Tạo động lực mạnh mẽ để bứt tốc, phát triển

Năm 2024 khép lại, với 15/15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. Trong đó, nhiều lĩnh vực có mức tăng trưởng cao hơn so với trước COVID-19, thành tựu phát triển kinh tế - xã hội đã củng cố nền tảng, tạo đà, tạo khí thế, động lực để đất nước ta bước vào năm 2025 - năm tăng tốc, bứt phá, hoàn thành và đạt kết quả cao nhất các nhiệm vụ, chỉ tiêu của cả giai đoạn 2020 - 2025; hướng tới kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình giàu mạnh, hùng cường, thịnh vượng, văn minh của dân tộc.

Quảng Ninh đang hướng tới mục tiêu thu hút ít nhất 3 tỷ USD vốn FDI trong năm 2024. Ảnh minh họa: Hoàng Hiếu/TTXVN

Quảng Ninh đang hướng tới mục tiêu thu hút ít nhất 3 tỷ USD vốn FDI trong năm 2024. Ảnh minh họa: Hoàng Hiếu/TTXVN

Cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng mà thường xuyên, trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; sự đồng hành của Quốc hội; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự chung sức, đồng lòng của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, ủng hộ, hợp tác của bạn bè quốc tế; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với vai trò điều hành trực tiếp, kiến tạo, đã có nhiều nỗ lực góp phần quan trọng vào thành tựu chung của đất nước.

Đã nói là làm, đã thực hiện phải có kết quả cụ thể

Ngay từ đầu năm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương thống nhất chủ đề điều hành “Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững”.

Với yêu cầu “Đảng đã chỉ đạo, Chính phủ đã thống nhất, Quốc hội đồng tình, nhân dân ủng hộ, Tổ quốc mong đợi, do đó chúng ta chỉ bàn làm, không bàn lùi”, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt và triển khai nghiêm, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế -xã hội. Trong đó, Chính phủ ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới; tiếp tục thúc đẩy 3 đột phá chiến lược; 3 chương trình mục tiêu quốc gia; đảm bảo an sinh xã hội; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; giữ vững quốc phòng, an ninh; tăng cường hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế.

Trong năm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ đã xem xét xử lý gần 16 nghìn phiếu trình giải quyết công việc; Chính phủ đã ban hành 167 nghị định, 320 nghị quyết; Thủ tướng Chính phủ ban hành 25 quyết định quy phạm pháp luật, gần 1.800 quyết định cá biệt, 46 chỉ thị, 139 công điện và khoảng 3.000 văn bản chỉ đạo, điều hành. Chính phủ tổ chức hơn 1.000 hội nghị, cuộc họp, làm việc với các bộ, cơ quan, địa phương để xử lý các công việc theo thẩm quyền. Làm việc xuyên ngày nghỉ, không kể đêm hôm, sớm tối đã trở thành bình thường trong hoạt động của Chính phủ.

Cùng với điều hành công việc thường xuyên, với phương châm “dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung”, “đã nói là làm, đã cam kết là phải thực hiện; đã làm, đã thực hiện là phải có hiệu quả”, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn theo dõi sát tình hình, kịp thời điều hành chính sách tiền tệ, tài khóa và các chính sách vĩ mô. Quan tâm xử lý những vấn đề quan trọng, cấp bách, tháo gỡ các “điểm nghẽn”, khó khăn, vướng mắc phát sinh như: quản lý thị trường vàng, bất động sản, chứng khoán; thúc đẩy xuất khẩu, ngoại giao kinh tế; tiếp cận vốn tín dụng; các đề án sắp xếp đơn vị hành chính; thực hiện phong trào xóa nhà tạm, dột nát; đôn đốc thực hiện các cam kết, thỏa thuận quốc tế đã ký kết; phát triển nguồn nhân lực ngành bán dẫn…

Nhờ đó, kinh tế - xã hội nước ta trong năm 2024 tiếp tục khẳng định sự phục hồi rõ nét, đạt và vượt toàn bộ 15/15 chỉ tiêu chủ yếu: GDP tăng trưởng khoảng 7%, vượt mục tiêu Quốc hội giao, đưa quy mô kinh tế đạt khoảng 470 tỷ USD. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát dưới 4%. Các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm và có thặng dư cao. Thu ngân sách nhà nước đạt mức kỷ lục 2 triệu tỷ đồng. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt kỷ lục 810 tỷ USD, xuất siêu 24 tỷ USD.

