Đoàn giám sát Hội đồng Dân tộc của Quốc hội làm việc với UBND tỉnh Lai Châu

Chiều 6/8, Đoàn giám sát Hội đồng Dân tộc của Quốc hội do đồng chí Nguyễn Lâm Thanh - Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Lai Châu.

Về phía tỉnh Lai Châu có các đồng chí: Lê Văn Lương - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Hoàng Quốc Khánh - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành tỉnh.

Quang cảnh buổi làm việc.

Quang cảnh buổi làm việc.

Báo cáo việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác cán bộ người dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2023 nêu rõ, UBND tỉnh, các địa phương, cơ quan, đơn vị luôn quan tâm, chăm lo xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ nói chung, cán bộ người dân tộc thiểu số (DTTS) nói riêng cả về số lượng và chất lượng.

Đồng chí Hoàng Quốc Khánh - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu tại buổi làm việc.

Đồng chí Hoàng Quốc Khánh - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu tại buổi làm việc.

Nhiệm kỳ 2016-2021, tỉnh Lai Châu bầu được 2.506 người DTTS vào HĐND các cấp, chiếm 81,39%. Nhiệm kỳ 2021-2026, tỉnh bầu được 1.906 người DTTS vào HĐND các cấp, chiếm 75,8%. Công tác luân chuyển, điều động để đào tạo, rèn luyện đội ngũ cán bộ nói chung, cán bộ người DTTS được quan tâm thực hiện.

Đại diện lãnh đạo Sở Tài chính phát biểu tại buổi làm việc.

Đại diện lãnh đạo Sở Tài chính phát biểu tại buổi làm việc.

Hầu hết, cán bộ được luân chuyển hoàn thành nhiệm vụ, tích lũy kinh nghiệm trong thực tiễn, có phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo, sâu sát, toàn diện. Việc điều động, luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý trên địa bàn, khắc phục tình trạng cục bộ, khép kín; tăng cường, bổ sung nhiều cán bộ người DTTS. Từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh điều động, luân chuyển 47 người DTTS giữ chức vụ bí thư, phó bí thư các huyện ủy, thành ủy; chủ tịch UBND, phó chủ tịch UBND các huyện, thành phố; điều động, luân chuyển 51 người DTTS giữ chức vụ bí thư, phó bí thư cấp xã; chủ tịch, phó chủ tịch UBND cấp xã.

Đồng chí Lê Văn Lương - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc.

Đồng chí Lê Văn Lương - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc.

Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành các nghị quyết, quy định, đề án, chương trình, kế hoạch để tổ chức triển khai thực hiện toàn diện về công tác cán bộ đảm bảo rõ trách nhiệm, thẩm quyền, quy trình, mở rộng dân chủ, công khai, minh bạch, trong đó có cán bộ người DTTS. Đồng thời, quan tâm tạo nguồn cán bộ người DTTS; cử học sinh là con em người DTTS đi đào tạo theo hệ cử tuyển, sau khi tốt nghiệp đã bố trí vào các công việc phù hợp; làm tốt công tác tuyển dụng con em người DTTS, một số dân tộc đặc biệt ít người, đến nay đã có cán bộ ở cấp tỉnh, huyện, cấp xã. Các khâu trong công tác cán bộ được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, chặt chẽ. Điều chỉnh, bổ sung các chế độ, chính sách hỗ trợ cán bộ đi học, chính sách thu hút cán bộ, trong đó có chính sách ưu tiên đào tạo văn hóa, chuyên môn đối với cán bộ, công chức người DTTS, đặc biệt là 5 dân tộc rất ít người.

Đại diện thành viên đoàn giám sát Hội đồng Dân tộc của Quốc hội phát biểu tại buổi làm việc.

Đại diện thành viên đoàn giám sát Hội đồng Dân tộc của Quốc hội phát biểu tại buổi làm việc.

Tại buổi làm việc, tỉnh Lai Châu đề nghị, Chính phủ xem xét, bổ sung đối tượng được hưởng chế độ cử tuyển tại Nghị định số 141/2020/NĐ-CP ngày 8/12/2020 quy định chế độ cử tuyển đối với học sinh, sinh viên người DTTS để tăng số lượng học sinh, sinh viên người DTTS được tham gia đào tạo cử tuyển góp phần khắc phục tình trạng thiếu cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là khắc phục tình trạng thiếu giáo viên Tiếng Anh, Tin học, Mỹ thuật, Âm nhạc tại các địa phương.

Đại diện thành viên Đoàn giám sát Hội đồng Dân tộc của Quốc hội phát biểu tại buổi làm việc.

Đại diện thành viên Đoàn giám sát Hội đồng Dân tộc của Quốc hội phát biểu tại buổi làm việc.

Một số ý kiến thảo luận tại buổi làm việc, tập trung vào các vấn đề như: Công tác giải quyết việc làm cho thanh niên DTTS trong tình hình mới; có chính sách thu hút đối cán bộ, công chức, viên chức DTTS; luân chuyển, biệt phái, đào tạo cán bộ, lãnh đạo DTTS có trình độ năng lực, tuổi trẻ…

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Lê Văn Lương - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Tính đến ngày 31/12/2023, toàn tỉnh có trên 48 vạn người, trong đó, trên 84% là người DTTS. Một số DTTS của tỉnh rất ít cán bộ, công chức, viên chức như: Mảng, Si La, La Hủ, Cống, Khơ Mú, Kháng, Lào, Lự. Đồng chí kiến nghị, Bộ Nội vụ tham mưu trình Chính phủ ban hành chính sách đặc thù trong tuyển dụng công chức, viên chức đối với người DTTS ở những tỉnh miền núi để nâng cao tỷ lệ cán bộ người DTTS đảm bảo đạt tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức DTTS trong thời kỳ mới.

Đồng chí Nguyễn Lâm Thanh - Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội phát biểu kết luận buổi làm việc.

Đồng chí Nguyễn Lâm Thanh - Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội phát biểu kết luận buổi làm việc.

Kết luận buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Lâm Thanh - Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đánh giá cao việc triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về công tác cán bộ người DTTS giai đoạn 2016 - 2023 trên địa bàn tỉnh Lai Châu thời gian qua. Những kiến nghị của tỉnh, Đoàn công tác sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Đồng chí đề nghị, UBND tỉnh Lai Châu tiếp tục chủ động quản lý nguồn lao động địa phương; nâng cao chất lượng giáo dục khu vực biên giới, vùng DTTS, quan tâm đến công tác xóa mù chữ trên địa bàn…

Trước đó, đoàn công tác đã có buổi giám sát tại huyện Tam Đường.

Quang cảnh buổi làm việc tại huyện Tam Đường.

Quang cảnh buổi làm việc tại huyện Tam Đường.

Thu Minh

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/ch%C3%ADnh-tr%E1%BB%8B/%C4%91o%C3%A0n-gi%C3%A1m-s%C3%A1t-h%E1%BB%99i-%C4%91%E1%BB%93ng-d%C3%A2n-t%E1%BB%99c-c%E1%BB%A7a-qu%E1%BB%91c-h%E1%BB%99i-l%C3%A0m-vi%E1%BB%87c-v%E1%BB%9Bi-ubnd-t%E1%BB%89nh-lai-ch%C3%A2u