Đoàn kết, sáng tạo hoàn thành mục tiêu đổi mới Giáo dục
Ngành GD đã khắc phục khó khăn, cố gắng phấn đấu, cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đề ra trong Chỉ thị số 1112/CT-BGDĐT...
Với chủ đề “Đoàn kết, sáng tạo, ra sức phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ và mục tiêu đổi mới, củng cố và nâng cao chất lượng GD-ĐT”, năm học 2022 - 2023, ngành Giáo dục đã khắc phục khó khăn, cố gắng phấn đấu, cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đề ra trong Chỉ thị số 1112/CT-BGDĐT.
Những kết quả nổi bật
Năm học 2022 - 2023, ngành Giáo dục tiếp tục hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý để thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT theo yêu cầu của Nghị quyết số 29-NQ/TW. Bộ GD&ĐT tham mưu trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành các nghị định, nghị quyết đề án, kế hoạch về phát triển GD-ĐT, phân công trách nhiệm các bộ, ngành có liên quan, các địa phương trong triển khai thực hiện; qua đó, tăng cường vai trò, trách nhiệm của các bộ, ban, ngành, các cấp chính quyền địa phương trong sự nghiệp phát triển GD-ĐT.
Các sở GD&ĐT đã tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, thành phố ban hành các chính sách phát triển GD-ĐT tại địa phương; kịp thời triển khai hiệu quả chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Bộ GD&ĐT trong lĩnh vực giáo dục.
Bộ GD&ĐT đã ban hành và tổ chức thực hiện Kế hoạch tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW nhằm đánh giá toàn diện kết quả đạt được sau 10 năm triển khai thực hiện; nhận định khó khăn, tồn tại, hạn chế cần khắc phục; đề xuất các định hướng phát triển GD-ĐT trong giai đoạn tiếp theo. Từ đó, tham mưu với Bộ Chính trị ban hành văn bản mới tạo sự đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo tinh thần của Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Đến nay, cơ bản các địa phương đã triển khai tổng kết 10 năm thực hiện trên địa bàn; nghiêm túc đánh giá kết quả và tồn tại hạn chế trong quá trình thực hiện; đề xuất phương hướng, nhiệm vụ; kiến nghị tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.
Bộ GD&ĐT đã tổ chức thành công 6 hội nghị phát triển GD-ĐT vùng. Tham dự các Hội nghị có đại diện lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan liên quan và lãnh đạo Đảng, chính quyền các địa phương. Ban hành 6 Kế hoạch hành động của Bộ GD&ĐT triển khai thực hiện các Nghị quyết phát triển vùng nhằm cụ thể hóa và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thuộc lĩnh vực GD-ĐT.
Triển khai Kế hoạch số 59/KH-GS về Giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT”, Bộ GD&ĐT đã hoàn thành các báo cáo của Chính phủ gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tình hình thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT; tham gia đoàn giám sát thực hiện đổi mới GDPT tại một số địa phương. Các địa phương phối hợp chặt chẽ với Bộ GD&ĐT tham gia và chuẩn bị tài liệu phục vụ các đoàn giám sát.
Bên cạnh đó, năm học 2022 - 2023, toàn ngành Giáo dục tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình GDPT 2018 với lớp 3, 7, 10; điều chỉnh Chương trình tổng thể và Chương trình GDPT môn Lịch sử. Bộ GD&ĐT cũng chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ với các địa phương chuẩn bị sẵn sàng điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học theo Chương trình.
Chất lượng giáo dục GDPT đại trà, mũi nhọn tiếp tục nâng lên, được thế giới ghi nhận. Theo kết quả xếp hạng các quốc gia tốt nhất về giáo dục năm 2021 của USNEWS (công bố năm 2022), Việt Nam xếp thứ 59, tăng 5 bậc so với năm trước; các đoàn học sinh tham dự các kỳ thi Olympic khu vực, quốc tế năm 2023 đạt thành tích cao.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 được tổ chức đảm bảo nghiêm túc, an toàn. Phổ điểm năm nay tương đối ổn định so với hai năm trước. Đề thi bám sát chuẩn kiến thức kỹ năng, có sự phân hóa phù hợp. Kết quả thi phản ánh khách quan kết quả học tập của các thí sinh và chất lượng dạy học ở các địa phương theo vùng miền.
Xác định chất lượng đội ngũ giáo viên là một trong những yếu tố quyết định thành công của đổi mới giáo dục, Bộ GD&ĐT đã ban hành và chỉ đạo thực hiện các quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập; tiếp tục thực hiện đánh giá đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục theo chuẩn nghề nghiệp; thực hiện bồi dưỡng thường xuyên tương ứng cho từng nhóm đối tượng; triển khai lộ trình đào tạo theo quy định tại Luật Giáo dục 2019; tuyển dụng giáo viên theo chỉ tiêu biên chế được giao. Về cơ bản, đội ngũ giáo viên đảm bảo chất lượng, đáp ứng được yêu cầu đổi mới GD-ĐT hiện nay.
Để từng bước khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với Bộ Nội vụ trình các cấp có thẩm quyền quyết định bổ sung 65.980 biên chế giáo viên bổ sung cho các địa phương cả giai đoạn 2022 - 2026; phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội và các bộ, ngành có liên quan hoàn thiện báo cáo và các hồ sơ liên quan để Chính phủ trình xin ý kiến Quốc hội về việc cho phép các địa phương thiếu giáo viên, còn biên chế được tuyển dụng giáo viên mầm non, tiểu học theo chuẩn trình độ đào tạo quy định tại Luật Giáo dục 2005.