Thu hút vốn FDI đạt khoảng 40 tỷ USD, thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút vốn FDI lớn nhất thế giới, với vốn FDI thực hiện khoảng 25 tỷ USD; nhiều doanh nghiệp, nhất là tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới quyết định đầu tư và mở rộng đầu tư tại Việt Nam với số vốn hàng tỷ USD như Nvidia, Meta... Lượng du khách quốc tế đến Việt Nam tăng khoảng 40% so với năm 2023.

Các dự án tồn đọng, kéo dài được xử lý tích cực, hiệu quả. An sinh xã hội, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân tiếp tục được nâng lên. Quốc phòng, an ninh được giữ vững và tăng cường. Việt Nam ngày càng khẳng định vị thế, uy tín trên trường quốc tế.

Đại lộ sinh đại phú

Trong năm 2024, Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ đã có hơn 80 cuộc làm việc với các địa phương để chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; trực tiếp kiểm tra, đôn đốc nhiều công trình, dự án kết cấu hạ tầng quan trọng, trọng điểm quốc gia, xử lý hơn 200 kiến nghị của các địa phương, cơ quan, đơn vị.

Riêng Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có hơn 30 chuyến công tác tới các địa phương và hầu hết là vào các ngày nghỉ cuối tuần. Mỗi chuyến công tác, Thủ tướng đều dành thời gian trực tiếp kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các công trình, dự án quan trọng, trọng điểm quốc gia, nhất là chỉ đạo giải quyết các “điểm nghẽn”, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, các dự án, công việc tồn đọng, kéo dài.

Với quan điểm “đại lộ sinh đại phú”, phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm. Cùng với phát động phong trào thi đua 500 ngày đêm hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc trước ngày 31/12/2025, trong năm 2024, dấu chân của Thủ tướng tiếp tục in trên khắp các nẻo đường, công trình, dự án quan trọng từ Bắc tới Nam. Thủ tướng đã trực tiếp động viên các bộ, cơ quan, chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu, kỹ sư, công nhân, người lao động phát huy tinh thần “vượt nắng, thắng mưa, không thua bão gió”, “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương”, “3 ca, 4 kíp”, “làm xuyên ngày nghỉ, ngày lễ, Tết”, đẩy nhanh tiến độ thi công, nâng cao chất lượng các công trình, dự án.

Hình ảnh về Thủ tướng Chính phủ với áo đẫm mồ hôi, đội nắng tại các công trường xây dựng đã trở thành quen thuộc với người dân mọi miền Tổ quốc. Nhất là vào thời điểm thời tiết khắc nghiệt và tại những vùng được coi là “túi mưa, chảo lửa”.

Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra tiến độ thi công dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra tiến độ thi công dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Nhiều người vẫn nhớ khi Thủ tướng tới kiểm tra dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, chứng kiến cảnh thi công kém phần sôi nổi và một số hạng mục chậm trễ, ông yêu cầu kiểm điểm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm theo quy định, điều chuyển, cho nghỉ công tác đối với những cán bộ gây cản trở, để xảy ra vướng mắc, chậm trễ trong triển khai dự án.

Các chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng đã tạo bước đột phá mới về phát triển hạ tầng giao thông. Cả nước đã hoàn thành, nâng tổng chiều dài đường bộ cao tốc đưa vào khai thác đến nay là 2.021 km; hoàn thành Nhà ga hành khách T2 - Cảng hàng không Phú Bài, dự án mở rộng sân bay Điện Biên; xử lý quyết liệt các vướng mắc, thúc đẩy thi công Nhà ga hành khách T3 - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành; trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam; thúc đẩy triển khai các tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc; cơ bản hoàn thành từng phần và đưa vào khai thác một phần các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh...

Điểm nhấn về phát triển hạ tầng trong năm 2024 phải kể đến việc công trình đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên) được thi công thần tốc, khánh thành sau hơn 6 tháng triển khai thay vì 3-4 năm như thông thường; xác lập kỷ lục về thủ tục đầu tư và thời gian thi công ngắn nhất; góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, khắc phục tình trạng thiếu điện cục bộ tại miền Bắc, ghi dấu ấn tinh thần dân tộc, sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị, là bài học quý cho triển khai công trình trọng điểm quốc gia.

