Đoàn kết, nghĩa tình, trách nhiệm, vì nạn nhân chất độc da cam

Năm 2021, tròn 60 năm thảm họa da cam ở Việt Nam (10-8-1961 - 10-8-2021). Hậu quả của cuộc chiến tranh hóa học do Mỹ tiến hành ở Việt Nam đã gây ra những tác hại rất to lớn và lâu dài, đặc biệt là đối với sức khỏe con người. Giải quyết hậu quả chất độc da cam đòi hỏi một quyết tâm và nỗ lực rất lớn, trong đó vai trò của tổ chức Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin các cấp là không hề nhỏ. Nhân dịp này, phóng viên Báo Ninh Bình đã phỏng vấn ông Tạ Quang Chính, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh về hoạt động của Hội và những kết quả hoạt động vì nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua.

Lãnh đạo Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh thăm hỏi, tặng quà nạn nhân da cam huyện Yên Mô.

Lãnh đạo Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh thăm hỏi, tặng quà nạn nhân da cam huyện Yên Mô.

Phóng viên (PV): Thưa ông, tình hình nạn nhân chất độc da cam/dioxin trên địa bàn tỉnh hiện nay như thế nào?

Ông Tạ Quang Chính: Tính đến 30/6/2021, tỉnh ta có 5.165 người là nạn nhân chất độc da cam, trong đó đối tượng trực tiếp là 3.265 người; đối tượng gián tiếp là 1.900 người. Trong đó có hàng trăm trẻ em bị dị dạng, dị tật bẩm sinh, sống đời sống thực vật; nhiều phụ nữ không được hưởng hạnh phúc làm vợ, làm mẹ; nhiều người khác đang chịu đau khổ vì những căn bệnh quái ác liên quan đến chất độc da cam/dioxin; nhiều gia đình chất độc da cam đã di chứng đến thế hệ thứ hai, thứ ba, cá biệt đã có gia đình chất độc da cam đã di chứng đến thế hệ thứ tư, nhiều gia đình có từ 2 nạn nhân chất độc da cam trở lên.

Để xoa dịu nỗi đau cho các nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn tỉnh, trong những năm qua, các cấp ủy, chính quyền, ban, ngành đoàn thể trong tỉnh đã quan tâm triển khai thực hiện tốt việc giải quyết các chính sách đối với nạn nhân chất độc da cam; tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân ủng hộ việc chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam khắc phục khó khăn vươn lên trong cuộc sống; lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng tổ chức Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin các cấp trong tỉnh ngày càng vững mạnh đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ của hội trong giai đoạn mới. Trên địa bàn toàn tỉnh đến cuối năm 2020, đã có 5.139 người được hưởng chế độ trợ cấp thường xuyên, trong đó có 3.298 người là nạn nhân trực tiếp, 1.841 người là nạn nhân gián tiếp.

PV: Được biết, trong những năm qua, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin các cấp trong tỉnh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, là chỗ dựa vững chắc cho nạn nhân. Xin ông cho biết những nét nổi bật về tổ chức và hoạt động của Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin các cấp trong tỉnh thời gian qua?

Ông Tạ Quang Chính: Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh được thành lập năm 2006. Đến nay, 8/8 huyện, thành phố và 142/143 xã, phường, thị trấn của tỉnh đã có tổ chức Hội hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin với 7.011 hội viên, trong đó có 3.248 nạn nhân là hội viên.

Được thành lập sớm ở cả 3 cấp từ tỉnh đến cơ sở và hoạt động trong điều kiện rất khó khăn, nhất là trong thời gian đầu mới thành lập, nhưng với sự cố gắng, nỗ lực, năng động của đội ngũ cán bộ hội, hội viên và nạn nhân; được sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và nhân dân trong tỉnh, Hội hoạt động ngày càng đạt hiệu quả, tổ chức hội các cấp trong tỉnh ngày càng vững mạnh.

Thăm hỏi, tặng quà nạn nhân da cam huyện Yên Khánh. Ảnh: Mạnh Tuấn

Công tác tuyên truyền luôn được các cấp Hội coi trọng và đẩy mạnh, góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng; động viên các tổ chức, cá nhân ở trong nước và nước ngoài chung tay xoa dịu nỗi đau da cam, qua đó nâng cao vị thế, uy tín của Hội. Nội dung tuyên truyền tập trung vào các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với nạn nhân chất độc da cam; về thảm họa da cam và công cuộc khắc phục thảm họa da cam ở Việt Nam; về cuộc đấu tranh đòi công lý của nạn nhân chất độc da cam; về hoạt động của các cấp hội, nhất là công tác huy động nguồn lực xã hội để chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân...

