Đoàn khảo sát của Ủy ban Pháp luật làm việc với Sở Tư pháp thành phố Hà Nội

Sáng 12.5, tại Nhà Quốc hội, để có thêm thông tin phục vụ Phiên giải trình của Ủy ban Pháp luật về 'Việc thực hiện một số quy định của pháp luật về hoạt động công chứng', Đoàn khảo sát của Ủy ban Pháp luật đã làm việc với Sở Tư pháp và một số cơ quan, tổ chức có liên quan của TP. Hà Nội về nội dung này.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang điều hành cuộc làm việc.

Tham dự có Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi; đại diện Cục Bổ trợ Tư pháp, lãnh đạo Sở Tư pháp TP. Hà Nội; đại diện Hiệp hội Công chứng Việt Nam, Hiệp hội Công chứng TP. Hà Nội và một số văn phòng công chứng, phòng công chứng... trên địa bàn.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang phát biểu tại cuộc làm việc

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang phát biểu tại cuộc làm việc

Phát biểu khai mạc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang cho biết, thực hiện Kế hoạch tổ chức Phiên giải trình về hoạt động công chứng, Thường trực Ủy ban Pháp luật tổ chức làm việc với các cơ quan hữu quan của một số tỉnh, thành phố, trong đó có Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Long An, Tuyên Quang, Bắc Giang, Quảng Nam, Quảng Bình.

Mục đích của cuộc làm việc nhằm tìm hiểu về đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm và hành nghề công chứng viên; tổ chức và hoạt động của tổ chức hành nghề công chứng; việc đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm và hành nghề của công chứng viên; tổ chức và hoạt động của tổ chức hành nghề công chứng; việc thực hiện công chứng các loại hợp đồng, giao dịch theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng; trách nhiệm của các cơ quan trong quản lý nhà nước về công chứng. Trên cơ sở đó, kiến nghị với các cơ quan có liên quan các giải pháp pháp tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, khắc phục bất cập, hạn chế (nếu có) trong việc ban hành và tổ chức thực hiện pháp luật về hoạt động công chứng, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động này, đáp ứng yêu cầu bảo đảm an toàn pháp lý, phòng ngừa tranh chấp trong các hợp đồng, giao dịch, tạo lập môi trường pháp lý tin cậy cho các hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

Báo cáo việc thực hiện các quy định pháp luật về hoạt động công chứng, Giám đốc Sở Tư pháp TP. Hà Nội Ngô Anh Tuấn cho biết, xuất phát từ nhận thức đúng đắn về vị trí, vai trò của hoạt động công chứng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua, các cấp, các ngành trên địa bàn Thủ đô đã quan tâm, chỉ đạo triển khai thực hiện Luật Công chứng và đạt được nhiều kết quả tích cực. Với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội và đô thị hóa, nhu cầu thành lập các văn phòng công chứng trên địa bàn thành phố những năm gần đây rất lớn. Đến nay trên địa bàn thành phố có 122 tổ chức hành nghề công chứng phủ khắp 30 quận, huyện, thị xã, đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.

Cùng với quá trình tăng nhanh số lượng tổ chức hành nghề công chứng, Giám đốc Sở Tư pháp TP. Hà Nội cho biết, công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động hành nghề công chứng được tăng cường hàng năm, qua đó kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những thiếu sót trong hoạt động hành nghề công chứng và tổ chức tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng hành nghề cho công chứng viên, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ công chứng viên.

Toàn cảnh cuộc làm việc

Toàn cảnh cuộc làm việc

Số lượng tổ chức hành nghề công chứng tuy đã phủ khắp các quận, huyện, thị xã của Thủ đô, nhưng chất lượng và tính chuyên nghiệp chưa cao; còn hiện tượng một số tổ chức hành nghề công chứng do quá chú trọng đến việc thu hút khách hàng đã giản đơn trong trình tự, thủ tục công chứng. Có tình trạng cạnh tranh không lành mạnh của một số văn phòng công chứng, thậm chí là vi phạm quy định pháp luật công chứng; tổ chức hành nghề công chứng mở địa điểm giao dịch khác ngoài trụ sở.

