Đoàn kết, chia sẻ để vượt qua COVID-19 và kết thúc đại dịch AIDS
Khi toàn thế giới đều tập trung sự chú ý vào cuộc khủng hoảng về COVID-19, Ngày Thế giới phòng, chống AIDS năm nay (1/12) nhắc nhở chúng ta cần tiếp tục nỗ lực phòng, chống một đại dịch toàn cầu khác, dù đã xuất hiện từ 40 năm trước, nhưng vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn.
Hàng năm, vào ngày 1/12, tất cả các quốc gia đều kỷ niệm Ngày thế giới phòng, chống AIDS. Chủ đề của chiến dịch năm nay là “Đoàn kết toàn thế giới, Chia sẻ trách nhiệm”, với thông điệp chính là mỗi người trong chúng ta đều cần hành động để giúp ngăn chặn đồng thời cả hai đại dịch HIV và COVID-19.
Điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, ông Kamal Malhotra, nhận xét: “Cùng nhau hành động với sự đoàn kết và chia sẻ trách nhiệm nhiều hơn nữa, Việt Nam sẽ giữ vững được cam kết không bỏ ai ở lại phía sau và kết thúc dịch AIDS để AIDS không còn là một mối nguy cho sức khỏe cộng đồng vào năm 2030, và qua đó đóng góp tích cực cho việc hoàn thành các Mục tiêu Phát triển Bền vững”.
Không một cá nhân, tổ chức hay một quốc gia nào chỉ bằng hành động đơn độc mà có thể loại bỏ các bất bình đẳng đang tồn tại và nuôi dưỡng đại dịch AIDS. Cùng nỗ lực chấm dứt bất bình đẳng, chúng ta có thể tiếp thêm sức mạnh cho phong trào phòng, chống AIDS toàn cầu và đưa đáp ứng với dịch trở lại quĩ đạo tiến tới kết thúc AIDS vào năm 2030.
Vẫn có 1,7 triệu người mới nhiễm HIV và 690.000 người tử vong do AIDS mỗi năm
Theo Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNAIDS), mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, tình trạng khẩn cấp về AIDS trên toàn cầu vẫn chưa kết thúc. Mỗi năm, toàn thế giới vẫn có 1,7 triệu người mới nhiễm HIV và 690.000 người tử vong do AIDS. Các bất bình đẳng vẫn khiến những người ít có tiếng nói nhất phải chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi HIV.
Đại dịch COVID-19 chính là hồi chuông cảnh tỉnh cho thế giới. Bất bình đẳng trong chăm sóc y tế ảnh hưởng đến tất cả chúng ta. Không ai được thực sự an toàn cho đến khi mọi người dân đều an toàn.
Đáp ứng với HIV có nhiều kinh nghiệm hay để chia sẻ và áp dụng cho ứng phó với COVID-19. Chúng ta đã biết rằng để kết thúc được đại dịch AIDS và đánh bại được COVID-19 chúng ta phải chấm dứt kỳ thị và phân biệt đối xử, lấy người dân làm trung tâm và xây dựng các đáp ứng với dịch bệnh dựa trên các cách tiếp cận về quyền và bình đẳng giới.
Chúng ta không được để tài sản trở thành yếu tố quyết định việc một người có được đáp ứng nhu cầu chăm sóc y tế của mình hay không. Chúng ta cần một loại vắc-xin phòng COVID-19 và những loại thuốc điều trị HIV với giá phải chăng để mọi người dân ở khắp nơi đều có thể tiếp cận được.
"Sức khỏe là một quyền của con người. Đầu tư cho sức khỏe phải là ưu tiên hàng đầu để có thể thực hiện được Chăm sóc Sức khỏe Toàn dân. Ngày Thế giới phòng, chống AIDS hôm nay, chúng ta hãy cùng nhau khẳng định rằng, để vượt qua đại dịch COVID-19 và kết thúc đại dịch AIDS, toàn thế giới phải đoàn kết lại và cùng nhau chia sẻ trách nhiệm" - thông điệp của UNAIDS nêu rõ.