Đoàn kết toàn dân tộc - giá trị lịch sử, văn hóa Việt Nam

Bài 1
TƯ TƯỞNG CỦA BÁC HỒ VỀ ĐẠI ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN TỘC

BPO - Việt Nam là quốc gia có nhiều thành phần dân tộc cùng sinh sống. Các dân tộc Việt Nam có truyền thống đoàn kết lâu đời trong lịch sử dựng nước và giữ nước xây dựng nên một khối cộng đồng thống nhất. Vì vậy, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định “nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”. Do những nguyên nhân khác nhau nên trình độ phát triển giữa các dân tộc không đồng đều. Vì vậy, ngay từ khi mới ra đời và trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng và Bác Hồ rất quan tâm đến vấn đề đại đoàn kết toàn dân tộc.

Cần hiểu đúng thuật ngữ dân tộc

Thuật ngữ dân tộc được hiểu theo hai nghĩa: Một là để chỉ cộng đồng người có chung ngôn ngữ, phong tục và ý thức tự giác dân tộc (“Ethnic group”, “People”); hai là chỉ một cộng đồng người có lãnh thổ riêng, nhà nước (quốc gia) riêng “Nation”, “State”. Kế thừa và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin trong điều kiện cụ thể của Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất quan tâm đến vấn đề dân tộc. Ngay sau khi Việt Nam mới giành được độc lập, để có bộ máy tham mưu Chính phủ về công tác dân tộc, ngày 3-5-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 58 thành lập Nha Dân tộc thiểu số.

Phong tục kết bạn của người M’nông, xã Thọ Sơn, huyện Bù Đăng

Phong tục kết bạn của người M’nông, xã Thọ Sơn, huyện Bù Đăng

Do cách tiếp cận khác nhau nên có khá nhiều thuật ngữ để chỉ người dân tộc thiểu số như “dân tộc tại chỗ”, “dân tộc bản địa”, “cư dân bản địa”, “dân bản xứ”. Những thuật ngữ này mang ý nghĩa khác nhau chủ yếu là để so sánh về không gian cư trú và lịch sử phát triển với những cư dân đến sau. Theo nghĩa rộng, lãnh thổ Việt Nam là không gian cư trú của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Cộng đồng 54 dân tộc là “cư dân bản địa” khi so sánh với người nước ngoài đến Việt Nam sinh sống (theo nghĩa tích cực). Theo nghĩa hẹp, mỗi vùng ở Việt Nam (Tây Bắc, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ, hoặc tỉnh) là những không gian cư trú lâu đời của một số cộng đồng tộc người thiểu số, họ được xem là “cư dân bản địa” hay “tộc người bản địa” khi so sánh với tộc người đến sau, người từ địa phương khác đến để sinh sống. Vì vậy, để tránh sự nhầm lẫn khi nói về một chủ thể (một cộng đồng tộc người hay một cộng đồng quốc gia), trong hoạt động quản lý nhà nước thường sử dụng dân tộc cụ thể (dân tộc Kinh, dân tộc S’tiêng…). Trong hoạt động nghiên cứu văn hóa dân tộc thiểu số, các nhà nghiên cứu thường sử dụng thuật ngữ tộc người A, B… (tộc người S’tiêng, tộc người M’nông…).

Ngày 4-5-2018, Bộ Ngoại giao Việt Nam có Công văn số 1231 gửi một số bộ, ngành Trung ương phản ánh việc Ngân hàng Thế giới gửi báo cáo phục vụ khóa họp lần thứ 17 Diễn đàn thường trực Liên hợp quốc về các vấn đề bản địa (UNPII-17) sử dụng nhầm lẫn “người bản địa” và dân tộc thiểu số. Ngày 2-7-2018, Ủy ban Dân tộc có Văn bản số 718/UBDT-HĐQT về việc thống nhất sử dụng cụm từ “dân tộc thiểu số” trong các văn bản và tài liệu truyền thông.

Thư mang nhiều ý nghĩ lịch sử

Hẳn nhiều người đã biết về thư của Bác Hồ gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam tại Pleiku ngày 19-4-1946. Trong thư có nội dung: “Tiếc vì đường sá xa xôi, tôi không đến dự được. Tôi tuy xa xôi, nhưng lòng tôi và Chính phủ vẫn gần gũi đồng bào. Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau.. Chúng ta phải thương yêu nhau, phải kính trọng nhau, phải giúp đỡ nhau để mưu hạnh phúc chung của chúng ta và con cháu chúng ta” (Ksor Phước, 2020, Dân tộc thiểu số Việt Nam một số khó khăn thách thức, tr.13-14).

