Đoàn kết, hòa hợp, hòa giải dân tộc là động lực tạo nên những thắng lợi tiếp nối

*Vũ Tiến Điền
Tỉnh ủy viên, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Phước

BPO - Cách đây 48 năm, chiến thắng 30-4 là mốc son chói lọi của lịch sử dân tộc Việt Nam, thành quả trường kỳ kháng chiến của cả dân tộc, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, khép lại một giai đoạn đất nước bị chia cắt, dân tộc bị chia rẽ… Dấu ấn lịch sử ấy đã mở ra vận hội mới, đất nước hòa bình và dân tộc Việt Nam bước vào thời kỳ đổi mới, tiến lên xây dựng xã hội chủ nghĩa. Chính sức mạnh đoàn kết, chiến lược hòa hợp, hòa giải dân tộc đang đưa đất nước ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Trước tình hình mới, Ðảng ta tiếp tục khẳng định: Chính sách đại đoàn kết, hòa hợp, hòa giải dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là động lực và nguồn lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tăng cường khối đại đoàn kết, hòa hợp, hòa giải toàn dân tộc trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức do Đảng lãnh đạo. Đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống yêu nước, nhân nghĩa, khoan dung để tập hợp, đoàn kết mọi người Việt Nam ở trong và ngoài nước, tăng cường quan hệ mật thiết giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước, tạo sinh lực mới của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Đoàn kết, hòa hợp, hòa giải dân tộc là một chủ trương, chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước ta, được nhân dân Việt Nam, bạn bè quốc tế công nhận. Sự thực đó không một thế lực nào, thủ đoạn tuyên truyền nào có thể xuyên tạc, phủ nhận. Đây là phương châm, cơ sở để củng cố, duy trì, phát huy khối đại đoàn kết dân tộc; tạo sự đồng lòng, huy động mọi nguồn lực để bảo vệ và xây dựng đất nước theo định hướng chủ nghĩa xã hội. Thống nhất cùng gác lại quá khứ (không phải bỏ qua quá khứ), hướng đến tương lai rộng mở và tạo môi trường để mọi tầng lớp nhân dân, các dân tộc, trong đó kể cả những người từng tham gia hoạt động, làm việc trong bộ máy chính quyền địch có cơ hội nhìn nhận lại, biết lầm đường lạc lối, biết cầu thị để hướng đến, có những đóng góp, cống hiến cho mục tiêu, lợi ích chung của cả dân tộc. Từ sau chiến thắng lịch sử mùa xuân năm 1975 đến nay, chủ trương, chính sách ấy ngày càng mở rộng, được các cấp, ngành, địa phương hiện thực bằng những giải pháp rất cụ thể.

Xe tăng T-59 mang số hiệu 390 húc đổ cổng chính Dinh Độc Lập, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước - Ảnh: Life

Xe tăng T-59 mang số hiệu 390 húc đổ cổng chính Dinh Độc Lập, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước - Ảnh: Life

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Bình Phước là địa bàn chiến lược, căn cứ địa của Quân giải phóng miền Nam Việt Nam, là nơi khởi phát Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975. Những năm tháng ấy, cùng với lực lượng quân chủ lực, bộ đội địa phương, đồng bào 41 dân tộc anh em ở Bình Phước đã phát huy truyền thống yêu nước, cách mạng, đóng góp sức người, sức của, đùm bọc, che chở, nuôi giấu bộ đội Cụ Hồ, “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, tham gia nhiều chiến dịch lớn làm chấn động chính quyền Sài Gòn và chính giới Mỹ. Thành công vẻ vang trong cuộc kháng chiến vì hòa bình, độc lập, tự do là kết quả tất yếu của sự phát huy khối đại đoàn kết dân tộc trong sự nghiệp cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng, đặt lợi ích dân tộc lên trên hết.

