Hòa Bình: Đánh thức tiềm năng, thế mạnh phát triển văn hóa, du lịch
Hòa Bình là vùng đất tươi đẹp, phong cảnh thiên nhiên hữu tình và sở hữu nhiều tiềm năng để phát triển văn hóa, du lịch. Với những nguồn tài nguyên tự nhiên và văn hóa đa dạng, phong phú, du lịch Hòa Bình có đầy đủ điều kiện để 'cất cánh', mở ra nhiều cơ hội để thu hút đông đảo khách trong nước, quốc tế đến trải nghiệm, khám phá.

Thiên nhiên thơ mộng và hùng vỹ của hồ Hòa Bình
Tiềm năng phát triển du lịch, văn hóa của Hòa Bình
Với vị trí là “cửa ngõ” phía Tây Bắc của thủ đô Hà Nội, Hòa Bình được biết đến là tỉnh có nền văn hóa truyền thống lâu đời, với nhiều tiềm năng du lịch hấp dẫn và phong phú. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình hiện đang có 64 di tích lịch sử, danh thắng được quyết định công nhận; bao gồm 40 di tích cấp quốc gia, 24 di tích cấp tỉnh. Bên cạnh đó, Hòa Bình còn là cái nôi của cộng đồng người Việt cổ gắn liền cùng các xứ Mường nổi tiếng “Mường Bi, Mường Vang, Mường Thàng, Mường Động” với hàng chục lễ hội cộng đồng dân tộc độc đáo.
Hòa Bình là một vùng đất giàu di tích lịch sử, văn hóa cùng với phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ, tráng lệ, được thiên nhiên ưu đãi với nhiều sông, hồ, thác nước, đồi núi trùng điệp tạo nên nhiều động đẹp như thác Bờ, Hang Rết, động Hoa Tiên, vùng rừng nhiệt đới nguyên sinh… Các địa điểm hút du khách tham quan như khu sinh thái rừng đầu nguồn Núi cô, thác Giăng, vùng hồ Hòa Bình, gồm 47 hòn đảo lớn, nhỏ với nhiều loài động, thực vật quý hiếm.


Di tích Quốc gia Động Hoa Tiên, xóm Ngòi, xã Suối Hoa, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình
Đặc biệt, Khu du lịch hồ Hòa Bình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch là Khu du lịch quốc gia có diện tích 52.000ha; trong đó diện tích mặt nước khoảng 8.000ha với hàng chục đảo và bán đảo tạo nên phong cảnh non nước hữu tình, là điều kiện thuận lợi để phát triển các loại hình du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, thể thao, giải trí.

Khu du lịch hồ Hòa Bình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch Khu du lịch quốc gia, trải dài trên 200km từ Hòa Bình tới Sơn La
Hòa Bình còn là cái nôi văn hóa của người Việt, là nơi bảo tồn, lưu giữ hàng trăm chiếc trống đồng và gần 10 nghìn chiếc chiêng quý giá. Hòa Bình cũng là nơi sản sinh và còn lưu giữ những áng Mo sử thi "Đẻ đất - Đẻ nước" của người Mường.

Hòa Bình lưu giữ gần 10 nghìn chiếc chiêng quý giá
Mỗi dân tộc ở Hòa Bình có bản sắc văn hóa riêng thể hiện trong phong tục, tập quán, kiến trúc nhà ở, trang phục, dân ca, dân vũ, nhạc cụ truyền thống… đặc sắc, nền văn hóa Hòa Bình có từ thời tiền sử, vùng đất nổi tiếng với bốn mường Bi, Vang, Thàng, Động. Các dân tộc sống trên vùng đất này có những nét văn hóa riêng biệt tạo nên các sắc thái đa dạng mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc.

Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường
Ngoài ra, Hòa Bình có 05 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là Mo Mường, Nghệ thuật Chiêng Mường, Lễ hội Khai hạ, Tri thức dân gian Lịch Tre của dân tộc Mường và Tập quán xã hội và tín ngưỡng Keng Loóng của người Thái Mai Châu, đây là những lợi thế để du lịch Hòa Bình phát triển.
Trong đó, Di tích khảo cổ Hang xóm Trại (xã Tân Lập) và Mái đá làng Vành (xã Yên Phú), huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình được phát hiện và từng bước khai quật từ lâu. Đây là đại diện tiêu biểu cho các di sản khảo cổ, di sản của nền “văn hóa xứ Mường Hòa Bình”; có giá trị lịch sử, văn hóa độc đáo, đặc sắc, thể hiện đời sống sinh hoạt, lao động của các thế hệ cư dân cổ tại Hòa Bình; là niềm tự hào và là nguồn tài nguyên du lịch quý giá của tỉnh Hòa Bình nói riêng và Việt Nam nói chung.