Nếu không gặp lại tác giả cuốn sách “Dân tộc thiểu số Việt Nam một số khó khăn thách thức” - anh Ksor Phước vào sáng 17-12-2023 tại nhà riêng ở TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai (vừa là người anh, vừa là thủ trưởng: nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; nguyên Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội) và được anh tặng cuốn sách thì chắc tôi không hiểu hết về sự kiện Bác Hồ gửi thư cho Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam tại Pleiku. Tôi đã dự nhiều đại hội các dân tộc thiểu số được tổ chức ở cấp huyện, tỉnh và Trung ương nhưng luôn suy nghĩ thời kỳ ấy (tháng 4-1946), điều kiện giao thông, thông tin liên lạc rất khó khăn… làm thế nào mà Bác Hồ gửi được thư đến Tây Nguyên? Đồng bào ở Tây Nguyên biết tiếng phổ thông (tiếng Việt) rất ít, làm sao đồng bào hiểu được nội dung thư của Bác?...

Anh Ksor Phước cho biết, anh được cha của mình kể về sự kiện Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam tại Pleiku năm 1946 (Đại hội các dân tộc thiểu số phía Bắc tháng 12-1945). Lúc đó, cha của anh “chuẩn bị ra Bắc tham gia trong đoàn thanh niên các dân tộc ở Tây Nguyên để gặp Bác Hồ và tham gia Nha Dân tộc Trung ương” (tr.27-28). Trước khi đi, cha anh đã đến dự đại hội và nghe cán bộ Trung ương trực tiếp đọc thư của Bác. “Đại hội được tổ chức tại khu vực Ủy ban Hành chính tỉnh, nơi có ngôi nhà sàn nằm trong khuôn viên rất nhiều cây, có khoảng 1.000 đại biểu các dân tộc ở Tây Nguyên và các tỉnh Nam Trung Bộ đến dự. Các đại biểu đến dự đã tập trung (đứng và ngồi) cả bên trong và xung quanh nhà sàn để nghe phái viên của Trung ương đọc thư của Bác” (tr.29). “Thư của Bác do đồng chí Tố Hữu và đồng chí Bùi San đại diện Xứ ủy Trung Kỳ trực tiếp đem đến” (tr.29).

Thư của Bác được ông Nay Phin (người Gia Rai) dịch sang tiếng Gia Rai. Cha của anh Ksor Phước biết tiếng Gia Rai, Ê Đê và tiếng Pháp nên đã nhờ ông Nay Phin dịch sang tiếng Pháp. Vì vậy, qua nghe hai bản dịch bằng tiếng Gia Rai và tiếng Pháp, cha của anh Ksor Phước “rất xúc động và ngạc nhiên, vì lần đầu tiên được nghe thư của vị đứng đầu Chính phủ Việt Nam coi các dân tộc thiểu số ở Việt Nam và người Kinh đều có quyền công dân nước Việt Nam, bình đẳng như nhau; phải coi nhau như anh em ruột thịt; đất nước Việt Nam, Chính phủ Việt Nam không chỉ có người Kinh, mà là tất cả các dân tộc” (tr.28-29). Tác giả cuốn sách “Dân tộc thiểu số Việt Nam một số khó khăn thách thức” còn dẫn: “Ba tôi nói, trước 2-9-1945, dưới chế độ thực dân và nửa phong kiến, ở Tây Nguyên thực dân Pháp và chế độ phong kiến Việt Nam đều coi người các dân tộc thiểu số là “mọi”, còn công nhân làm thuê (đa số người Kinh) trong các đồn điền cà phê, chè... gọi là “kuli”. Trong xã hội bấy giờ, coi người Pháp là thượng đẳng, có quyền hành tuyệt đối cao nhất; người Kinh ở vị trí thứ hai; còn các dân tộc thiểu số ở nhóm hạ đẳng” (tr.29). Đọc đến đây tôi mới hiểu hết sự kiện Bác Hồ gửi thư cho Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam tại Pleiku ngày 19-4-1946.

Trong phần lời nói đầu của Hiến pháp năm 1946 nêu: “Đoàn kết toàn dân, không phân biệt giống nòi, gái trai, giai cấp, tôn giáo”. Ngày 9-9-1946, Bộ trưởng Bộ Nội vụ ký Nghị định số 359, xác định: “Nha Dân tộc thiểu số có nhiệm vụ nghiên cứu và giải quyết mọi vấn đề liên quan đến các dân tộc thiểu số trong toàn cõi Việt Nam, để củng cố trên nguyên tắc bình đẳng, sự đoàn kết và tương trợ giữa các dân tộc sống trên đất Việt Nam”. Đây là những giá trị to lớn không chỉ về mặt chính trị mà cả về văn hóa và lịch sử.

Điểu Điều

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/152673/doan-ket-toan-dan-toc-gia-tri-lich-su-van-hoa-viet-nam