Thị trường dầu thô suy sụp
Giá dầu thô trên thị trường quốc tế giảm 10% trong hai phiên giao dịch sau khi liên minh OPEC+ bất ngờ nhất trí tăng sản lượng dầu trong ngày Tổng thống Donald Trump công bố thuế đối ứng với tất cả đối tác thương mại.

Giá dầu lao dốc khi OPEC+ quyết định tăng mạnh sản lượng trong tháng Năm giữa mối lo ngại kinh tế toàn cầu đình trệ do tác động của các mức thuế đối ứng mà Mỹ công bố hôm 3-4. Ảnh: Shutterstock
Chốt phiên giao dịch hôm 3-4, giá dầu Brent kỳ hạn ở thị trường London giảm 6,42%, lùi về 70,14 đô la Mỹ/thùng. Trong khi đó, giá dầu Tây Texas (WTI) kỳ hạn ở thị trường New York giảm 6,64%, xuống 66,95 đô la/thùng. Trong phiên hôm nay (4-4), tính đến 5 giờ chiều theo giờ Việt Nam, giá dầu Brent và WTI tiếp tục giảm thêm 3,4% và 3,6%, lần lượt xuống còn 67,8 đô la và 64,5 đô la mỗi thùng
Mức giảm hơn 6% của dầu thô trong phiên 3-4 là mức giảm mạnh nhất trong 3 năm qua. Dầu thô bị bán tháo trước mối lo ngại nguồn cung dư thừa do triển vọng sản lượng tăng và nhu cầu suy yếu.
Tại cuộc họp trực tuyến cấp bộ trưởng hôm 3-4, liên minh OPEC+, gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh bên ngoài do Nga dẫn đầu, nhất trí đưa 441.000 thùng dầu trở lại thị trường vào tháng Năm tới. Con số này cao hơn nhiều so với mức tăng sản lượng thêm 135.000 thùng/ngày mà OPEC+ đặt ra cho tháng Tư.
Nguồn dầu tăng thêm sẽ đến từ 8 nước gồm Saudi Arabia, Nga, Iraq, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Kuwait, Kazakhstan, Algeria và Oman. Đây là những nước thành viên OPEC+ đã tự nguyện cắt giảm sản lượng dầu 2,2 triệu thùng/ngày kể từ cuối năm 2023 để vực dậy giá dầu.
Thêm vào đó, dữ liệu của Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy, lượng dầu thô dự trữ của Mỹ đã tăng đáng kể 6,2 triệu thùng vào tuần trước, trái ngược với dự báo giảm 2,1 triệu thùng.
Các nhà phân tích của ngân hàng ING cho rằng, một trong những lý do thúc đẩy OPEC+ tăng sản lượng là nhận định rằng, các lệnh trừng phạt gần dây của Mỹ nhằm vào ngành dầu mỏ của Iran và Venezuela sẽ làm giảm nguồn cung đủ để biện minh cho việc cắt giảm sản lượng lớn hơn.
Quyết định tăng sản lượng của OPEC+ được đưa ra trong ngày Tổng thống Donald công bố các mức thuế đối ứng cao hơn kỳ vọng với hơn 180 đối tác thương mại trên toàn cầu.
Thuế quan mới của Mỹ sẽ giáng đòn mạnh vào nền kinh tế thế giới, có thể làm giảm đáng kể nhu cầu dầu thô.
Olu Sonola, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu kinh tế Mỹ của Fitch Ratings cho rằng, thuế đối ứng, nếu duy trì trong thời gian dài, không chỉ tác động lớn đến nền kinh tế Mỹ và còn đối với nền kinh tế toàn cầu, với nhiều quốc gia có thể sẽ rơi vào suy thoái.
“Các hoạt động kinh tế và nhu cầu dầu mỏ có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Sự kết hợp giữa sản lượng dầu tăng và triển vọng kinh tế toàn cầu yếu hơn gây áp lực giảm giá dầu, có khả năng mở ra một thời kỳ biến động mới trên thị trườn dầu”, Angie Gildea, giám đốc năng lượng của công ty kiểm toán KPMG US bình luận.
Trong thông báo hôm qua, Nhà Trắng cho biết dầu thô, khí đốt và các sản phẩm dầu mỏ tinh chế sẽ không bị áp thuế đối ứng.
Các nhà giao dịch và giới phân tích dự đoán, giá dầu sẽ biến động nhiều hơn trong thời gian tới, do thuế quan của Mỹ có thể thay đổi khi các nước cố gắng đàm phán mức thuế thấp hơn hoặc áp thuế trả đũa Mỹ.
Ngân hàng Goldman Sachs hạ dự báo giá dầu thô Brent trung bình trong năm nay 5,5% xuống còn 69 đô la /thùng, với lý do rủi ro từ nguồn cung của OPEC+ tăng cao và cuộc chiến thương mại toàn cầu có thể gây ra suy thoái kinh tế.
Ngân hàng này cũng cắt giảm dự báo giá trung bình năm 2026 đối với dầu Brent là 9%, xuống còn 62 đô la/thùng. Nhu cầu dầu toàn cầu dự kiến chỉ tăng 600.000 thùng/ngày trong năm nay, giảm so với dự báo trước đó là 900.000 thùng/ngày.
“Giá dầu có thể giảm sâu hơn dự báo của chúng tôi, đặc biệt là trong năm 2026, do rủi ro suy thoái kinh tế ngày càng gia tăng”, các nhà phân tích của Goldman Sachs viết trong một báo cáo.
Theo Bloomberg, Reuters, CNBC
Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/thi-truong-dau-tho-suy-sup/