Bên cạnh đó các cấp hội đã chủ động, tích cực triển khai nhiều hình thức vận động nguồn lực từ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân ở trong và ngoài tỉnh để ủng hộ, giúp đỡ nạn nhân. Hình thức chăm sóc, giúp đỡ ngày càng đa dạng như: Thăm hỏi, tặng quà; trợ cấp thường xuyên, đột xuất; khám bệnh, cấp thuốc miễn phí; tặng xe lăn, xe lắc, cho vay vốn sản xuất và hỗ trợ học bổng, giúp làm nhà, sửa nhà... nhất là các hoạt động chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam nhân "Ngày vì nạn nhân chất độc đa cam/dioxin Việt Nam" -10/8 hằng năm và "Tết vì nạn nhân chất độc da cam"... Kết quả từ khi thành lập Hội đến quý I/2021, các cấp Hội từ tỉnh đến cơ sở đã tiếp nhận và vận động các nguồn lực được trên 57 tỷ 161 triệu đồng; đã tổ chức thăm hỏi, tặng quà và giúp đỡ cho 178.584 lượt nạn nhân và gia đình nạn nhân chất độc da cam trong tỉnh.

Trong quá trình hoạt động, phong trào thi đua được tổ chức thường xuyên, hưởng ứng thực hiện có chất lượng ở các cấp Hội, trọng tâm là phong trào thi đua "Vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam" gắn với việc học tập và làm theo lời Bác và các phong trào thi đua của tỉnh, các địa phương trong tỉnh. 15 năm qua Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh và các cấp hội trong tỉnh đã đạt nhiều thành tích xuất sắc và được Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành và Trung ương Hội khen thưởng. Trong đó, Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng III năm 2016; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2012; Trung ương Hội tặng cờ thi đua năm 2018 và 9 bằng khen; UBND tỉnh tặng cờ thi đua năm 2010 và 8 bằng khen.

PV: Với phương châm "Hướng về cơ sở, hướng về nạn nhân", trong thời gian tới tổ chức Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin của tỉnh sẽ làm gì để xứng đáng với truyền thống "Đoàn kết-nghĩa tình-trách nhiệm-vì nạn nhân chất độc da cam"?

Ông Tạ Quang Chính: Trong giai đoạn 2021- 2026, các cấp hội sẽ tiếp tục quan tâm xây dựng tổ chức hội vững mạnh. Quán triệt đầy đủ những chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước; bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương để chủ động công tác tham mưu sát, đúng, kịp thời và phù hợp thực tiễn ở từng địa phương. Chú trọng công tác tham mưu cho các cấp ủy Đảng, chính quyền thực hiện tốt Chỉ thị số 43 của Ban Bí thư Trung ương Đảng "Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam" đã được cụ thể hóa tại Thông tri số 25-TT/TU của Ban thường vụ Tỉnh ủy.

Tích cực nghiên cứu và học tập, đổi mới phương thức hoạt động nhằm không ngừng nâng cao chất lượng hiệu quả công tác hội. Phối hợp chặt chẽ với các ban ngành đoàn thể liên quan để thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động nguồn lực xã hội ủng hộ giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, động viên và giúp đỡ hội viên, đặc biệt là đối với nạn nhân chất độc da cam, gắn phong trào thi đua của hội với nhiệm vụ xây dựng tổ chức Đảng, xây dựng chính quyền vững mạnh.

Phấn đấu hàng năm có 35% tổ chức hội trở lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; 40% hoàn thành tốt nhiệm vụ; không có tổ chức hội không hoàn thành nhiệm vụ. Vận động và tiếp nhận nguồn lực xã hội: Toàn tỉnh phấn đấu mỗi năm đạt từ 4 tỷ đồng trở lên. Thực hiện tốt việc luân chuyển vốn vay sản xuất không tính lãi cho các hộ nạn nhân khó khăn. Các huyện, thành phố mỗi năm có 1 gia đình nạn nhân được hỗ trợ tiền để làm hoặc sửa chữa nhà ở...

Tổ chức hội các cấp sẽ tăng cường hơn nữa sự phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể liên quan để tổ chức thực hiện tốt những chủ trương chính sách của Đảng, nhà nước đối với nạn nhân chất độc da cam và những người bị phơi nhiễm. Thực hiện tốt chức năng phản biện xã hội, sẵn sàng tư vấn, giúp đỡ các đối tượng việc giải quyết chính sách cho người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm CĐHH, không để xảy ra các trường hợp tiêu cực gây bức xúc trong xã hội. Thường xuyên nắm vững tình hình nạn nhân chất độc da cam, đặc biệt là các đối tượng yếu đau, bệnh tật, mắc bệnh hiểm nghèo, kinh tế khó khăn, nhà ở dột nát, gia đình có nhiều nạn nhân để sẵn sàng quan tâm động viên, giúp đỡ.

Cùng với đó là chủ động thực hiện chức năng tham mưu; thực hiện tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo; gắn kết chặt chẽ giữa phong trào thi của hội với các phong trào thi đua khác ở địa phương... phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ đề ra, góp phần tích cực xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền các cấp vững mạnh.

PV: Trân trọng cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn!

Xuân Trường (Thực hiện)

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/doan-ket-nghia-tinh-trach-nhiem-vi-nan-nhan-chat-doc-da-cam/d20210730085944759.htm