Hang đá Trại, xã Tân Lập được tu bổ, tôn tạo phục vụ khách thăm quan, nghiên cứu, học tập về văn hóa Hòa Bình
Từ đầu năm đến nay, Hòa Bình tiếp tục là điểm đến được đông đảo du khách trong nước và quốc tế yêu thích, lựa chọn. Lượng du khách tăng cao nhất là vào dịp cuối tuần và kỳ nghỉ lễ. Đặc biệt, dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5/2025, các khu, điểm du lịch trong tỉnh đã đón trên 300.000 lượt khách, tổng thu từ hoạt động du lịch ước đạt 220 tỷ đồng, tăng tương ứng 53,8% và 60,5% so với cùng kỳ năm trước. Một số khu, điểm thu hút lượng du khách "bùng nổ", như: Mai Châu, Tân Lạc, Kim Bôi, Cao Phong...
Tạo bước đột phá cho du lịch Hòa Bình "cất cánh"
Với thế mạnh là du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, cộng đồng, du lịch thể thao và văn hóa tâm linh. Hòa Bình cũng đã chú trọng nâng cao chất lượng loại hình du lịch tâm linh trên Khu du lịch Hồ Hòa Bình và các huyện: Lạc Thủy, Cao Phong, Tân Lạc, Đà Bắc, Lạc Sơn… Tiếp tục đầu tư phát triển du lịch cộng đồng của đồng bào các dân tộc Mường, Thái, Dao, Tày, Mông mới tại các địa phương có tiềm năng như: Mai Châu, Đà Bắc, Tân Lạc, Cao Phong, Lạc Sơn để thu hút khách.

Di tích Mái đá làng Vành ở xã Yên Phú, huyện Lạc Sơn, Hòa Bình, là di tích tiêu biểu thời kỳ đồ đá được phát hiện, khai quật từ năm 1929; xếp hạng di tích khảo cổ cấp Quốc gia Đặc biệt tháng 7/2004
Để thực hiện mục tiêu, kế hoạch phát triển du lịch năm 2025 và những năm tiếp theo, tỉnh Hòa Bình dành nguồn lực ưu tiên đầu tư hạ tầng kỹ thuật đồng bộ và nâng cao chất lượng các dịch vụ du lịch. Trong đó, chú trọng phát triển du lịch văn hóa, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản của địa phương, tập trung phát triển sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, du lịch thể thao chất lượng cao.
Mặt khác, nhằm thu hút đầu tư du lịch, tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho du khách, tỉnh Hòa Bình đã đầu tư các bến cảng, tuyến đường 2 bên ven hồ Khu du lịch hồ Hòa Bình để kết nối các tuyến điểm; tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh trở thành điểm tham quan du lịch; đẩy mạnh xúc tiến, xây dựng dự án, sản phẩm du lịch chất lượng để khai thác tiềm năng, thu hút thêm nhiều du khách đến với tỉnh, phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh.
Đối với thị trường khách quốc tế, tỉnh Hòa Bình chú trọng xây dựng các sản phẩm về du lịch cộng đồng, du lịch làng nghề thủ công truyền thống, du lịch nghỉ dưỡng, thể thao, giải trí...
Hòa Bình từng bước xây dựng chiến lược phát triển sản phẩm, xây dựng thương hiệu du lịch tỉnh gắn với hình ảnh đặc trưng, mang bản sắc văn hóa các dân tộc, tập trung khôi phục và xây dựng các làng nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, đan lát, sản xuất rượu cần, sản xuất hàng lưu niệm… để phục vụ khách du lịch. Phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp như xây dựng trang trại trồng các loại cây ăn quả, trồng hoa và các loại rau củ quả, nuôi trồng thủy sản, kết nối vùng, xây dựng chương trình du lịch nông nghiệp tạo điểm đến tham quan, trải nghiệm và mua sắm.
Để thu hút thêm nhiều lượt khách đến với Hòa Bình, đồng thời kéo dài thời gian lưu trú và tăng mức chi tiêu của khách, việc xây dựng, tạo ra những sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn có ý nghĩa then chốt. Tỉnh Hòa Bình đã ban hành Đề án phát triển Khu du lịch hồ Hòa Bình thành Khu du lịch quốc gia, Đề án cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu thành ngành kinh tế mũi nhọn, Đề án phát triển du lịch cộng đồng gắn với phát triển nông thôn mới tỉnh Hòa Bình đến năm 2030, Đề án Phát triển du lịch tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030 nhằm thúc đẩy phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, phù hợp và đáp ứng yêu cầu, tính chất của ngành kinh tế tổng hợp, hoạt động theo cơ chế thị trường. Đề án bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường giai đoạn 2023-2030.
Cùng với đó, việc lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận "Văn hóa Hòa Bình" là di sản thế giới cũng đang được chú trọng, ưu tiên các nguồn lực, lồng ghép nguồn ngân sách nhà nước đầu tư hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông đến các khu, điểm du lịch, nhất là các bến cảng du lịch, tuyến đường ven hồ Khu du lịch hồ Hòa Bình để kết nối các điểm du lịch, tạo thuận lợi về giao thông phục vụ nhà đầu tư du lịch, du khách và người dân địa phương; đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng du lịch, có cơ chế, chính sách đặc thù thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực này.
Mặt khác, tỉnh Hòa Bình cũng đã xây dựng chiến lược xúc tiến quảng bá du lịch theo hướng dài hạn, chuyên nghiệp và hiệu quả. Trong đó, đẩy mạnh quảng bá du lịch trên các kênh truyền thông và nền tảng mạng xã hội facebook, tiktok, zalo, cổng thông tin du lịch thông minh, ứng dụng khoa học công nghệ và số hóa trong tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến hình ảnh, sản phẩm du lịch trên các phương tiện thông tin đại chúng, tranh thủ sự hỗ trợ của các doanh nghiệp thực hiện phủ sóng điện thoại và lắp đặt mạng wifi miễn phí cho một số khu, điểm du lịch quan trọng.
Đại diện Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hòa Bình cho biết: "Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung phát triển nhiều loại hình du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng, văn hóa, thể thao. Mở rộng các môn thể thao truyền thống của đồng bào thiểu số cũng như tổ chức các giải đua xe đạp, giải golf mang tầm quốc tế khu vực; phát triển thêm môn dù lượn để tăng sức cạnh tranh sản phẩm du lịch của tỉnh Hòa Bình với các tỉnh khác".

