Đoàn kiểm tra Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực làm việc tại Đắk Nông
Sáng 16/10, tại Đắk Nông, Đoàn kiểm tra số 4 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Nông. Phó Thủ tướng Lê Thành Long, Trưởng Đoàn kiểm tra chủ trì cuộc làm việc.
Tham dự có Bí thư Tỉnh ủy Đắk Nông Ngô Thanh Danh; Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng Đoàn kiểm tra số 4 Nguyễn Thanh Hải và các thành viên Đoàn kiểm tra.
Tại cuộc làm việc, Đoàn kiểm tra đã công bố dự thảo báo cáo kết quả kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện cơ chế phối hợp phát hiện xử lý tham nhũng, tiêu cực qua hoạt động kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án tại Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Nông
Đoàn công tác đã nghe các báo cáo giải trình của cơ quan chức năng và Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Các thành viên Đoàn kiểm tra số 4 cùng lãnh đạo Đắk Nông trao đổi, thảo luận để hoàn chỉnh báo cáo, đánh giá những ưu điểm để phát huy, hạn chế cần khắc phục.
Về cơ bản, các đại biểu đều bày tỏ sự đồng tình, thống nhất cao với dự thảo báo cáo kết quả kiểm tra. Từ các ý kiến tại cuộc làm việc, Đoàn kiểm tra sẽ tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn chỉnh dự thảo báo cáo để báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Lê Thành Long cho biết, trong những năm qua, các cấp ủy, chính quyền của tỉnh Đắk Nông luôn xác định công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ chính trị trọng tâm. Công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chủ trương, chính sách, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và chỉ đạo của Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nói chung và thực hiện cơ chế phối hợp phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực nói riêng ngày càng được quan tâm.
Tỉnh ủy Đắk Nông đã chỉ đạo tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng, về việc thực hiện cơ chế phối hợp phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực.
Đã ban hành văn bản cụ thể hóa việc thực hiện cơ chế phối hợp trong phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực qua hoạt động kiểm tra, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.
Qua thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, các cơ quan Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Thanh tra tỉnh và Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh đã chuyển 19 vụ việc có dấu hiệu tội phạm đến cơ quan điều tra có thẩm quyền.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, qua kết quả kiểm tra cho thấy, công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện cơ chế phối hợp, phát hiện xử lý tham nhũng trên địa bàn tỉnh Đắk Nông vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục.
Vai trò, trách nhiệm của một số cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong thực hiện cơ chế phối hợp còn hạn chế. Công tác tuyên truyền, quán triệt các chủ trương, chính sách, quy định về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nói chung và cơ chế phối hợp nói riêng có nơi còn mang tính hình thức. Tiến độ xác minh, điều tra, giải quyết một số kiến nghị khởi tố vụ án của các cơ quan điều tra trong tỉnh còn chậm do công tác thu thập hồ sơ, tài liệu, phối hợp trong giám định, định giá giữa các cơ quan gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, tỉnh cần tập trung làm rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan để có các giải pháp khắc phục, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp phát hiện và xử lý tham nhũng trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.
Tỉnh Đắk Nông cần quán triệt nghiêm túc các chỉ đạo của Trung ương, đặc biệt là chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tiêu cực đã nêu rõ quyết tâm chống tham nhũng "không ngừng", "không nghỉ", "không có vùng cấm", "không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai"; phòng chống tham nhũng, tiêu cực phải phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, không vì đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực mà ảnh hưởng, cản trở phát triển kinh tế-xã hội.
Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh quan điểm, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế dân sự; trong xử lý vụ việc tồn đọng thì rạch ròi công-tội, xác định rõ có yếu tố vụ lợi hay không, quan hệ nhân quả giữa hành vi và hệ quả.
Tỉnh cần chỉ đạo tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong việc phát hiện xử lý tham nhũng, tiêu cực.
Trong quá trình kiểm tra, thanh tra, thi hành án, nếu phát hiện vi phạm thì chuyển ngay hồ sơ vụ việc đến cơ quan điều tra có thẩm quyền để điều tra, xử lý theo quy định của pháp. Chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh quan tâm giải quyết kịp thời, dứt điểm khiếu nại, tố cáo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.
Đối với những kiến nghị của Đoàn công tác số 4, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện có hiệu quả, tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác phát hiện và xử lý tham nhũng trong thời gian tới.