Những dự án chiến lược về giao thông và năng lượng đã và đang tạo động lực phát triển kinh tế, khẳng định tầm nhìn chiến lược cho sự phát triển bền vững của đất nước.

Nơi sự sống nảy mầm

Những ngày cuối năm 2024, người dân các thôn Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên), Nậm Tông (xã Nậm Lúc) và Kho Vàng (xã Cốc Lầu, huyện Bắc Hà) tỉnh Lào Cai đã được dọn về ở trong những ngôi nhà mới tại khu tái thiết sau bão số 3 (bão Yagi). Những nụ cười, ánh mắt tươi vui của đồng bào nơi đây dường như đã làm nguôi ngoai nỗi đau do siêu bão Yagi gây ra. Đó cũng là minh chứng cho “sự sống nảy mầm từ cái chết” như Thủ tướng khẳng định.

Những căn nhà đầu tiên tại Khu tái định cư làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai. Ảnh: Hồng Ninh/TTXVN

Những căn nhà đầu tiên tại Khu tái định cư làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai. Ảnh: Hồng Ninh/TTXVN

Nhớ lại thời điểm bão đổ bộ vào đất liền, khả năng gây thiệt hại nặng, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, trong đêm ông nhiều lần thảng thốt giật mình khi nghe tiếng gió rít, mưa rơi. Trong bão lũ, Thủ tướng và các Phó Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp đến các địa phương để kiểm tra, chỉ đạo ứng phó, khắc phục hậu quả với tinh thần không để người dân bị đói, rét, không có chỗ ở, học sinh sớm được đến trường, người bệnh phải được cứu chữa; huy động tối đa lực lượng quân đội, công an để cứu nạn, cứu hộ, tìm kiếm người bị mất tích, vận chuyển hàng hóa viện trợ, tiếp tế; chỉ đạo khẩn trương khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 9 quyết định để hỗ trợ khẩn cấp gạo, hạt giống, hóa chất khử khuẩn, hàng hóa thiết yếu cho các địa phương bị thiệt hại giúp nhanh chóng ổn định tình hình đời sống nhân dân, khôi phục sản xuất kinh doanh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại lễ khánh thành dự án tái thiết thôn Làng Nủ; thôn Nậm Tông và thôn Kho Vàng. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại lễ khánh thành dự án tái thiết thôn Làng Nủ; thôn Nậm Tông và thôn Kho Vàng. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Vết thương do bão Yagi gây ra cho đồng bào ta đang dần được chữa lành, nhưng hình ảnh Thủ tướng Phạm Minh Chính lội xuống đầm lầy tìm kiếm người mất tích trong lũ ở Làng Nủ vẫn khiến nhiều người xúc động. Tại hiện trường vụ sạt lở, chứng kiến cảnh tang thương, Thủ tướng đã chỉ đạo phải nhanh chóng khắc phục hậu quả bão lũ. Thủ tướng yêu cầu chậm nhất tới 31/12/2024 phải hoàn thành việc xây dựng, tái thiết lại các thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên; thôn Nậm Tông, xã Nậm Lúc và thôn Kho Vàng, xã Cốc Lầu, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai.

Đặc biệt, tại thời điểm lũ ào ạt tràn về sau siêu bão Yagi, hồ thủy điện Thác Bà (Yên Bái) chứa hơn 3 tỷ m3 nước có nguy cơ vỡ, gây ra thảm họa khủng khiếp. Những người có trách nhiệm đứng trước quyết định vô cùng khó khăn - phá hay không phá đập phụ để giảm tải cho đập chính. Trong thời khắc nghẹt thở, một mặt chỉ đạo phân lũ từ thượng nguồn để giảm lưu lượng, áp lực nước xuống hồ Thác Bà, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định táo bạo cho phép phá đập phụ trong trường hợp khẩn cấp để bảo đảm an toàn toàn bộ công trình, cũng như đảm bảo an toàn hơn cho người dân hạ du. Mặc dù việc phá đập phụ không xảy ra song đã để lại bài học sâu sắc về tinh thần trách nhiệm, sự sáng suốt, quyết đoán của người đứng đầu.

