Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thăm và làm việc với BSR
Phát huy các kết quả nổi bật đạt được trong năm 2022, bước sang năm 2023, BSR đã chủ động xây dựng kế hoạch các chỉ tiêu chính về sản xuất và tài chính theo hướng thách thức hơn và BSR đang thật sự nỗ lực, phấn đấu trong quá trình triển khai thực hiện.
Sáng nay (11/7), Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do đồng chí Lê Quang Huy - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Phó Trưởng đoàn thường trực Đoàn giám sát cùng các đồng chí là thường trực Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội; các đồng chí thuộc đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội và thành phố Hải Phòng đã đến thăm và làm việc với Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021.
Cùng dự, có đồng chí Đỗ Thành Trung - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư và lãnh đạo các Vụ: Vụ Kinh tế, công nghiệp và Dịch vụ - Bộ Kế hoạch Đầu tư; Vụ Dầu khí và Than - Bộ Công Thương; Vụ Môi trường - Bộ Tài nguyên Môi trường. Về phía tỉnh Quảng Ngãi, có đồng chí Trần Phước Hiền - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi.
Về phía Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và BSR có các đồng chí Lê Xuân Huyên - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn; Nguyễn Văn Hội - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT BSR; Bùi Ngọc Dương - Phó Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc và các đồng chí trong trong BCH Đảng bộ, Hội đồng quản trị, Ban Tổng Giám đốc, Ban Kiểm soát, Ban Giám đốc Nhà máy, Ban QLDA Nâng cấp mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất và Trưởng các Ban chức năng BSR.
Báo cáo với Đoàn giám sát, Tổng Giám đốc BSR Bùi Ngọc Dương cho biết: Từ khi NMLD Dung Quất đi vào vận hành đến nay, BSR đã đưa vào chế biến trên 95,7 triệu tấn dầu thô, sản xuất và xuất bán trên 87,4 triệu tấn sản phẩm các loại, đáp ứng trên 30% nhu cầu xăng dầu của cả nước. Sau gần 15 năm đi vào vận hành, tổng doanh thu của BSR cho đến nay gần 1,49 triệu tỷ đồng, tổng nộp ngân sách hơn 210 ngàn tỷ đồng (tương đương hơn 9 tỷ USD) gần gấp 3 lần mức đầu tư và tổng lợi nhuận sau thuế tích lũy đạt gần 44 ngàn tỷ đồng, đóng góp đáng kể vào doanh thu, lợi nhuận của Petrovietnam, ngân sách của tỉnh Quảng Ngãi, Nhà nước, sự phát triển kinh tế của đất nước và ngày càng có vai trò quan trọng là công cụ điều tiết vĩ mô của Chính phủ liên quan đến nguồn cung xăng dầu, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và cung cấp các nhiên liệu đặc chủng cho quốc phòng.
Phát huy các kết quả nổi bật đạt được trong năm 2022, bước sang năm 2023, BSR đã chủ động xây dựng kế hoạch các chỉ tiêu chính về sản xuất và tài chính theo hướng thách thức hơn và BSR đang thật sự nỗ lực, phấn đấu trong quá trình triển khai thực hiện.
Về tình hình triển khai thực hiện chính sách, pháp luật phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021, trong suốt quá trình hoạt động, BSR luôn tuân thủ các chính sách, quy định của pháp luật về phát triển năng lượng; cập nhật đầy đủ các văn bản của Nhà nước và cụ thể hóa vào các quy chế, quy trình nội bộ để phục vụ hoạt động quản lý điều hành và sản xuất kinh doanh của Công ty.
Tương tự như các nhà máy lọc dầu trên thế giới, BSR đã đưa vào áp dụng chỉ số EII (Energy Intensive Index) của tổ chức quốc tế Solomon để đánh giá hiệu quả sử dụng năng lượng của NMLD Dung Quất. Nhờ vào việc triển khai đồng loạt các giải pháp tiết kiệm năng lượng mà chỉ số EII của Nhà máy đã giảm từ mức trên 118% năm 2014 xuống mức trung bình 104% - 105% như hiện nay; đặc biệt năm 2017 chỉ số này đã giảm xuống mức thấp nhất là 103,5%. Theo đánh giá của tổ chức Solomon, hiệu quả sử dụng năng lượng của NMLD Dung Quất đang ở phân vị giữa mức 3 và 4 trong nhóm so sánh (nhóm so sánh có 4 phân vị, nhà máy thuộc nhóm phân vị số 1 có hiệu quả sử dụng năng lượng cao nhất).