Việc triển khai thực hiện chuyển đổi phòng công chứng theo quy định tại Nghị định số 29/2015/NĐ-CP cũng còn vướng mắc, lúng túng về xác định giá nhận quyền chuyển đổi, phương án xử lý tài sản bằng tiền từ các quỹ phát triển sự nghiệp, quỹ dự phòng ổn định thu nhập... để dùng chi trả trợ cấp thôi việc cho công chức, viên chức và người lao động; hỗ trợ kinh phí thuê trụ sở của phòng công chứng chuyển đổi.

Từ một số hạn chế trong thực hiện quy định pháp luật về hoạt động công chứng, Sở Tư pháp TP. Hà Nội nêu một số đề nghị cụ thể về sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật có liên quan. Trong đó, đề nghị việc đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ công chứng tại các cơ sở đào tạo phải chặt chẽ hơn, việc tổ chức kỳ thi kiểm tra kết quả tập sự hành nghề công chứng phải thực sự chất lượng. Nghiên cứu sửa đổi Luật Công chứng đối với nội dung bổ nhiệm công chứng viên theo hướng bổ nhiệm có thời hạn, sau khi hết thời hạn bổ nhiệm các công chứng viên muốn hành nghề tiếp phải tham dự kiểm tra điều kiện hành nghề để được bổ nhiệm lại. Quy tắc đạo đức nghề nghiệp hành nghề công chứng cần được sửa đổi để sử dụng như một công cụ quan trọng trong quản lý và xử lý công chứng viên vi phạm mà chưa đến mức phải miễn nhiệm hoặc xử lý hình sự.

Tại cuộc làm việc, các thành viên Ủy ban Pháp luật đã trao đổi với Sở Tư pháp, các đơn vị, cơ quan, tổ chức liên quan của TP. Hà Nội và một số công chứng viên về thực hiện các biện pháp phát triển tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn, nhất là sau khi bỏ quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng; việc thành lập và tổ chức hoạt động của văn phòng công chứng; phạm vi công chứng, nhất là phạm vi công chứng với các bản dịch; thực hiện kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm và giải quyết khiếu nại, tố cáo về công chứng theo thẩm quyền; giải quyết tranh chấp tại Tòa án đối với các tranh chấp giữa người đi công chứng với công chứng viên, văn phòng công chứng; chuyển đổi phòng công chứng...

Quan tâm đến liên thông thủ tục công chứng, một số đại biểu lưu ý, UBND, Sở Tư pháp TP. Hà Nội cần quan tâm xây dựng quy trình, cách thức thực hiện liên thông thủ tục hành chính. Bởi, việc liên thông giải quyết thủ tục hành chính sẽ không chỉ tạo điều kiện cho hoạt động công chứng, mà sẽ tạo thuận lợi cho công dân. Theo đó, công dân chỉ cần đến một cơ quan để thực hiện thủ tục công chứng thay vì phải đến 3 - 4 cơ quan như hiện nay.

Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang cho rằng, báo cáo của UBND TP. Hà Nội tương đối đầy đủ, nêu cụ thể và thẳng thắn về những vấn đề Ủy ban Pháp luật, các đại biểu Quốc hội quan tâm về hoạt động công chứng. Trên cơ sở báo cáo của UBND thành phố, các cơ quan, đơn vị đã trao đổi nhiều vấn đề liên quan từ quản lý công chứng, các tổ chức hành nghề công chứng, chuyển đổi, các loại hình công chứng, đặc biệt là cơ sở dữ liệu và các văn bản liên quan.

“Phiên giải trình tới đây được thực hiện với mục tiêu chính phục vụ sửa đổi Luật Công chứng. Nhưng loại hợp đồng nào được yêu cầu công chứng do các luật chuyên ngành quy định”. Nhấn mạnh thực tế này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật mong muốn, UBND TP. Hà Nội, Sở Tư pháp thành phố và các cơ quan hữu quan phối hợp báo cáo thêm thông tin, số liệu cụ thể; qua đó, tạo cơ sở cho Thường trực Ủy ban Pháp luật xây dựng báo cáo kiến nghị gửi đến ban soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra các dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), dự án Luật Đất đai (sửa đổi), kịp thời sửa đổi ngay các quy định hiện hành chưa phù hợp, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn.

Lê Bình

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thoi-su-quoc-hoi/doan-khao-sat-cua-uy-ban-phap-luat-lam-viec-voi-so-tu-phap-thanh-pho-ha-noi-i327786/