Mạng lưới, quy mô trường, lớp tiếp tục được quan tâm đầu tư. Các địa phương thực hiện rà soát, dồn dịch điểm trường lẻ, sáp nhập trường có quy mô nhỏ để tập trung đầu tư, bảo đảm điều kiện để thực hiện chương trình giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên. Chú trọng duy trì, mở rộng số lượng lớp học và bổ sung phòng học kiên cố, bán kiên cố; giảm phòng học tạm.
Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng CNTT trong quản lý, chỉ đạo điều hành và trong hoạt động dạy - học, về cơ bản đã thực hiện xác thực, định danh được hồ sơ điện tử công dân là giáo viên, học sinh trên cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục; thực hiện tích hợp dữ liệu học sinh với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để khai thác, sử dụng phục vụ Kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH, CĐ.
Bên cạnh kết quả đạt được, triển khai thực hiện kế hoạch năm học 2022 - 2023 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế liên quan đến điều kiện về đội ngũ giáo viên, nhân viên; điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học; quy hoạch mạng lưới trường lớp; công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho trẻ em, học sinh; thực hiện chế độ thông tin, báo cáo của các sở GD&ĐT với Bộ GD&ĐT…
8 bài học kinh nghiệm
Từ thực hiện nhiệm vụ năm học 2022 - 2023, nhiều bài học kinh nghiệm được rút ra. Theo đó, đầu tiên là công tác xây dựng kế hoạch - nhiệm vụ quan trọng nhất trong công tác quản lý và là cơ sở để thúc đẩy thực hiện các mục tiêu đề ra. Kế hoạch năm học cần được xây dựng linh hoạt, khả thi, tạo thuận lợi cho việc học tập của học sinh; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc thực hiện kế hoạch để kịp thời có những giải pháp tháo gỡ.
Thứ hai, thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản chỉ đạo để tạo khung pháp lý và kịp thời đôn đốc, tháo gỡ, giải quyết những vấn đề nảy sinh từ thực tiễn. Các địa phương tổ chức triển khai nghiêm túc, đồng bộ từ cơ quan chủ trì đến người thụ hưởng chính sách để nâng cao hiệu quả khi thực thi chính sách.
Tăng cường tuyên truyền phổ biến, giải đáp các vướng mắc để đồng bộ nhận thức, tạo đồng thuận trong triển khai thực hiện chính sách. Tích cực, chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp, đề xuất chủ trương phát triển GD-ĐT phù hợp với từng địa phương.
Thứ ba, tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực GD-ĐT, quản trị các nhà trường; chủ động phát hiện vấn đề nảy sinh để có giải pháp giải quyết kịp thời trong lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo, điều hành. Bám sát thực tiễn hoạt động giáo dục; nắm bắt, dự báo những diễn biến mới để kịp thời xác định, điều chỉnh một số chủ trương, chính sách, nhiệm vụ, giải pháp cho phù hợp trong quá trình triển khai.
Thứ tư, ưu tiên phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục; bảo đảm đội ngũ có đủ năng lực đáp ứng yêu cầu đổi mới GD-ĐT, có khả năng thích ứng với sự thay đổi; chủ động, tích cực tự học và tham gia bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; nêu cao tinh thần trách nhiệm, tâm huyết, tận tụy với nghề, thực sự là tấm gương cho học sinh noi theo.
Thứ năm, tăng cường hiệu quả sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước đầu tư cho GD-ĐT; tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút nguồn lực; ưu tiên đầu tư nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm để bảo đảm khả thi, tránh lãng phí về nguồn lực và nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành.
Thứ sáu, đảm bảo công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát và xử lý/kiến nghị xử lý vi phạm phải được thực hiện thường xuyên để phòng ngừa, ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực; kịp thời thanh tra, kiểm tra các vụ việc nóng, bức xúc xã hội hoặc các vụ việc báo chí đã phản ánh.
Thứ bảy, công tác truyền thông, tuyên truyền cần phải được đẩy mạnh, chủ động, song hành với các hoạt động giáo dục, tạo sự đồng thuận của toàn xã hội, trước hết là của các thầy giáo, cô giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp. Tăng cường phối hợp giữa ngành Giáo dục các cơ quan thông tấn, báo chí, phát thanh và truyền hình để cùng đồng hành trong các chủ trương, chỉ đạo, hoạt động của ngành Giáo dục.
Thứ tám, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đối với lĩnh vực GD-ĐT trên địa bàn là hết sức quan trọng, nhất là khi có sự chỉ đạo trực tiếp, sâu sát của các đồng chí bí thư tỉnh ủy, thành ủy; các đồng chí chủ tịch UBND tỉnh, thành phố. Thực tiễn cho thấy, ở đâu và khi nào, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo đối với ngành Giáo dục địa phương thì ở đó chất lượng giáo dục được cải thiện rõ rệt.
Năm học 2023 - 2024, toàn ngành Giáo dục tiếp tục thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026. Chủ đề năm học 2023 - 2024 là: “Đoàn kết, kỷ cương, linh hoạt, sáng tạo, ra sức phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ và mục tiêu đổi mới, củng cố và nâng cao chất lượng GD-ĐT”.
10 nhiệm trọng tâm được đặt ra nhằm triển khai thực hiện hiệu quả các mục tiêu trên, bao gồm:
1. Hoàn thiện thể chế, tăng cường phân cấp, phần quyền trong quản lý.
2. Thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục mầm non, GDPT và giáo dục thường xuyên.
3. Nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp.
4. Thu hút các nguồn lực đầu tư cho giáo dục.
5. Tăng cường công tác chính trị đối với nhà giáo và học sinh, sinh viên.
6. Chủ động phòng, chống và ứng phó hiệu quả với thiên tai, dịch bệnh.
7. Hội nhập quốc tế trong giáo dục.
8. Đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính trong toàn ngành.
9. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực GD-ĐT.
10. Đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua trong toàn ngành; tăng cường công tác truyền thông giáo dục.