Đoàn kết là sức mạnh!
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặc biệt đề cao, coi trọng vai trò của Nhân dân và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Người khẳng định, 'Trong bầu trời không gì quý bằng Nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của Nhân dân'! Thấm nhuần lời dạy của Người, suốt 90 năm qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa đã thực sự trở thành cầu nối gắn kết và phát huy sức mạnh vật chất, tinh thần toàn dân trong công cuộc xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước.
Đồng chí Phạm Thị Thanh Thủy, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh:
Đồng chí Phạm Thị Thanh Thủy, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, tặng quà cho các hộ dân thôn Bót, xã Minh Sơn (Ngọc Lặc). Ảnh: phan Nga
Đây cũng là nội dung xoay quanh cuộc trao đổi giữa Báo Thanh Hóa với đồng chí Phạm Thị Thanh Thủy, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, nhân kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất (MTDTTN) Việt Nam.
Phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc
Phóng viên (PV): Thưa đồng chí, vì sao có thể khẳng định, sự ra đời của thống nhất MTDTTN Việt Nam là một đòi hỏi khách quan của lịch sử?
Đồng chí Phạm Thị Thanh Thủy:
Cách đây 90 năm, giữa lúc phong trào cách mạng 1930-1931 mà đỉnh cao là Xô viết Nghệ Tĩnh đang diễn ra rầm rộ trong cả nước, ngày 18-11-1930, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra chỉ thị thành lập Hội Phản đế đồng minh, đây là hình thức đầu tiên của MTDTTN Việt Nam. Sự kiện đánh dấu sự phát triển về chất của phong trào yêu nước, của khối đại đoàn kết toàn dân trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. MTDTTN ra đời nhằm đoàn kết các giai tầng trong xã hội các tổ chức chính trị, các cá nhân, phát huy truyền thống yêu nước, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phấn đấu cho mục tiêu giải phóng dân tộc, xây dựng xã hội hòa bình ấm no, tự do, hạnh phúc.
Ra đời giữa bối cảnh đặc biệt, giữ vai trò hết sức đặc biệt và mang ý nghĩa lớn lao cả về lý luận và thực tiễn. Bởi vậy, có thể khẳng định, sự ra đời của MTDTTN Việt Nam là một đòi hỏi khách quan của lịch sử.
PV: Dù ra đời trong bối cảnh đầy khó khăn, gian khổ, song, những thành quả mà MTTQ tỉnh đạt được là hết sức to lớn và có đóng góp quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, phải vậy không thưa đồng chí?
Đồng chí Phạm Thị Thanh Thủy:
Ngay sau khi Đảng bộ tỉnh được thành lập, các hình thức hoạt động của MTDTTN đã được xây dựng. Trong đó, nổi bật nhất là các tổ chức quần chúng Nông hội đỏ, Công hội đỏ. Cùng với đó là phong trào dân chủ 1936-1939, với các cuộc đấu tranh quần chúng của Hội tương tế Ái Hữu; phong trào mặt trận phản đế cứu quốc, xây dựng các đội tự vệ, cơ sở cách mạng tiêu biểu như Chiến khu Ngọc Trạo phát triển mạnh. Đầu tháng 7 -1942, hội nghị thành lập Tỉnh ủy lâm thời quyết định thành lập một hình thức mặt trận lấy tên là “Thanh Hóa ái quốc hội”. Đến đầu năm 1943, Tỉnh ủy lâm thời quyết định chuyển “Thanh Hóa ái quốc hội” thành “Mặt trận Việt Minh Thanh Hóa”. Từ đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, quân và dân các dân tộc trong tỉnh đã nhất tề đứng lên giành chính quyền tại Thanh Hóa, góp phần cùng cả nước làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, mặc dù chính quyền Nhân dân còn non trẻ, chế độ dân chủ vừa được thiết lập nhưng đồng bào các dân tộc, tôn giáo tỉnh nhà đã đoàn kết một lòng trong Mặt trận Việt Minh kiên quyết bảo vệ thành quả cách mạng. Sự đóng góp to lớn của Thanh Hóa được Chủ tịch Hồ Chí Minh ghi nhận “Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ đến đó; tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó”. Bước vào thời kỳ đất nước thực hiện cùng lúc hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng CNXH ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, mặt trận đoàn kết Nhân dân trong tỉnh khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế, văn hóa, tiến hành cải tạo XHCN, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ, bước đầu xây dựng CNXH trong tỉnh. Đồng thời, ra sức thi đua lao động sản xuất, đóng góp lớn nhất lương thực, thực phẩm chi viện cho chiến trường miền Nam và động viên, tiễn đưa hàng trăm ngàn con em lên đường nhập ngũ. Qua đó, góp phần xứng đáng đánh bại 2 lần chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ và cùng với quân dân cả nước làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975.