Bà Quách Thị Kiều - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hòa Bình
Bà Quách Thị Kiều - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hòa Bình cho rằng, cần tiếp tục tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy đảng, chính quyền trong việc triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp, từ tuyên truyền, phổ biến chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về du lịch nhằm nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của du lịch, hình thành nhiều phong trào văn hóa, thu hút đông đảo quần chúng tham gia, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự xã hội và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, thúc đẩy kinh tế phát triển.
Ông Nguyễn Văn Toàn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình nhấn mạnh: “việc xây dựng và phát triển văn hóa, du lịch Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Từ đó, tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong đời sống xã hội; nhận thức về vị trí, vai trò của văn hóa, du lịch được nâng lên, hình thành nhiều phong trào văn hóa, thu hút đông đảo quần chúng tham gia, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự xã hội và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, thúc đẩy kinh tế phát triển”.
Đặc biệt, tỉnh Hòa Bình cũng sẽ chú trọng công tác quy hoạch phát triển du lịch; ưu tiên đầu tư hạ tầng du lịch trong Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình, Khu du lịch Mai Châu và những địa phương có tiềm năng du lịch như Lạc Sơn, Kim Bôi, Lạc Thủy. Đặc biệt, các dòng sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng - chữa bệnh - chăm sóc sức khỏe; du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch tâm linh, du lịch thể thao, du lịch cộng đồng… sẽ được tập trung phát triển.
Với sự nỗ lực của chính quyền, người dân và doanh nghiệp đã giúp ngành du lịch trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có chuyển biến mạnh mẽ, thu hút doanh nghiệp, các thành phần kinh tế đầu tư, xây dựng các sản phẩm mới, bước đầu khai thác hiệu quả tiềm năng lợi thế, từ đó, mở ra nhiều cơ hội cho du lịch Hòa Bình "cất cánh".
Hòa Bình trở thành đại diện duy nhất của Việt Nam được một tạp chí uy tín của Mỹ bầu chọn là điểm đến hấp dẫn nhất thế giới năm 2024. Du lịch Hòa Bình đang "sải cánh” trên hành trình đích đến năm 2025 với mục tiêu đón 4,9 triệu lượt khách, trong đó có 1 triệu lượt khách quốc tế; tổng thu từ du lịch đạt 5.400 tỷ đồng.