Đoàn Kết - nơi những khẩu sơn pháo Điện Biên 'thử lửa'
Để chuẩn bị cho Chiến dịch Điện Biên Phủ, tháng 3/1953, tại xã Đoàn Kết (Yên Thủy), Tổng Quân ủy Trung ương và Bộ Tư lệnh chiến dịch đã lựa chọn làm nơi
Để chuẩn bị cho Chiến dịch Điện Biên Phủ, tháng 3/1953, tại xã Đoàn Kết (Yên Thủy), Tổng Quân ủy Trung ương và Bộ Tư lệnh chiến dịch đã lựa chọn làm nơi "thử lửa” các khẩu sơn pháo từ 75 - 105 mm. Các khẩu sơn pháo này sau đó đều được đưa tới Điện Biên Phủ công phá quân đội Pháp ở cánh đồng Mường Thanh.
Với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, đường giao thông xóm Đồng Lạc, xã Đoàn Kết (Yên Thủy) được đổ bê tông giúp người dân đi lại thuận tiện.
Là vùng giải phóng nên ngay từ những năm 1947 - 1948, xã Đoàn Kết đã được chọn để trở thành một trong những căn cứ hậu cần quan trọng phục vụ cho chiến đấu của ta. Đặc biệt, hang Trâu trên núi Bai Bương đã được chọn làm nơi tổ chức Hội nghị Khu ủy Khu 3 để họp bàn công tác kháng chiến. Cuộc họp có sự tham gia của đồng chí Hoàng Sâm, Đại đoàn trưởng Đại đoàn 320; Thiếu tướng Văn Tiến Dũng... Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, xã Đoàn Kết là nơi đóng quân, tổ chức huấn luyện bộ đội cho các mặt trận. Tuy cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng người dân vẫn nhường nhà cửa cho bộ đội, làm kho đạn dược, kho lương thực, thực phẩm, quân y... Đặc biệt, tháng 3/1953, xã Đoàn Kết vinh dự được Tổng Quân ủy Trung ương lựa chọn làm nơi "thử lửa” các khẩu sơn pháo từ 75 - 105mm thông qua cuộc tập trận của các đơn vị bộ đội Quân khu 3 phối thuộc với Sư đoàn 320 để chuẩn bị cho cuộc quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ. Cuộc tập trận này diễn ra liên tục trong 7 ngày tại Đồng Tưa - Cửa Lũy. Đây cũng là lần đầu tiên bộ đội ta sử dụng trọng pháo và bắn đạn thật. Các khẩu sơn pháo này sau đó đều được đưa vào chiến đấu tại Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Với vị trí là địa bàn an toàn, nhân dân tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng cũng như tích cực tham gia kháng chiến, từ năm 1965 các xã trong huyện Yên Thủy đã tổ chức tiếp nhận các đơn vị quân đội về đóng quân và tổ chức huấn luyện. Thời kỳ cao điểm nhất là vào những năm 1970 - 1972, khi đó xã Đoàn Kết đã tổ chức tiếp đón 8 đợt bộ đội về huấn luyện. Qua tìm hiểu được biết, mỗi đợt về hàng nghìn người, thời điểm đó mỗi nhà có đến cả tiểu đội ở cùng. Bộ đội về đây đều được các gia đình coi như con, như cháu. Những lúc rảnh rỗi sau ngày huấn luyện, các anh tham gia giúp gia đình nhiều việc như người nhà. Anh em ai cũng muốn nhanh chóng lên đường ra mặt trận nên hăng say huấn luyện. Ở đây, các anh được huấn luyện về chiến thuật chiến đấu bộ binh từ bắn súng B40 tiêu diệt xe tăng, bắn súng, sử dụng bộc phá...
Cho đến bây giờ cũng chưa có số liệu thống kê chính thức là từng có bao nhiêu tân binh được huấn luyện ở Yên Thủy, nhưng trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, từ Yên Thủy đã có lớp lớp cán bộ, chiến sỹ sau thời gian huấn luyện đã lên đường vào Nam chiến đấu. Thời kỳ đó, nhân dân các dân tộc trong huyện ra sức lao động sản xuất, xây dựng hậu phương vững mạnh, chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam. Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, huyện Yên Thủy đã đóng góp, cung cấp 3.793 tấn lương thực, 1.149 tấn thực phẩm, 672 tấn đậu tương, 379 tấn lạc và 575 tấn thuốc lá; đào đắp 18.812 hầm, hố cá nhân cùng với 80.795m giao thông hào phòng tránh máy bay; huy động 634.000 ngày công phục vụ nhu cầu quốc phòng.
Đồng chí Bùi Văn Đức, Chủ tịch UBND xã Đoàn Kết cho biết:Phát huy truyền thống anh hùng, thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Đoàn Kết ra sức thi đua lao động sản xuất, xây dựng xã giàu mạnh về kinh tế, bảo đảm vững chắc về quốc phòng - an ninh. Năm 2023, thu nhập bình quân của xã đạt 55 triệu đồng/người, tỷ lệ hộ nghèo còn 3,9%. Trong xây dựng nông thôn mới, xã đã đạt 14/19 tiêu chí nông thôn mới nâng cao và đang tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí còn lại, phấn đấu đến năm 2025 về đích nông thôn mới nâng cao.