Đoàn kiểm tra liên ngành Trung ương ghi nhận nỗ lực của Đà Nẵng về bảo đảm an toàn thực phẩm
Làm việc tại Đà Nẵng, Đoàn kiểm tra liên ngành Trung ương số 05 do Bộ Công Thương chủ trì ghi nhận nỗ lực của địa phương về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm.
1.950 cơ sở được cấp mã QR Code truy xuất nguồn gốc thực phẩm
Theo Ban chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm thành phố Đà Nẵng, công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm được thành phố tiến hành thường xuyên, liên tục trong năm. Trong 4 tháng đầu năm 2022, các cấp, các ngành của thành phố đã thanh tra, kiểm tra 7.551/21.401 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, tàu cá trên địa bàn thành phố (đạt tỷ lệ 35,28%), xử phạt vi phạm hành chính 66 trường hợp với số tiền 559,43 triệu đồng.
Cũng trong 4 tháng đầu năm, toàn thành phố đã kiểm tra cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho 356 cơ sở, 18 tàu cá. Lũy kế đến nay, đã cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho 5.169/5.169 cơ sở, đạt tỷ lệ 100% cơ sở được phân cấp quản lý. Bên cạnh đó, các cấp, các ngành của thành phố đã lấy 30 mẫu thực phẩm để kiểm tra các chỉ tiêu hóa lý và vi sinh; kết quả 28 mẫu đạt yêu cầu, 02 mẫu không đạt yêu cầu.
Đáng chú ý, thành phố Đà Nẵng đã triển khai dự án truy xuất nguồn gốc thực phẩm (giai đoạn 1) trên địa bàn thành phố. Đây là một hợp phần nằm trong Dự án xây dựng thành phố thông minh giai đoạn 2019-2025, định hướng 2030.
Trong 4 tháng đầu năm 2022, dự án đã triển khai cập nhật thông tin, dán tem truy xuất nguồn gốc thực phẩm chuỗi thịt heo đối với 5 doanh nghiệp; đồng thời, tổ chức cấp mã QR Code truy xuất nguồn gốc thực phẩm đối với 1.950 cơ sở sản xuất, kinh doanh, kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn thành phố.
Bên cạnh việc triển khai công tác đăng ký xây dựng chợ đảm bảo an toàn thực phẩm trong năm 2022; trong quý II/2022, thành phố sẽ triển khai xây dựng, hướng dẫn và xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn; hỗ trợ, hướng dẫn, tạo điều kiện cho các cơ sở tham gia Chương trình thí điểm cam kết cung ứng thực phẩm an toàn trong việc xây dựng, quảng bá thương hiệu sản phẩm đạt chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm.
Theo đánh giá của Đoàn kiểm tra liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm do Bộ Công Thương chủ trì (Đoàn kiểm tra số 05), công tác chỉ đạo bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2022 được thành phố Đà Nẵng quan tâm ở tất cả các cấp địa phương.
Ban chỉ đạo liên ngành an toàn thực phẩm thành phố đã chủ động, quan tâm sát sao, chỉ đạo các đơn vị trong địa bàn thành phố tổ chức thực hiện đồng bộ công tác bảo đảm an toàn thực phẩm theo các nội dung yêu cầu của Kế hoạch số 375/KH-BCĐTƯATTP của Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Công tác kiểm tra tiến hành đồng bộ giữa các sở, ngành, đã kịp thời chấn chỉnh, xử lý các cơ sở chưa thực hiện nghiêm túc các quy định vì an toàn thực phẩm. Công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, kiến thức và pháp luật về an toàn thực phẩm cho nhân dân đã được các cấp, các ngành triển khai được tổ chức dưới nhiều hình thức đa dạng, dễ tiếp cận, phù hợp với các đối tượng, diễn biến tình hình dịch Covid-19 và được đẩy mạnh vào các dịp cao điểm.
Kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm
Đoàn liên ngành số 05 cũng ghi nhận một số khó khăn của thành phố Đà Nẵng trong quá trình triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm của địa phương như sau: Việc đảm bảo an toàn thực phẩm tại một số chợ còn hạn chế do điều kiện về cơ sở vật chất xuống cấp, điều kiện bảo quản thực phẩm chưa phù hợp với nhóm sản phẩm.
Việc thực hiện quản lý an toàn thực phẩm ở cấp quận huyện và xã phường còn khó khăn, hạn chế do thiếu công chức chuyên trách, nên phần lớn là kiêm nhiệm, đồng thời số lượng cơ sở phân cấp quản lý nhiều. Việc thực hiện quản lý thực phẩm theo chuỗi cung cấp còn hạn chế do sự gắn kết và lợi ích của các đối tượng tham gia chuỗi chưa hài hòa, người nông dân chịu nhiều thiệt thòi.
Các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố và dịch vụ tiệc cưới lưu động, phần lớn hoạt động ngoài giờ hành chính vào ban đêm, sáng sớm, ngày thứ bảy, chủ nhật và luôn thay đổi địa điểm nên việc quản lý, kiểm tra không thuận lợi. Đồng thời, đối với cấp xã không có nhân sự để kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm. Vì vậy, cần có cơ chế và nguồn lực phù hợp để quản lý đối tượng này.
Sau khi ghi nhận báo cáo của Ban chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm thành phố Đà Nẵng và thực tế kiểm tra doanh nghiệp trên địa bàn thành phố, ông Nguyễn Việt Tấn, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương, Trưởng đoàn kiểm tra số 05 đề nghị, Ban chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm thành phố chỉ đạo cơ quan chức năng tiếp nhận báo cáo của cơ sở sản xuất thực phẩm được Đoàn tiến hành kiểm tra, thực hiện rà soát và kiểm tra những phát hiện được nêu tại Biên bản kiểm tra cơ sở đối với các đơn vị này.
“Nếu phát hiện vi phạm, đề nghị xử lý theo quy định; báo cáo kết quả kiểm tra làm rõ những phát hiện trên về Đoàn kiểm tra số 05 (Bộ Công Thương)” - ông Nguyễn Việt Tấn lưu ý.
Trưởng Đoàn kiểm tra số 05 cũng đề nghị, Ban chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm thành phố Đà Nẵng và các sở ban ngành liên quan tiếp tục tăng cường kiểm tra, hậu kiểm và kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm quy định an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Cùng với đó, tiếp tục tăng cường phổ biến các văn bản của Nhà nước về thực hiện các quy định bảo đảm an toàn thực phẩm được triển khai đến các đối tượng trong địa bàn thành phố để việc thực hiện được kịp thời, đạt hiểu quả cao hơn; đẩy mạnh hơn công tác thông tin truyền thông tới các cơ sở sản xuất hoạt động mang tính chất thủ công, nhỏ lẻ, thời vụ, có tần suất thay đổi nhân công thường xuyên, từ đó nâng cao nhận thức của người dân trong sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm.
Quỳnh Nga