Đoàn khảo sát Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội làm việc với tỉnh Nam Định
Sáng 5/9, Đoàn khảo sát Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội do đồng chí Trung tướng Lê Tấn Tới, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội làm Trưởng đoàn đã làm việc với UBND tỉnh phục vụ tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ (CNCH).
Tham gia Đoàn khảo sát có đồng chí Trung tướng Nguyễn Hải Hưng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội; lãnh đạo Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định.
Tiếp và làm việc với Đoàn khảo sát có các đồng chí: Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Trần Anh Dũng, Ủy viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành và địa phương có liên quan.
Trong những năm qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, chính quyền, địa phương tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt công tác PCCC và CNCH; thành lập, kiện toàn Ban Chỉ đạo PCCC và CNCH từ cấp tỉnh đến cấp xã; giao Công an tỉnh chủ động phối hợp với các đơn vị chức năng tham mưu chính quyền, địa phương các cấp tổ chức triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Bộ Công an về công tác PCCC và CNCH. Công an tỉnh đã phối hợp với các đơn vị chức năng tích cực tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về PCCC và CNCH; tham gia ý kiến đối với các dự thảo luật, nghị định, thông tư về lĩnh vực PCCC và CNCH; tổ chức sơ kết, tổng kết việc thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về PCCC và CNCH theo quy định và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về PCCC tại địa phương.
Đặc biệt, đầu năm 2024 UBND tỉnh đã đăng ký và được Bộ Công an nhất trí về chủ trương triển khai xây dựng mô hình “Tỉnh an toàn PCCC". Bên cạnh đó, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, giáo dục pháp luật, bồi dưỡng kỹ năng về PCCC và CNCH với nhiều nội dung, hình thức phong phú, hiệu quả... Công tác xây dựng phong trào toàn dân tham gia PCCC và CNCH được phát triển sâu rộng. Hiện nay, toàn tỉnh có 2.160 đội dân phòng/2.160 thôn (xóm), tổ dân phố (đạt 100%); 3.615 đội PCCC cơ sở 3.615 cơ sở thuộc diện phải thành lập (đạt 100%); 1.770 “Tổ liên gia an toàn PCCC"; 1.415 “Điểm chữa cháy công cộng" tại các khu dân cư; đồng thời duy trì các mô hình PCCC khác, như: “Tổ dân phố an toàn PCCC", "Khu dân cư an toàn PCCC"; vận động 100% hộ gia đình trang bị bình chữa cháy xách tay...
Với việc thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt, công tác PCCC và CNCH ở tỉnh Nam Định có chuyển biến tích cực. Từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn tỉnh chỉ xảy ra 28 vụ cháy, làm bị thương 2 người, không có thiệt hại về người, thiệt hại về tài sản khoảng 9 tỷ đồng.
Tại buổi khảo sát, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận các thông tin liên quan đến những khó khăn, vướng mắc của tỉnh Nam Định trong công tác PCCC và CNCH; công tác tài chính, ngân sách, chuyển đổi số phục vụ PCCC; lực lượng tham gia PCCC ở cơ sở; PCCC đối với nhà ở kết hợp kinh doanh; phối hợp giữa lực lượng công an, quân đội trong PCCC và CNCH... Tỉnh Nam Định kiến nghị, đề xuất Chính phủ chỉ đạo phân công, phân cấp rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của các cấp, các ngành và người đứng đầu 4 cấp trong công tác quản lý Nhà nước về PCCC đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Chỉ đạo công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, các cơ quan ban, ngành, đoàn thể từ Trung ương đến địa phương phải chặt chẽ; làm rõ trách nhiệm của từng ban, bộ, ngành, đoàn thể, cơ quan. Từng ban, bộ, ngành, cơ quan, đoàn thể phải đề ra nhiệm vụ cụ thể để thực hiện công tác quản lý Nhà nước về PCCC, có kiến nghị, đề xuất cụ thể khi quá trình triển khai thực hiện có những bất cập. Căn cứ theo Nghị định số 50/2024/NĐ-CP của Chính phủ chỉ đạo phân cấp rõ các cơ sở thuộc diện quản lý Nhà nước về PCCC theo 3 cấp (tỉnh, huyện, xã), giao trách nhiệm cho các cấp trong công tác kiểm tra, đôn đốc các cơ sở thuộc diện quản lý của cấp mình. Cấp trên có trách nhiệm kiểm tra, phúc tra lại kết quả kiểm tra của cấp dưới. Bộ Công an chủ động nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác PCCC và CNCH. Tham mưu giúp Chính phủ theo dõi, đánh giá việc thực hiện của các Bộ, ban, ngành, địa phương về công tác PCCC và CNCH. Chỉ đạo công an các cấp làm tốt công tác cải cách hành chính, giám sát chặt chẽ không để xảy ra những tiêu cực trong công tác thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về PCCC. Trang cấp bổ sung các xe chữa cháy, xe cứu nạn cứu hộ, xe thang chữa cháy cao trên 32m, phương tiện, thiết bị chữa cháy, CNCH hiện đại phục vụ công tác chữa cháy và CNCH của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH tỉnh Nam Định...
Phát biểu tại buổi khảo sát, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đình Nghị khẳng định: Thời gian qua, tỉnh Nam Định luôn quan tâm thực hiện tốt công tác PCCC và CNCH theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Thời gian tới, tỉnh Nam Định sẽ tiếp tục chỉ đạo sâu sát công tác PCCC và CNCH, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, đô thị hóa nhanh của tỉnh. Trong đó, tiếp tục quán triệt thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật về PCCC và CNCN. Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, cơ quan quản lý trong công tác PCCC và CNCH. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về PCCC và CHCN đảm bảo thực chất, nhất là nâng cao ý thức PCCC từ mỗi người dân; xây dựng phong trào toàn dân tham gia PCCC và CNCH phát triển sâu rộng; đồng thời tổ chức tốt lực lượng thường trực, ứng trực, xử lý kịp thời các tình huống cháy nổ, cứu nạn. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội sớm hoàn thiện dự thảo Luật PCCC và CNCH trình Quốc hội thông qua để khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong thực tế triển khai công tác PCCC và CNCH, góp phần bảo đảm an toàn tài sản của Nhà nước, nhân dân và an toàn tính mạng của người dân.
Phát biểu kết luận buổi khảo sát, đồng chí Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới nhấn mạnh, dự án Luật PCCC và CNCH là dự án luật quan trọng, liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống, sinh hoạt của toàn bộ người dân, liên quan đến trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Đồng chí đánh giá cao công tác PCCC và CNCH của tỉnh Nam Định trong thời gian qua; ghi nhận sự chuẩn bị chu đáo của tỉnh cho buổi làm việc với đoàn và khẳng định những ý kiến, kiến nghị của tỉnh đối với dự thảo Luật PCCC và CNCH là xác đáng và sát với thực tiễn, góp phần giúp đoàn công tác có thêm nhiều thông tin có giá trị cho việc nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật PCCC và CNCH bảo đảm tính khả thi hơn. Đề nghị tỉnh Nam Định tiếp tục hoàn thiện các nội dung báo cáo, góp ý bằng văn bản thông qua Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh để hoàn thiện dự thảo Luật PCCC và CNCH.