Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc với Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang

Chiều 4.4, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã làm việc với Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang về thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, giai đoạn 2021 - 2024. Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thanh Hải - Phó Trưởng đoàn giám sát chủ trì cuộc làm việc.

Tập trung đầu tư cho cơ sở giáo dục và ngành nghề trọng điểm

Bắc Giang là tỉnh thứ 6 Đoàn giám sát đã đến làm việc, sau Hải Dương, TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Thái Nguyên, Đắk Lắk. Đoàn sẽ tiếp tục giám sát tại 4 tỉnh/thành phố là Khánh Hòa, Trà Vinh, Hải Phòng, Hà Nội.

Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải - Phó Trưởng đoàn giám sát cho biết, việc tổ chức giám sát tại Bắc Giang có ý nghĩa rất quan trọng, bởi đây là địa phương có dân số đông, trên 1,8 triệu người (đứng thứ 12 cả nước) với trên 1,1 triệu người trong độ tuổi lao động và đang trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng. Đồng thời tỉnh là cửa ngõ thu hút lao động khu vực vùng núi phía Bắc của Việt Nam; cơ cấu lao động tiếp tục chuyển dịch mạnh từ lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản sang lĩnh vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ.

 Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải - Phó Trưởng đoàn giám sát phát biểu tại cuộc làm việc

Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải - Phó Trưởng đoàn giám sát phát biểu tại cuộc làm việc

Qua báo cáo và trao đổi tại cuộc làm việc cho thấy, Bắc Giang rất quan tâm công tác lãnh đạo, chỉ đạo, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về phát triển nguồn nhân lực. Từ năm 2021 - 2024 Tỉnh ủy đã ban hành 12 văn bản, Hội đồng nhân dân ban hành 7 văn bản, Ủy ban nhân tỉnh ban hành 53 văn bản trong lĩnh vực này. Qua đó, cho thấy vấn đề phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao, cả ở khu vực công và khu vực tư thực sự được tỉnh đặt ở tầm mức là khâu đột phá chiến lược bảo đảm cho sự phát triển của tỉnh trong thời kỳ mới.

Tuy nhiên, qua giám sát cũng nổi lên vấn đề cung chưa đáp ứng được cầu của thị trường lao động liên quan đến nguồn nhân lực chất lượng cao. Nhu cầu về lao động chuyên nghiệp, lành nghề, có khả năng làm việc trong môi trường hội nhập quốc tế ngày càng tăng nhanh do sự phát triển mạnh mẽ các ngành công nghiệp, dịch vụ, song tình trạng thiếu hụt lao động chuyên nghiệp đáp ứng được nhu cầu thực tiễn của địa phương.

 Đoàn giám sát ghi nhận và đánh giá tỉnh Bắc Giang có nhiều mô hình tốt, cách làm hay trong đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương

Đoàn giám sát ghi nhận và đánh giá tỉnh Bắc Giang có nhiều mô hình tốt, cách làm hay trong đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương

Trong bối cảnh công nghệ ngày càng phát triển với tốc độ rất nhanh, nhất là trong các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, tự động hóa, truyền thông và công nghệ thông tin... sẽ đặt ra nhiều thách thức về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực, bảo đảm việc làm, thu nhập tương xứng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động. Đoàn giám sát đề nghị tỉnh Bắc Giang tiếp tục phát huy thành quả đã đạt được, nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực theo chủ trương của Đảng “huy động mọi nguồn lực cho phát triển”.

Nâng cao chất lượng đào tạo nghề, nhất là các ngành công nghiệp mũi nhọn; đẩy mạnh áp dụng mô hình đào tạo lý thuyết kết hợp thực hành tại doanh nghiệp. Tập trung đầu tư cho một số cơ sở giáo dục và ngành nghề trọng điểm, then chốt đáp ứng nhu cầu về nhân lực tại địa phương.

Đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng hạ tầng số trong giáo dục và quản trị nguồn nhân lực; đầu tư xây dựng hệ thống thông tin thị trường lao động đầy đủ, hiện đại, hiệu quả; nâng cao chất lượng quản trị và phân tích, dự báo xu hướng thị trường lao động…

 Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải mong muốn Bắc Giang có những kiến nghị mang tính đột phá để đóng góp cho quản trị và phát triển nguồn nhân lực

Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải mong muốn Bắc Giang có những kiến nghị mang tính đột phá để đóng góp cho quản trị và phát triển nguồn nhân lực

“Từ thực tiễn hết sức phong phú, Đoàn giám sát mong muốn tỉnh Bắc Giang sẽ có thêm những kiến nghị mang tính đột phá để đóng góp cho quản trị và phát triển nguồn nhân lực, gắn với thực hiện một số chủ trương mới của Đảng trong Nghị quyết 57 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ và chuyển đổi số quốc gia; Kết luận 115 về sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của nền kinh tế và Kết luận 127 về tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị”, Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh.

Mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp phát triển

Trước đó, báo cáo Đoàn giám sát, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Giang Mai Sơn cho biết, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang hiện có 9.256 doanh nghiệp đang hoạt động với 322.500 lao động đang làm việc. Trong đó lao động làm việc tại các doanh nghiệp nhà nước có 4.686 lao động, chiếm 1,45%; lao động trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có 218.546 người, chiếm 67,76%; lao động trong các doanh nghiệp liên doanh có 1.980 người, chiếm 0,61%; lao động trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh có 97.288 người, chiếm 30,18%.

 Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang Mai Sơn báo cáo Đoàn giám sát

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang Mai Sơn báo cáo Đoàn giám sát

Nhìn chung, những năm gần đây lao động trên địa bàn tỉnh có xu hướng dịch chuyển từ ngoài các khu, cụm công nghiệp vào trong các khu, cụm công nghiệp, dịch chuyển doanh nghiệp ngoài quốc doanh sang các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Quy mô, cơ cấu và chất lượng đào tạo nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có chuyển biến tích cực. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 78%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ là 34%, cao hơn bình quân chung cả nước 6,5%.

 Các thành viên Đoàn giám sát tại cuộc làm việc

Các thành viên Đoàn giám sát tại cuộc làm việc

Mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh phát triển đa dạng về loại hình, lĩnh vực, trình độ và hình thức đào tạo; có đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đông đảo, trình độ chuyên môn tốt, đạt chuẩn theo quy định. Toàn tỉnh có 50 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp, tổng quy mô tuyển sinh đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt trên 31.000 lao động/năm. Tỷ lệ người học trình độ cao đẳng, trung cấp có việc làm phù hợp với ngành, nghề đào tạo sau tốt nghiệp đạt 90% trở lên.

Đáng chú ý, Trường Cao đẳng Công nghệ Việt - Hàn Bắc Giang và Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghiệp có năng lực đào tạo các ngành nghề được các nước trong khu vực ASEAN hoặc quốc tế công nhận; đến năm 2023 đạt tiêu chí, tiêu chuẩn kiểm định chất lượng theo quy định.

Tuy nhiên, báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang cũng nêu ra một số hạn chế, như một số chính sách đặc thù của tỉnh có hiệu lực thi hành ngắn, mức hỗ trợ thấp, chưa tương xứng với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, chưa có chính sách đột phá trong hỗ trợ, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút đầu tư cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập…

Tin: Nhật Linh; Ảnh: Nghĩa Đức

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/doan-giam-sat-cua-uy-ban-thuong-vu-quoc-hoi-lam-viec-voi-uy-ban-nhan-dan-tinh-bac-giang-post409375.html