Trong công cuộc xây dựng đất nước hiện nay, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Bình Phước luôn bám sát, triển khai chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc, tôn giáo, phát huy đại đoàn kết các dân tộc, hòa giải, hòa hợp dân tộc, coi đó là động lực, cơ sở để thực hiện các mục tiêu, kế hoạch của Đảng bộ tỉnh đặt ra. Cùng với thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia, Bình Phước hiện đang thực hiện những cuộc vận động lớn, phong trào thi đua phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc. Điển hình như phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Chung tay vì người nghèo”, “Chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Giảm 1.000 hộ nghèo dân tộc thiểu số”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” hay các đợt cao điểm “92 ngày đêm nâng cao hiệu quả cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến; đẩy mạnh chuyển đổi số để phát triển chính quyền số”, phiên chợ không dùng tiền mặt, khu phố không dùng tiền mặt... Hiện nay, Bình Phước đã hoàn thành quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt cao với mức gần 9%; toàn Đảng bộ phấn đấu đến năm 2025 trở thành tỉnh công nghiệp, thuộc nhóm các tỉnh phát triển nhanh và bền vững, có quy mô kinh tế khá trong vùng Đông Nam Bộ…

Lãnh đạo huyện Bù Đăng tặng quà hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện

Lãnh đạo huyện Bù Đăng tặng quà hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện

Thắng lợi trong những năm tháng chiến đấu bảo vệ quê hương, đất nước và thành quả trong giai đoạn đổi mới mà tỉnh Bình Phước đạt được là nhờ luôn bám sát, triển khai chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về củng cố, thắt chặt đoàn kết toàn dân tộc, hòa hợp, hòa giải dân tộc. Ở khía cạnh nhìn nhận lịch sử, quá khứ và đại thắng lịch sử mùa xuân năm 1975 chỉ có một, dù bất cứ ai cũng không được phép quên lịch sử đấu tranh hào hùng, những mất mát của các thế hệ cha anh, những đồng bào dân tộc thiểu số trong cả nước đã hy sinh vì mục tiêu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Chúng ta luôn nhớ để tri ân, coi đó là động lực để bảo vệ, dựng xây đất nước trong thời bình. Chúng ta nhớ lịch sử ấy để thấy ý nghĩa và giá trị của thời bình, thấy được cần tiếp tục xuyên suốt chủ trương, chính sách hòa hợp, hòa giải, đoàn kết dân tộc của Đảng, Nhà nước ta, coi đó là động lực để phát huy giá trị lâu bền, giá trị của chiến thắng lịch sử 30-4.

Trong thực hiện chủ trương, chính sách đoàn kết toàn dân tộc, hòa hợp, hòa giải dân tộc, cần chú trọng tuyên truyền, giáo dục giá trị lịch sử gắn với những thắng lợi, thành quả của cả dân tộc đạt được trên cơ sở sau khi giành được thắng lợi ấy, đó là đất nước đổi mới, phát triển như ngày nay. Giáo dục lịch sử, gắn với những thành quả hôm nay của đất nước, nêu cao vai trò của mỗi người dân, mỗi tổ chức, dân tộc, các tôn giáo trong duy trì khối đại đoàn kết dân tộc, hòa hợp, hòa giải dân tộc sẽ tạo nên nhận thức đúng đắn, ý chí và hành động, mọi thế hệ cùng hướng đến mục tiêu, khát vọng chung của cả dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng, đó là hòa bình, độc lập, hùng cường, thịnh vượng. Chính sách hòa hợp, hòa giải dân tộc được thực hiện kiên trì, xuyên suốt là nền tảng thành công của chúng ta, góp phần huy động mọi nguồn lực của cả dân tộc. Qua đó, những người từng có nhận thức lệch lạc, có cái nhìn khác về tiến trình đổi mới và hội nhập của đất nước ta sẽ dần có nhận thức đúng đắn về lịch sử, hiểu rõ giá trị của chiến thắng lịch sử 30-4-1975, hiểu rõ thành tựu to lớn mà Đảng, Nhà nước, toàn dân, toàn quân ta đạt được trong 48 năm qua kể từ ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Khối đại đoàn kết toàn dân tộc dưới đường lối đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam ngày thêm vững mạnh là điều kiện tiên quyết để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Phước lần thứ XI, góp phần xây dựng quê hương Bình Phước và Tổ quốc Việt Nam ngày càng văn minh, giàu đẹp.

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/32/143676/doan-ket-hoa-hop-hoa-giai-dan-toc-la-dong-luc-tao-nen-nhung-thang-loi-tiep-noi