PV: Tròn 90 năm ra đời và phát triển, cùng với cả nước MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa đã thực sự trở thành nơi tập hợp mọi giai tầng xã hội, vì mục tiêu chung lớn lao là xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Điều này đã được minh chứng ra sao trong bối cảnh hiện nay, thưa đồng chí?
Đồng chí Phạm Thị Thanh Thủy:
Phát huy truyền thống của vùng đất có bề dày lịch sử, giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, trải qua 90 năm xây dựng và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và cấp ủy các cấp; MTTQ và đội ngũ cán bộ làm công tác mặt trận từ tỉnh đến cơ sở luôn phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp của quê hương, đất nước, làm tròn sứ mệnh lịch sử đảng bộ, chính quyền và Nhân dân giao phó.
Theo đó, các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả và trở thành hoạt động lớn mang tính toàn dân, toàn diện, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Đặc biệt, MTTQ và các tổ chức thành viên đã đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, nay là cuộc vận động “toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và nhiều phong trào có ý nghĩa thiết thực. Với nhiều cách làm hay, sáng tạo từ các phong trào, đến nay đã có hàng trăm ha đất được hiến tặng, trên 500.000 ngày công và hàng trăm tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và nhà hảo tâm, đã tích cực hưởng ứng phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”; ủng hộ, xây dựng “quỹ vì người nghèo”, “Quỹ cứu trợ thiên tai”, “Quỹ phòng, chống COVID-19”... với hàng trăm tỷ đồng, hàng trăm tấn đồ dùng, nhu yếu phẩm kịp thời động viên các đối tượng yếu thế và đồng bào gặp thiên tai.
Riêng năm 2020, trong đợt phát động thi đua đặc biệt chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam, hệ thống MTTQ các cấp trong tỉnh đã hỗ trợ làm mới và sửa chữa 1.233 căn nhà Đại đoàn kết, trị giá gần 50 tỷ đồng. Đặc biệt, những ngày qua, hướng về miền Trung với tinh thần “tương thân tương ái”, thông qua MTTQ các cấp, các tầng lớp Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, các nhà hảo tâm đã ủng hộ gần 50 tỷ đồng tiền và hàng; trong đó, qua Ủy ban MTTQ tỉnh là gần 20 tỷ đồng, góp phần hỗ trợ, động viên đồng bào miền Trung sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống...
Cùng với việc triển khai các phong trào thi đua, các cuộc vận động, MTTQ và các thành viên đã tích cực phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, tăng cường bám sát cơ sở đưa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người dân. Đồng thời, chú trọng nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của Nhân dân để phản ánh với cấp ủy, chính quyền, hiệp thương bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp; tham gia giám sát và phản biện xã hội, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh; chủ trì tổ chức trên 1.400 hội nghị đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Nhân dân; chủ trì và phối hợp tổ chức hàng ngàn cuộc giám sát các nội dung mà cử tri và Nhân dân trong tỉnh quan tâm...
Đổi mới để phát triển!
PV: Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến công tác mặt trận. Người nhấn mạnh: “Chính sách mặt trận là một chính sách rất quan trọng. Công tác mặt trận là công tác rất quan trọng trong toàn bộ công tác cách mạng”.
Vậy xin đồng chí cho biết, hoạt động của mặt trận nói chung và những người làm công tác mặt trận nói riêng, đã và luôn có sự kế thừa, đổi mới ra sao cho phù hợp với bối cảnh hiện nay?
