Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục làm việc với Trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh
Chiều 27.3, tại TP. Hồ Chí Minh, Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục do Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, PGS.TS Nguyễn Đắc Vinh làm Trưởng đoàn đã làm việc với Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh về thực hiện chính sách, pháp luật trong đào tạo trình độ tiến sĩ.
Cùng dự có: Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, PGS.TS Vũ Hải Quân; nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình.
Theo báo cáo tại cuộc làm việc, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh (Trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh) là trung tâm đào tạo cán bộ kỹ thuật công nghệ và các nhà quản lý có trình độ ngang tầm với các nước tiên tiến trong khu vực châu Á, đáp ứng nguồn nhân lực có chất lượng cao cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nói chung và khu vực phía Nam nói riêng.
Chú trọng phát triển đào tạo sau đại học là chiến lược phát triển của nhà trường nhằm đào tạo đội ngũ chuyên gia, các nhà khoa học đóng vai trò quan trọng vào quá trình nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ, đóng góp tăng trưởng nguồn tài nguyên tri thức, tăng cường tiềm lực phát triển kinh tế - xã hội cho đất nước.
Hiện tại, Trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh đào tạo 40 ngành trình độ thạc sĩ và 32 ngành trình độ tiến sĩ với quy mô hơn 2.400 người học, trong đó có hơn 280 nghiên cứu sinh.
Trong khi số nghiên cứu sinh giảm trên thế giới và trong nước có xu hướng giảm thì số lượng nghiên cứu sinh trúng tuyển của Trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh lại có xu hướng tăng trong giai đoạn từ năm 2018 đến nay. Để có được kết quả này, Nhà trường đã liên tục nâng cao chất lượng đào tạo và thực hiện nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ cho nghiên cứu sinh trong quá trình học tập, nghiên cứu như: chính sách hỗ trợ nghiên cứu khoa học trực tiếp cho nghiên cứu sinh khi nghiên cứu các công trình công bố quốc tế uy tín và xây dựng chương trình dự bị tiến sĩ hỗ trợ người học chuẩn bị năng lực để theo học chương trình tiến sĩ.
Đại diện Trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh cũng cho biết, công tác đào tạo trình độ tiến sĩ hiện còn gặp một số tồn tại, hạn chế như: tuyển sinh chưa đạt chỉ tiêu đề ra; số thi sinh đăng ký dự tuyển không đồng đều giữa các ngành; tỉ lệ tiến sĩ có thời gian đào tạo dưới 5 năm chưa cao, đặc biệt số lượng tiến sĩ có thời gian đào tạo đúng 3 năm còn thấp. Lý do chủ yếu là nghiên cứu sinh không thuộc đối tượng toàn thời gian nghiên cứu, do không có học bổng.
Trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh kiến nghị, cần xem xét ưu tiên hỗ trợ đầu tư phòng thí nghiệm, trang thiết bị nghiên cứu, chi phí nghiên cứu cho Đại học Quốc gia, các trường đại hàng đầu của Việt Nam về đào tạo tiến sĩ kỹ thuật - công nghệ, khoa học cơ bản. Tăng mức hỗ trợ đầu tư cho đào tạo trình độ tiến sĩ theo hướng đáp ứng đủ chi phí đào tạo, nghiên cứu khoa học, thực hành, thí nghiệm và công bố khoa học. Trường cũng kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép sử dụng chỉ tiêu tuyển sinh theo lĩnh vực/nhóm ngành cho đào tạo sau đại học do các ngành học hiện tại có tính liên ngành cao.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh ghi nhận những đóng góp của Trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh trong quá trình đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, chất lượng, đóng góp cho sự phát triển của khoa học - kỹ thuật Việt Nam.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục nhấn mạnh, đào tạo tiến sĩ là công việc hết sức quan trọng trong phát triển nhân lực chất lượng cao. Với quy mô ngày càng mở rộng, chất lượng theo hướng ngày càng tốt, thực tế đào tạo trình độ tiến sĩ đang ngày càng mang lại thành quả, tạo ra lực lượng cung cấp nhiều giá trị cho đất nước. Các kiến nghị, chia sẻ, kinh nghiệm của Trường Đại học Bách khoa trong công tác đào tạo tiến sĩ sẽ được Đoàn giám sát tổng hợp, nghiên cứu nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách trong thời gian tới.