Đoàn kết để chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ

Bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái vẫn là một trong những hành vi vi phạm nhân quyền phổ biến và lan rộng nhất. Theo Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women), gần một phần ba phụ nữ trên thế giới từng hứng chịu bạo hành thể xác hoặc tình dục. Những nạn nhân của bạo lực không chỉ bị tổn thương về thể chất mà cả tinh thần. Nghiêm trọng hơn chính là tính mạng của họ bị tước đoạt.

Ảnh minh họa: Hơn 450 người tham gia giải chạy cộng đồng mang tên “Chạy vì một Việt Nam không có bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái”, ngày 27/11/2022. (Ảnh: TRUNG HƯNG)

Ảnh minh họa: Hơn 450 người tham gia giải chạy cộng đồng mang tên “Chạy vì một Việt Nam không có bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái”, ngày 27/11/2022. (Ảnh: TRUNG HƯNG)

Báo cáo của UN Women và Cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) ước tính, năm 2022, gần 89.000 phụ nữ và trẻ em gái bị sát hại, con số cao nhất từng được ghi nhận trong 20 năm trở về trước. Hơn một nửa trong số những nạn nhân bị chính bạn đời, người thân trong gia đình giết hại. Những con số thương tâm vẫn gia tăng trong năm 2023 cho thấy thực tế đáng lo ngại rằng, nhà cũng không phải là nơi an toàn đối với phụ nữ và trẻ em gái.

Những đối tượng dễ bị tổn thương này còn phải đối mặt nguy hiểm tại nơi làm việc và trên không gian mạng. Các cuộc khủng hoảng đan xen, như suy thoái kinh tế, dịch bệnh, xung đột và biến đổi khí hậu làm trầm trọng thêm tình trạng bạo lực đối với phụ nữ trên thế giới.

Những con số đáng báo động nêu trên thực tế có lẽ còn cao hơn. Các vụ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái chưa được báo cáo đầy đủ bởi sự cam chịu của nạn nhân vì sợ hãi và xấu hổ, cũng như sự vô tâm của người chung quanh.

Là một nhân viên làm công tác xã hội hỗ trợ những người hứng chịu bạo lực giới ở Nam Phi, bà Anna Maswikeni cho rằng, chính sự im lặng khiến vòng luẩn quẩn bạo lực chưa thể chấm dứt trong nhiều thế hệ. Bà Maswikeni giải thích rằng, bạo lực gia đình để lại những tác động nặng nề, có thể khiến trẻ em nghĩ rằng đây là cách để giải quyết bất đồng và lặp lại hành vi này khi trưởng thành. Sự im lặng không phải lúc nào cũng là vàng và chỉ khiến bạo lực dần được xem như một hành động bình thường.

Thực trạng nêu trên xảy ra bất chấp những kết quả trong nỗ lực phòng chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái trên thế giới. Theo UN Women, 165 quốc gia có luật về phòng chống bạo lực gia đình. Cùng với đó, nhiều chiến lược, chính sách nhằm đẩy lùi tình trạng bạo hành phụ nữ và trẻ em gái, cũng như các dịch vụ hỗ trợ nạn nhân được thúc đẩy.

Các phong trào vì nữ quyền cũng đóng vai trò quan trọng. Tại khu vực Mỹ Latin, phong trào Ni Una Menos góp phần nâng cao nhận thức về tình trạng phụ nữ bị giết hại, đồng thời thúc đẩy các cơ quan thực thi pháp luật hành động mạnh mẽ hơn.

Dù ghi nhận một số thành quả, song UN Women đánh giá rằng, chỉ có 104 nước có luật được xem là toàn diện nhằm giải quyết vấn đề này. Việc thực thi luật pháp kém hiệu quả, cũng như những định kiến đối với phụ nữ vẫn tồn tại tiếp tục cản trở nỗ lực chung.

Do thiếu hụt nguồn tài trợ, các tổ chức vì bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ đang gặp không ít khó khăn. Điều này chỉ ra rằng, cần tăng cường nguồn lực và đưa ra những phản ứng quyết liệt hơn, đồng thời tìm cách giải quyết những nguyên nhân gốc rễ của nạn bạo lực đối với phụ nữ.

Năm nay đánh dấu kỷ niệm 25 năm Đại hội đồng Liên hợp quốc chỉ định ngày 25/11 là Ngày quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ. Nhằm gióng lên những hồi chuông cảnh báo, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế dang rộng cánh tay, chiến dịch mang tên “16 Ngày hành động chống bạo lực trên cơ sở giới” năm nay sẽ diễn ra từ ngày 25/11 đến Ngày nhân quyền quốc tế (10/12) tới.

Tiếp nối thông lệ những năm trước, sáng kiến UNiTE do Tổng Thư ký Liên hợp quốc phát động cũng đồng hành chiến dịch. Các hoạt động năm nay nêu bật thông điệp đoàn kết để chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ, đồng thời nhấn mạnh rằng không có bất kỳ lý do nào để biện minh cho hành vi này.

MINH ANH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/doan-ket-de-cham-dut-bao-luc-doi-voi-phu-nu-post846603.html