Đoàn PV báo chí tham quan thực tế Thành Nhà Hồ
Ngày 12/5, Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Thanh Hóa và Sở Văn Hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh phối hợp với UBND huyện Vĩnh Lộc tổ chức cho gần 60 phóng viên, nhà báo thuộc các cơ quan báo chí trung ương đóng trên địa bàn tham quan thực tế tại Thành Nhà Hồ - Di sản văn hóa thế giới.
Thành Nhà Hồ (Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) được xây dựng vào năm 1.399, dưới triều đại vua Hồ Quý Ly. Đây là một công trình xây dựng bằng đá kỳ vỹ, độc đáo nhất khu vực Đông Nam Á. Trải qua 700 năm với bao sự tác động của tự nhiên, chiến tranh và con người nhưng Thành Nhà Hồ vẫn tồn tại uy nghi. Năm 2011, Thành Nhà Hồ được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới.

Cổng thành hình vòm cuốn được xây dựng bằng các khối đá hình thang cân xếp vào nhau với tỉ lệ chính xác gần như tuyệt đối.
Đại diện Trung tâm bảo tồn di sản Thành Nhà Hồ cho hay, để khai thác và phát huy giá trị độc đáo của Di sản Thành Nhà Hồ, thời gian qua, nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn đã và đang được được triển khai trong khu vực di sản. Hiện nay, Trung tâm đã đưa vào khai thác trưng bày “không gian văn hóa nông nghiệp vùng Tây Đô”, với mục đích trưng bày và giới thiệu đến công chúng, nhất là thế hệ trẻ hiểu hơn về nông cụ canh tác truyền thống, về đời sống mộc mạc chân chất, tinh thần lao động cần cù, sáng tạo của người nông dân, chứa đựng những nét sinh hoạt văn hóa dung dị, thuần phát của con người, của làng quê Việt Nam góp phần chung tay gìn giữ những giá trị di sản văn hóa vật chất, tinh thần và những tinh hoa của tiền nhân.

Những viên đạn đá được khai quật ở khu vực Thành Nhà Hồ.
Ngoài phòng trưng bày bổ sung các di vật, hiện vật liên quan đến vương triều Hồ, cuộc khai quật, khảo cổ học trong khu vực nội thành Thành Nhà Hồ đã có được nhiều kết quả quan trọng, góp phần minh chứng giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản thế giới Thành Nhà Hồ. Những hiện vật thu được từ cuộc khai quật, khảo cổ học đã tự mình nói lên câu chuyện văn hóa của nhiều triều đại nối tiếp nhau trong lịch sử tồn tại và phát triển của kinh thành Tây Đô.
Để tiếp nối và phát huy những giá trị bất biến từ những hiện vật khai quật được, đồng thời đem những giá trị đó đến gần hơn với cộng đồng và công chúng, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ đã đưa vào khai thác “không gian trưng bày hiện vật ngoài trời”, trưng bày “mô hình súng thần công và những cải cách của triều Hồ”, khai thác “không gian trưng bày đá xây thành” làm điểm check in mới tại Cổng Nam.
Tổ chức các chương trình giáo dục di sản cho các em học sinh trên địa bàn huyện Vĩnh Lộc nhằm đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục truyền thống, lịch sử của dân tộc, phát huy tính tích cực, năng động, sáng tạo, trong tuổi trẻ học đường thông qua các hoạt động học tập và vui chơi lành mạng, góp phần định hướng lối sống đẹp, ý thức tôn trọng, giữ gìn và phát huy những giá trị bản sắc văn hóa của địa phương, quê hương, đất nước.

Đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, góp phần lan tỏa giá trị văn của Di sản Thành Nhà Hồ.
Hiện nay Trung tâm bảo tồn di sản Thành Nhà Hồ đã và đang đưa các di tích phụ cận trong vùng đệm vào chương trình tham quan tại Di sản với việc xây dựng 4 tuyến tham quan như: Tuyến 1: Thành Nhà Hồ - Về miền Di sản; Tuyến 2: Thành Nhà Hồ - Và các làng truyền thống; Tuyến 3: Thành Nhà Hồ - Tâm linh vùng đệm; Tuyến 4: Thành Nhà Hồ - Di tích và thắng cảnh vùng đệm. Bởi lẽ đây là khu vực chứa đựng tất cả các yếu tố văn hóa, góp phần tạo nên tính hoàn chỉnh cho một kinh thành, với các công trình tín ngưỡng, đình miếu, các ngôi làng truyền thống, những con đường cổ, khu chợ, bến sông, các thắng tích gắn liền với những câu chuyện lịch sử, dã sử, các thắng cảnh thiên nhiên nước lạc non bồng... từ đó giúp du khách có cái nhìn trực quan nhất về đất và con người Tây Đô.

Đoàn tham quan các cơ quan báo chí chụp ảnh lưu niệm tại cổng Nam, Thành Nhà Hồ.
Thành Nhà Hồ là một ví dụ nổi bật về một quần thể kiến trúc giữa một cảnh quan thiên nhiên, minh chứng cho sự phát triển nở rộ của Nho giáo thực hành cuối thế kỷ 14 của Việt Nam ở một thời kỳ mà tư tưởng này đã lan rộng khắp Đông Á và trở thành một triết lý có tầm ảnh hưởng lớn đối với việc cai trị trong khu vực. Việc sử dụng những khối đá lớn chứng tỏ sức mạnh tổ chức của một Nhà nước tân Nho giáo, cho thấy sự giao lưu về kỹ thuật xây dựng trong khu vực Đông Nam Á và sự thay đổi hướng trục chính làm nên điểm khác biệt về thiết kế của Thành Nhà Hồ so với chuẩn mực Trung Hoa.