Đoàn kết toàn dân tộc - giá trị lịch sử, văn hóa Việt Nam

Bài cuối
TĂNG CƯỜNG BỒI DƯỠNG KIẾN THỨC DÂN TỘC

Những giai đoạn quan trọng trong sự ra đời chính sách dân tộc

Ngày 27-11-1989, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 22/NQ-TW về một số chủ trương, chính sách lớn phát triển kinh tế - xã hội miền núi, đây là chính sách lớn, tiền đề để ra đời nhiều chính sách dân tộc. Nghị quyết nhấn mạnh: “Việc cụ thể hóa và tổ chức thực hiện những chủ trương, chính sách chung ở miền núi phải tính đầy đủ đến những đặc điểm về tự nhiên, lịch sử, kinh tế, xã hội, văn hóa, phong tục, tập quán của miền núi nói chung và của riêng từng vùng, từng dân tộc”.

Cương lĩnh xây dựng đất nước (năm 1991) của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội nêu rõ: “Thực hiện chính sách bình đẳng, đoàn kết, tương trợ giữa các dân tộc, tạo mọi điều kiện để các dân tộc phát triển đi lên con đường văn minh, tiến bộ, gắn bó mật thiết với sự phát triển chung của cộng đồng các dân tộc Viêt Nam”.

Tại Hội nghị lần thứ bảy, ngày 12-3-2003, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX đã ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TW về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Về quan điểm: “Đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam; là nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu và là nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm thắng lợi bền vững của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Qua 20 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, tại Hội nghị lần thứ tám, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW về tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc. Trong đó nêu rõ: “Đại đoàn kết toàn dân tộc là truyền thống quý báu, đường lối chiến lược quan trọng, xuyên suốt của Đảng; nguồn sức mạnh to lớn, nhân tố quyết định thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Sau hơn 15 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, nhất là từ khi có Nghị quyết số 22 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách lớn phát triển kinh tế - xã hội miền núi, Hội nghị lần thứ bảy, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX cũng đã ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW về công tác dân tộc. Trung ương khẳng định: “Vấn đề dân tộc và đoàn kết dân tộc là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài, đồng thời cũng là vấn đề cấp bách hiện nay của cách mạng Việt Nam. Các dân tộc trong đại gia đình Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tương trợ, giúp nhau cùng phát triển, cùng nhau phấn đấu thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Kiên quyết đấu tranh với mọi âm mưu chia rẽ dân tộc”.

Những quan điểm nêu trên tiếp tục được Trung ương phát triển. Văn kiện Đại hội XII của Đảng xác định: “Đoàn kết các dân tộc có vị trí chiến lược trong sự nghiệp cách mạng của nước ta. Tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, bảo đảm các dân tộc bình đẳng, tôn trọng, đoàn kết, giải quyết hài hòa quan hệ giữa các dân tộc, giúp nhau cùng phát triển”. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cũng chỉ rõ: “Động lực và nguồn động lực phát triển quan trọng của đất nước là khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”.

Trong quá trình thực hiện chính sách dân tộc, Trung ương và địa phương đã quán triệt, phổ biến nhiều chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc. Tuy nhiên, không ít cán bộ, công chức đến công tác ở vùng dân tộc, miền núi không biết tiếng dân tộc thiểu số, không hiểu phong tục tập quán, truyền thống văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác tuyên truyền, vận động thuyết phục đồng bào dân tộc thiểu số trong việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Ngày 9-11-2004, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 38/2004/CT-TTg về việc đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số đối với cán bộ, công chức công tác ở vùng dân tộc thiểu số; ngày 26-6-2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 771/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Bồi dưỡng kiến thức dân tộc đối với cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2018-2025”.

Không sử dụng từ ngữ nhạy cảm

Theo Lưu Đình Tuân và các tác giả (Rừng người Thượng, 2007, tr.19-20), từ “mọi” không là từ Việt cổ, cũng không là từ Hán Việt. Trong các thư tịch cổ của Trung Hoa về những vùng đất phía Nam, không có từ này (cũng không tìm thấy từ này trong các tư liệu lịch sử cổ của Việt Nam). Theo Henri Maitre (nhân vật bị phong trào N’Trang Lơng chống lại và sát hại năm 1914), ông tìm thấy từ “mọi” xuất hiện trên bản đồ lần đầu tiên là trong bản đồ do các cha cố của Đoàn truyền giáo Jésus vẽ, được in ở Nhà xuất bản Pierre Mariette tại Paris năm 1645. Bản đồ ghi: “Dân Kemoi hoang dã sống trong các vùng núi này”. Sau đó, trong bản đồ của Alexandre de Rhodes năm 1651 có một dãy núi với chú dẫn “Rumoi”. Trước đó, năm 1621, trong một tài liệu viết về Đoàn truyền giáo Paris, Cha Borri có nhắc đến những người “Kemoi”, mà ông ta giải thích là “tên gọi những người hoang dã”.

