hộ nghèo giảm hàng năm trên 4%, đạt kế hoạch; điều kiện về y tế, giáo dục, văn hóa được cải thiện; cảnh quan môi trường nông thôn có nhiều chuyển biến. Chương trình OCOP cũng đã đạt được những kết quả nhất định, góp phần thúc đẩy phát triển những sản phẩm đặc sản của địa phương. Các mô hình về phát triển du lịch cộng đồng đã và đang từng bước phát triển mạnh tại các địa phương, góp phần hỗ trợ người dân nâng cao thu nhập.
Kết quả giảm nghèo chưa thật sự bền vững
Bên cạnh những kết quả đạt được, đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Cao Bằng cũng chỉ rõ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện các CTMTQG trên địa bàn tỉnh. Theo đó, công tác huy động nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước để thực hiện các CTMTQG trên địa bàn tỉnh đạt thấp, manh mún, chưa hình thành được phong trào lan rộng.
Công tác xây dựng kế hoạch của một số địa phương chưa được chuẩn bị tốt từ khâu xây dựng, lựa chọn danh mục; công tác chuẩn bị đầu tư của một số dự án chậm, khảo sát chưa kỹ, chất lượng hồ sơ chưa đảm bảo, quá trình thực hiện phải điều chỉnh nhiều lần. Một số dự án gặp vướng mắc về giải phóng mặt bằng, vướng thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, thiếu nguồn cung vật liệu xây dựng...ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện CTMTQG, dẫn đến giải ngân chậm, số vốn không giải ngân hết phải kéo dài sang năm sau lớn.
Kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh còn cao, vẫn còn có hộ tái nghèo. Đời sống của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn. Cơ sở hạ tầng của tỉnh còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển.
Đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Cao Bằng cho rằng, kết quả xây dựng nông thôn mới của tỉnh còn khoảng cách chênh lệch lớn so với vùng Trung du và Miền núi phía Bắc và cả nước: Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới thấp (12,2%), chưa có xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu; chưa có đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; còn 02 huyện trắng xã nông thôn mới; số xã đạt dưới 15 tiêu chí còn chiếm tỷ lệ cao (82%). Chất lượng đạt chuẩn và công tác duy trì bền vững kết quả của một số xã sau đạt chuẩn còn hạn chế, đặc biệt là tiêu chí môi trường. Cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, sản xuất hàng hóa trong lĩnh vực nông lâm nghiệp chưa xứng với tiềm năng của tỉnh.
UBND tỉnh Cao Bằng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép các tỉnh chủ động thực hiện điều chuyển nguồn vốn giữa các dự án của từng Chương trình MTQG phù hợp với tình hình thực hiện thực tế tại địa phương để sử dụng vốn đạt hiệu quả và có thể giải ngân được vốn ngân sách Trung ương thực hiện các CTMTQG với tỷ lệ cao nhất. Đồng thời đề nghị Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành Trung ương tiếp tục quan tâm chỉ đạo, bố trí nguồn vốn hỗ trợ Cao Bằng thực hiện dứt điểm việc thí điểm xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, quan tâm hỗ trợ tỉnh Cao Bằng về nguồn vốn đầu tư phát triển, vốn sự nghiệp trung ương và các nguồn vốn tài trợ khác để phấn đấu thực hiện hoàn thành các mục tiêu về xây dựng nông thôn mới đến năm 2025: Có 02 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, 50 xã đạt chuẩn nông thôn mới, không còn xã đạt dưới 15 tiêu chí theo kế hoạch đề ra…
Cao Bằng cần đánh giá, phân tích kỹ số liệu giảm nghèo
Qua thảo luận, các thành viên Đoàn giám sát nhận thấy, báo cáo của tỉnh Cao Bằng đã liệt kê rất cụ thể các công việc đã làm được trong các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần của các Chương trình mục tiêu quốc gia. Tuy nhiên, đề nghị cần làm rõ hơn tác động của các Chương trình với tỷ lệ giảm nghèo rất nhanh của tỉnh (năm 2022 giảm 4,29% so với đầu kỳ rà soát). Trong khi đó, năm 2021 chưa bố trí cho vốn năm 2022, tỉ lệ giải ngân thấp; năm 2022, Cao Bằng không có thêm xã nào đạt chuẩn nông thôn mới. Đồng thời, các thành viên Đoàn giám sát đề nghị cần đánh giá cụ thể về khả năng hoàn thành chỉ tiêu, mục tiêu các Chương trình đến năm 2025.
Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đánh giá cao tỉnh Cao Bằng đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo trong công tác tuyên truyền, thay đổi nhận thức của người dân, chủ động vươn lên thoát nghèo. Hạ tầng nông thôn trên địa bàn được tăng cường đầu tư, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện. Tỷ lệ giảm nghèo vượt chỉ tiêu đề ra. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, Cao Bằng cần đánh giá, phân tích kỹ số liệu giảm nghèo, vì nếu giảm nghèo mà hộ cận nghèo lại tăng lên, thì giảm nghèo có thực chất hay không?
Chia sẻ với khó khăn của Cao Bằng về lồng ghép vốn các Chương trình còn vướng mắc và còn 2 huyện "trắng" nông thôn mới, chưa có xã đạt nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị tỉnh tiếp thu đầy đủ ý kiến của các thành viên Đoàn giám sát; tiếp tục quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hướng dẫn ban hành đầy đủ các văn bản thực hiện các Chương trình; động viên các cấp, các ngành và toàn dân thực hiện tốt hơn các Chương trình; đánh giá kết quả các Chương trình một cách thực chất, bền vững. Xác định rõ trọng tâm, trọng điểm trong triển khai các Chương trình.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị, Cao Bằng cần quan tâm giải quyết vấn đề đất ở, nhà ở, sinh kế cho người dân; quyết liệt hơn trong chỉ đạo, điều hành như xem xét thành lập các tổ công tác (nhóm chuyên gia cấp tỉnh) đến trực tiếp cấp huyện với tinh thần “tỉnh sẵn sàng làm thay huyện, huyện sẵn sàng làm thay xã”, tìm phương án giải quyết vấn đề sinh kế phù hợp với thực tế địa bàn.
Tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đã trao quà lưu niệm tặng UBND tỉnh Cao Bằng; tặng quà cho lực lượng Công an, Quân đội, Biên phòng tỉnh Cao Bằng và Đoàn ĐBQH, HĐND tỉnh Cao Bằng.
Nhân dịp này, lãnh đạo tỉnh Cao Bằng cũng trân trọng trao quà lưu niệm tặng Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương và Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh.
Trước đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đã khảo sát thực tế tại công trình đường liên xã Quang Trung - Tri Phương, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Đây là tuyến đường có nguồn vốn đầu tư từ các Chương trình mục tiêu quốc gia.
Một số hình ảnh tại cuộc làm việc:
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=78222