Là người thường xuyên đi cơ sở, chứng kiến cảnh nhiều gia đình vẫn còn khó khăn về nhà ở, Thủ tướng băn khoăn “đất nước độc lập 80 năm rồi, chúng ta không thể để người dân vẫn ở trong những ngôi nhà tạm, dột nát”. Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước ta là “không hy sinh công bằng, tiến bộ xã hội, không hy sinh an sinh xã hội, bảo vệ môi trường để chạy theo tăng trưởng đơn thuần” và “không để ai bị bỏ lại phía sau”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương đã phát động phong trào thi đua Cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước, phấn đấu đến hết năm 2025, cả nước không còn gia đình nào phải ở trong nhà tạm, dột nát. Phong trào được hưởng ứng và lan tỏa mạnh mẽ; bước đầu giúp người dân an cư và lạc nghiệp, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Đổi mới, hội nhập để phát triển

Với phương châm “Đổi mới để bay cao, sáng tạo để vươn xa, hội nhập để phát triển”, trong năm 2024 hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế tiếp tục được đẩy mạnh, trong đó ngoại giao kinh tế là một điểm nhấn. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung đã chỉ đạo triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phát triển mạnh thị trường trong nước gắn với thúc đẩy xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường, mặt hàng xuất khẩu. Củng cố các thị trường truyền thống, bảo đảm hoạt động xuất khẩu bền vững, thúc đẩy tăng trưởng. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại tại các thị trường trọng điểm, tận dụng tối đa ưu đãi do 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) mang lại như CPTPP, EVFTA, RCEP…; đàm phán, ký kết các FTA, liên kết kinh tế mới để đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng, nhất là thị trường Halal, Mỹ La-tinh, châu Phi; tăng cường thông tin, hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng nhanh các tiêu chuẩn mới của nước đối tác xuất khẩu.

Năm 2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thực hiện 10 chuyến công tác nước ngoài dự các hội nghị, sự kiện quốc tế và thăm, làm việc tại 16 nước trên thế giới. Trong các chuyến công tác này, Thủ tướng Chính phủ tận dụng mọi thời gian và cơ hội để gặp lãnh đạo các nước, tổ chức quốc tế nhằm thảo luận các vấn đề cùng quan tâm và thúc đẩy quan hệ hợp tác. Việc xuống máy bay có ngay hoạt động và kết thúc hoạt động ra thẳng sân bay, mỗi ngày có tới 15-16 hoạt động không còn là chuyện hiếm trong mỗi chuyến công tác nước ngoài của Thủ tướng.

Đặc biệt, trong chuyến công tác tới Liên bang Nga dự Hội nghị các Nhà lãnh đạo Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) mở rộng, Thủ tướng Phạm Minh Chính có cuộc gặp “lịch sử” với Tổng thống Nga Vladimir Putin khi tất cả đoàn tùy tùng đã lên máy bay chờ cất cánh, Thủ tướng vẫn còn các hoạt động và có cuộc gặp Tổng thống Putin lúc nửa đêm; cuộc gặp vắt từ đêm 24 sang rạng sáng 25/11, sau đó Thủ tướng ra thẳng sân bay về nước, kết thúc chuyến công tác.

Hoạt động đối ngoại của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ góp phần đánh dấu bước tiến quan trọng của ngoại giao Việt Nam trong năm 2024 với việc thiết lập nhiều Đối tác Chiến lược Toàn diện và nâng cấp quan hệ với các quốc gia. Trong đó, Việt Nam đã nâng cấp quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện với Australia, Pháp và Malaysia; nâng tầm quan hệ với Mông Cổ và Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) lên Đối tác Toàn diện và thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược với Brazil. Qua đó, góp phần nâng kim ngạch xuất, nhập khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong năm 2024 đạt các con số kỷ lục.

Nắng xuân đang bừng sáng, đất nước ta vừa bước vào năm 2025 đầy tự tin, tăng tốc, bứt phá, tạo nền tảng, tiền đề để có thể tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026 - 2030, hướng tới mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Phạm Tiếp (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/tao-dong-luc-manh-me-de-but-toc-phat-trien-20250107144823181.htm