Công trình “Les Jungles Moi” nguyên bản bằng tiếng Pháp của Henri Maitre, xuất bản lần đầu năm 1912 (có thể dịch là “Rú Mọi”, hay “Rừng Mọi”, “Rừng của người Mọi”), được Lưu Ðình Tuân dịch (Nguyên Ngọc hiệu đính là “Rừng người Thượng”) được Nhà xuất bản Tri thức Hà Nội xuất bản năm 2007

Công trình “Les Jungles Moi” nguyên bản bằng tiếng Pháp của Henri Maitre, xuất bản lần đầu năm 1912 (có thể dịch là “Rú Mọi”, hay “Rừng Mọi”, “Rừng của người Mọi”), được Lưu Ðình Tuân dịch (Nguyên Ngọc hiệu đính là “Rừng người Thượng”) được Nhà xuất bản Tri thức Hà Nội xuất bản năm 2007

Có thể từ “mọi” bắt nguồn từ một từ của người Ba Na (BahNar) ở Tây Nguyên. Theo từ điển Ba Na - Pháp của Paul Guilleminet và Jules Alberty, do EFEO xuất bản năm 1963 ở Paris, “Tơmoi” có nghĩa là người lạ đối với người trong làng (étranger au village), người khách đến thăm (hote), người khách mời từ làng khác tới (invité d’un autre village). Có thể khi các nhà truyền giáo đến Tây Nguyên và tiếp xúc đầu tiên với người Ba Na, khi người Ba Na gặp các cha cố đã tự xưng mình là “Tơmoi” (là khách, người lạ đến thăm) và các nhà truyền giáo đã cho rằng những người Ba Na này tự xưng mình là “Tơmoi”, về sau biến âm thành “Kemoi”, “Rumoi”, khi tiếp xúc với người Việt bị mất tiền tố “Tơ” rồi trở thành “moi”, “mọi”.

Theo các tác giả “Rừng người Thượng”, nguyên từ đầu, những từ “Tơmoi”, “Kemoi”, “Rumoi”, “moi hay mọi” không hàm ý có nghĩa xấu, đây là từ người phương Tây chỉ người tại chỗ trên vùng Tây Nguyên. Về sau, do quan hệ bất bình đẳng nên dần dần từ này mang nghĩa xấu, khinh miệt. Cân nhắc các khía cạnh từ nguyên và lịch sử, vì vậy các tác giả đã dịch “Les Jungles Moï” thành “Rừng người Thượng”.

Hơn nửa thế kỷ sau, tác giả Cửu Long Giang và Toan Ánh (Cao Nguyên Miền Thượng, 1974, tr.555), trong phần kết luận đã nhận xét đầy ý nghĩa: “Chúng tôi nghĩ rằng sự xa cách giữa đồng bào Kinh và Thượng trong đại gia đình dân tộc Việt nếu có không phải vì chúng ta thiếu tinh thần hòa hợp, đoàn kết, cũng không phải vì có ý thức dân tộc hẹp hòi, mà chính là thiếu sự hiểu biết lẫn nhau”.

Năm 2007, Ban Dân tộc tỉnh đã có văn bản gửi Ủy ban Dân tộc, sau đó Ủy ban Dân tộc đã có văn bản gửi các bộ, ngành Trung ương và UBND các tỉnh. Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn tỉnh, một số cơ sở kinh doanh ăn uống còn dùng từ “nướng mọi”. Năm 2023, tỉnh Bình Phước đã có nhiều nỗ lực trong việc quảng bá văn hóa Bình Phước, đặc biệt Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 14-NQ/TU ngày 20-11-2023 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bình Phước đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Trong đó, về xây dựng con người Bình Phước “Hòa hợp là thể hiện tinh thần đoàn kết, hợp lại thành một khối thống nhất và sự hài hòa trong quan hệ xã hội”. Vì vậy, cần nghiên cứu lịch sử, văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam; cần tăng cường tuyên truyền để phát huy những giá trị tư tưởng, chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc của Đảng và Bác Hồ.

Điểu Điều

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/152795/doan-ket-toan-dan-toc-gia-tri-lich-su-van-hoa-viet-nam