BSR đã áp dụng tiêu chuẩn ISO 50001. Tiêu chuẩn này dựa trên khuôn khổ cải tiến liên tục Hoạch định - Thực hiện - Kiểm tra - Hành động (PDCA) để cải thiện hiệu suất năng lượng một cách liên tục và kết hợp quản lý năng lượng vào thực tiễn hàng ngày của tổ chức.
Tuân thủ theo quy định của Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và các văn bản pháp lý liên quan cũng như yêu cầu của tiêu chuẩn ISO 50001, BSR đã thực hiện kiểm toán năng lượng với tần suất 3 năm 1 lần. Chương trình sáng kiến cải tiến cũng được triển khai mạnh mẽ. Kết quả kiểm toán năng lượng và chương trình sáng kiến cải tiến đã cho ra những ý tưởng và giải pháp tối ưu hóa năng lượng, giúp BSR xây dựng kế hoạch và tổ chức theo dõi, giám sát chặt chẽ việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.
BSR đã thường xuyên nghiên cứu, triển khai, áp dụng nhiều giải pháp tối ưu hóa năng lượng và giảm phát thải có hiệu quả lớn áp dụng cho NMLD Dung Quất. Từ 2015 đến nay, BSR đã triển khai thành công hơn 60 giải pháp tối ưu hóa năng lượng, tiết kiệm cho Nhà máy khoảng trên 500 tỷ đồng/năm.
BSR đang triển khai chương trình chuyển dịch năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính cho NMLD Dung Quất trên cơ sở các văn bản hướng dẫn của Chính phủ, Bộ Công Thương và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Theo Điều 6 Nghị định 06/2022/NĐ-CP ngày 07/01/2022 của Chính phủ quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô - dôn, các cơ sở có mức phát thải Khí nhà kính (KNK) hằng năm từ 3.000 tấn CO2 tương đương trở lên phải thực hiện kiểm kê KNK. NMLD Dung Quất thuộc đối tượng phải kiểm kê KNK theo danh mục tại Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ. BSR đã thống kê mức phát thải KNK trong 5 năm qua 2018-2022 với mức phát thải trung bình khoảng 1,65 triệu tấn CO2/năm nhằm chuẩn bị công tác kiểm kê KNK với cơ quan chức năng, làm cơ sở xây dựng phương án giảm nhẹ phát thải KNK đến năm 2030 theo quy định và định hướng cho giai đoạn tiếp theo.
Trên cơ sở đó, BSR đã xây dựng chiến lược và kế hoạch về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và giảm phát thải, trong đó tập trung vào khai thác tối đa các cơ hội tối ưu trong vận hành, đầu tư bổ sung, cải tiến các thiết bị, công nghệ có hiệu suất năng lượng cao, tăng cường khai thác nhập điện từ EVN và sử dụng các nguồn năng lượng sạch, tái tạo (mặt trời, gió). Về dài hạn, BSR đang triển khai nghiên cứu các giải pháp công nghệ nhằm nâng cao tỷ trọng sản phẩm hóa dầu/hóa chất và bước đầu nghiên cứu các công nghệ mới về thu hồi và sử dụng CO2, sản xuất H2 xanh từ nguồn năng lượng tái tạo,...
