Đoàn khảo sát của Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục làm việc với Sở Văn hóa và Thể thao TP. Hồ Chí Minh
Chiều 17/12, tại TP. Hồ Chí Minh, Đoàn khảo sát của Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Phan Viết Lượng làm Trưởng đoàn đã làm việc với Sở Văn hóa và Thể thao TP. Hồ Chí Minh về việc triển khai thực hiện Luật Điện ảnh.
Báo cáo với Đoàn khảo sát, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Thanh Thúy cho biết, năm 2023, 2024 hoạt động điện ảnh đã ghi nhận nhiều bước phát triển đáng kể, từ sự gia tăng về số lượng phim, doanh thu, những thành tựu ở các liên hoan phim quốc tế. Dù vẫn đối diện với nhiều khó khăn, nhưng ngành công nghiệp điện ảnh tại TP. Hồ Chí Minh đang trên đà phát triển, dần khẳng định vị thế không chỉ ở trong nước mà còn ở khu vực và quốc tế.
Cùng với đó là nhiều hoạt động nổi bật, đặc biệt là sự phát triển trong hoạt động sản xuất phim của các đơn vị tư nhân so với những năm trước. Dù chưa có nhiều tác phẩm thật xuất sắc về nghệ thuật, nhưng các phim ra mắt trong năm 2023, 2024 đã cho thấy sự sáng tạo và đa dạng trong nội dung, loại hình, thể hiện rõ tiềm năng và động lực phát triển của nền điện ảnh Việt Nam. Những phim này không chỉ được sản xuất với mục tiêu phục vụ thị trường trong nước, mà còn hướng đến các tiêu chí quốc tế, tham gia vào nhiều liên hoan phim lớn và giành được nhiều giải thưởng quan trọng. Đây là một tín hiệu cho thấy ngành điện ảnh Việt Nam đang từng bước khẳng định vị trí của mình trên "bản đồ" điện ảnh thế giới.
Tuy nhiên, từ thực tế tại TP. Hồ Chí Minh - nơi có hoạt động điện ảnh sôi động nhất cả nước, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP. Hồ Chí Minh cho biết, các dự án phim đề xuất sử dụng ngân sách đến từ đa dạng các Sở, ban ngành, đơn vị trực thuộc UBND Thành phố. Vì vậy, việc chỉ giao cho một cơ quan, đơn vị duy nhất là “Cơ quan quản lý dự án” phim sử dụng ngân sách Nhà nước trong trường hợp của TP. Hồ Chí Minh sẽ hạn chế cách tiếp cận đa dạng việc làm phim điện ảnh; hạn chế cả về các nguồn lực, số lượng và chất lượng của phim sử dụng ngân sách Nhà nước.
Bên cạnh đó, hoạt động quay phim ngoại cảnh có sử dụng bối cảnh công cộng trên địa bàn đang diễn ra với số lượng ngày càng nhiều, thành phần tham gia là các cơ quan, tổ chức sản xuất phim trong và ngoài nước. Tuy nhiên, việc quản lý hoạt động này gặp nhiều khó khăn do thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Các quy định pháp luật liên quan đến đầu tư đối tác công - tư (PPP) còn nhiều bất cập, thiếu tính nhất quán, gây khó khăn cho nhà đầu tư trong việc hiểu rõ quyền lợi và nghĩa vụ. Chưa có nhiều cơ chế bảo đảm quyền lợi cho nhà đầu tư, đặc biệt là trong trường hợp dự án không đạt được hiệu quả như kỳ vọng. Quy trình thủ tục phải trải qua nhiều bước, mất nhiều thời gian thực hiện…
Sở Văn hóa và Thể thao TP. Hồ Chí Minh kiến nghị xây dựng ngân sách hỗ trợ hoặc phân bổ nguồn tài chính riêng cho công tác quản lý điện ảnh tại địa phương. Hỗ trợ này không chỉ giúp cải thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, mà còn giúp các địa phương có điều kiện tuyển dụng và duy trì đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp, từ đó nâng cao chất lượng quản lý và thực hiện Luật Điện ảnh.
Đồng thời, thành lập các khu phức hợp về điện ảnh, hỗ trợ giảm thuế hoặc ưu đãi tín dụng cho các nhà đầu tư vào cơ sở hạ tầng văn hóa, điện ảnh. Tăng cường biện pháp bảo vệ bản quyền, ngăn chặn tình trạng sao chép trái phép và vi phạm quyền tác giả. Các quy định về phân chia lợi nhuận, quyền lợi kinh tế của các nhà đầu tư cũng cần được quy định rõ ràng và minh bạch, tạo ra một môi trường đầu tư an toàn và hấp dẫn cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Kết thúc cuộc làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Phan Viết Lượng đánh giá cao những thành tựu TP. Hồ Chí Minh đạt được trong lĩnh vực điện ảnh thời gian qua. TP. Hồ Chí Minh đã triển khai thực hiện Luật Điện ảnh với nhiều hoạt động cụ thể và nổi bật, tạo nền tảng vững chắc để ngành điện ảnh có thể thực hiện các dự án quy mô lớn, từ đó nâng cao khả năng sản xuất và tính chuyên nghiệp của ngành. Điều này cũng cho thấy cơ chế, chính sách đối với hoạt động điện ảnh đang ngày càng đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn.
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TP. Hồ Chí Minh là trung tâm điện ảnh lớn của cả nước, khảo sát việc triển khai thực hiện Luật Điện ảnh tại thành phố sẽ góp phần nhìn nhận về bức tranh phát triển điện ảnh của TP. Hồ Chí Minh nói riêng và của cả nước nói chung. Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố hoàn thiện báo cáo với những số liệu cụ thể về những hoạt động, có đánh giá về thực trạng, cũng như tham mưu, đề xuất cụ thể để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, sớm hoàn thiện báo cáo gửi Ủy ban Văn hóa, Giáo dục.
Để đưa Luật Điện ảnh đi vào cuộc sống, tạo điều kiện cho lĩnh vực điện ảnh phát triển hơn nữa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Phan Viết Lượng cho rằng, thời gian tới, TP. Hồ Chí Minh cần có đề án, kế hoạch cụ thể, đặt rõ mục tiêu nhiệm vụ, vấn đề liên quan đến công tác đào tạo nhân lực, xây dựng kho kịch bản, mua phim hay, bối cảnh phim… cần quan tâm bổ sung chính sách khuyến khích ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất và phát hành phim. Ngoài ra, TP. Hồ Chí Minh có nguồn lực xã hội rất tiềm năng, sự quan tâm dành cho việc đầu tư và phát triển dự án khởi nghiệp, tài năng trẻ điện ảnh khá lớn, nên cần sớm nghiên cứu để cụ thể hóa việc triển khai Quỹ hỗ trợ điện ảnh.
* Trước đó, sáng cùng ngày, Đoàn khảo sát về việc triển khai thực hiện Luật Điện ảnh của Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Phan Viết Lượng làm Trưởng đoàn đã làm việc với Hội Điện ảnh TP. Hồ Chí Minh.
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=91798