Đồng chí Phạm Thị Thanh Thủy:
Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”, MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa luôn vận dụng những bài học kinh nghiệm vào thực tiễn cách mạng. Đặc biệt, từ khi có đường lối đổi mới đến nay, mặt trận các cấp trong tỉnh không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đa dạng hóa các hình thức vận động, tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân... Công tác xây dựng tổ chức MTTQ các cấp được chú trọng; thống nhất vai trò của các tổ chức thành viên thành khối liên minh chính trị vững chắc. Xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác mặt trận từ tỉnh tới cơ sở bảo đảm về năng lực, trình độ, am hiểu thực tiễn. Đồng thời, phát huy vai trò, trí tuệ, kinh nghiệm của các đồng chí ủy viên ủy ban mặt trận, thành viên hội đồng tư vấn, các chuyên gia, nhà khoa học, những người có uy tín, cốt cán trong Nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền.
Những kết quả đạt được của công tác mặt trận đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần cùng Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đạt được những thành tựu to lớn và toàn diện trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh... Qua đó, góp phần khẳng định, chưa bao giờ tỉnh Thanh Hóa có được tiềm lực và vị thế như ngày nay!
PV: Thực tiễn cách mạng Việt Nam 90 năm qua đã thể hiện sức sống kỳ diệu và sức mạnh vĩ đại của tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết. Vậy thưa đồng chí, nhìn lại chặng đường vẻ vang ấy, chúng ta có thể rút ra bài học gì về công tác vận động, tập hợp quần chúng và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân?
Đồng chí Phạm Thị Thanh Thủy:
Từ thực tiễn hoạt động qua các giai đoạn cách mạng của đất nước, của tỉnh và những kết quả đạt được trong công tác vận động, tập hợp quần chúng và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân trong suốt 90 năm qua, đã góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp cách mạng, tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của MTTQ tỉnh. Đồng thời, quá trình đó đã để lại những bài học quý báu. Đó là bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định thành công của công tác mặt trận. Phát huy vai trò nòng cốt của MTTQ trong xây dựng, tập hợp, củng cố, tăng cường và mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng gắn bó thường xuyên, mật thiết với Nhân dân, xuất phát từ mục tiêu của cách mạng, lợi ích chính đáng của Nhân dân. Công tác mặt trận phải luôn gắn với công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền ngày càng vững mạnh, tạo sự đồng thuận xã hội và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; thực hiện tốt chức năng giám sát, phản biện xã hội và vai trò đại diện trước Nhân dân. Thường xuyên quan tâm, xây dựng đội ngũ cán bộ mặt trận đủ số lượng, có trình độ, năng lực vận động, tập hợp quần chúng trong thời kỳ mới.
PV: Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc đã trở thành một trong những bài học kinh nghiệm lớn và là một điều kiện bảo đảm cho thành công của cách mạng. Vậy, để có thể khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa sức mạnh đại đoàn kết toàn dân trong bối cảnh hiện nay, chúng ta cần phải làm gì thưa đồng chí?
Đồng chí Phạm Thị Thanh Thủy:
Tự hào về truyền thống vẻ vang của MTDTTN Việt Nam trong 90 năm qua. Song, trước yêu cầu của sự nghiệp đổi mới quê hương, đất nước, công tác mặt trận cũng cần đổi mới cho phù hợp. Trước hết là nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp Nhân dân về thành quả và mục tiêu của sự nghiệp đổi mới, xây dựng quê hương, đất nước. Qua đó, khơi dậy tinh thần đoàn kết, chung sức của mọi tầng lớp Nhân dân, triển khai hiệu quả Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025. Cùng với đó là đẩy mạnh và nâng cao phong trào thi đua yêu nước theo hướng thiết thực, hiệu quả. Quan tâm chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại Nhân dân, mở rộng hợp tác quốc tế. Tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên theo hướng sát dân, sát cơ sở...
PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/xay-dung-dang/doan-ket-la-suc-manh/127501.htm