Chủ tịch HĐQT BSR Nguyễn Văn Hội báo cáo thêm về công tác nghiên cứu khoa học và áp dụng các giải pháp khoa học kỹ thuật vào sản xuất. BSR đã có trên 300 sáng kiến được công nhận cấp cơ sở; 43 sáng kiến được công nhận cấp Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; 38 sáng kiến đạt Giải thưởng tại Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh Quảng Ngãi; 14 sáng kiến đạt Giải thưởng Sáng tạo Khoa học và Công nghệ Việt Nam; 7 sáng kiến nằm trong Sách vàng Việt Nam và 5 sáng kiến cấp quốc tế. Đặc biệt, năm 2022, BSR đã đạt giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ với đề tài “Các giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ tối ưu hóa quá trình sản xuất của Nhà máy Lọc dầu Qung Quất nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của BSR”.
BSR đã đánh giá và bổ sung gần 83 loại dầu thô khác nhau có thể chế biến tại Nhà máy, trong đó đã đưa vào thử nghiệm và chế biến thành công 31 loại dầu thô trong và ngoài nước thay thế cho dầu thô Bạch Hổ, cùng với 2 loại nguyên liệu mới quan trọng cho phân xưởng RFCC là SR LSFO và VGO. Bên cạnh đó, BSR đã nghiên cứu sản xuất và xuất bán thành công 7 sản phẩm nhiên liệu mới bao gồm Marine FO, Treated LCO, Xăng RFCC, MixC4 và 3 sản phẩm nhiên liệu JetA1K, ADO-L62, Xăng A80 cung cấp cho các phương tiện đặc chủng quốc phòng, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và quốc phòng, cùng với 7 sản phẩm hóa dầu mới Popyproylene có hiệu quả cao.
Để nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng sản lượng sản phẩm xuất bán đáp ứng nhu cầu thị trường, BSR đã tận dụng và khai thác tối ưu công suất vận hành của Nhà máy so với thiết kế như: phân xưởng CDU: 114%; KTU: 135%; NHT: 135%; ISOM: 150%; CCR: 110%; RFCC: 105%; PP Plant: 115%. BSR đã thực hiện thành công 4 lần BDTT Nhà máy và dự kiến sẽ triển khai BDTT lần 5 vào tháng 3 - 4/2024.
Tại buổi làm việc, Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân và Đại biểu Quốc hội Vương Quốc Thắng cho rằng BSR đang đối mặt 3 thách thức: Biến đổi bất thường của khí hậu, quy chuẩn về công nghệ ngày càng khác biệt trong lĩnh vực lọc hóa dầu và thách thức cạnh tranh. Từ đó, theo Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân, BSR cần đầu tư vào nghiên cứu công nghệ, đào tạo nhân tài, đa dạng hóa nguồn nguyên liệu, tận dụng nguồn lực từ các đối tác bên ngoài.
Đại biểu Quốc hội Vương Quốc Thắng cũng đặt ra câu hỏi về những thách thức mà BSR phải đối mặt khi vận hành NMLD Dung Quất trong một thời gian dài, liên tục cũng như giải pháp để đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học.
Sau khi lắng nghe ý kiến của các Đại biểu Quốc hội và phần trao đổi, thảo luận của BSR/Petrovietnam, đồng chí Lê Quang Huy - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội kết luận buổi làm việc: Đoàn công tác tiếp thu các kiến nghị từ BSR về pháp luật kinh doanh xăng dầu, các kiến nghị về đầu tư xây dựng, pháp luật về nghiên cứu khoa học công nghệ.
Đồng chí Lê Quang Huy cho biết thêm: Thực hiện theo Công văn số 2606/TTKQH-ĐGS ngày 03/7/2023 của Tổng Thư ký Quốc hội về việc giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội đến làm việc với Công ty BSR nhằm mục đích giám sát, đánh giá, để từ đó đề xuất, xây dựng và ban hành chính sách về năng lượng quốc gia. Quảng Ngãi, trong đó có NMLD Dung Quất là dự án trọng điểm quốc gia, có vị trí hết sức quan trọng với năng lượng của đất nước. Đoàn giám sát đặt ra 2 vấn đề an ninh năng lượng cấp bách hiện nay nguồn điện và an ninh năng lượng xăng dầu. Từ đó, Ủy ban sẽ có những kiến nghị để xây dựng chính sách cung - cầu năng lượng, chính sách cho xu thế chuyển dịch năng lượng và tiết kiệm hiệu quả năng lượng.