Đoản thiền cuối năm
'Đoản thiền' là những đoản văn, ghi lại những cảm nhận về đời sống bằng con mắt thiền. Mà cũng chẳng cần phải gọi đấy là 'thiền'. Chẳng cần phải dán nhãn, đặt tên cho nó nữa. Bạn gọi nó là gì cũng được, miễn sao khi đọc, bạn thấy không vô ích.
Đoản 1: Ai dùng ai?
Sáng thức dậy trong tiếng thúc giục của tụi nhỏ. Chúng sắp đến giờ vào lớp mà có vẻ vì vài lý do trong giấc mơ đêm qua nên tôi dậy muộn hơn thường ngày. Thế là luống cuống, ra đường mà quên luôn cả ví và điện thoại. Tôi chỉ nhận ra mình quên khi ngồi ăn sáng, chuẩn bị rút tiền trả. May là bà bán hàng cũng "OK. cho nợ", sau một cái lườm... rách khóe mắt.
Thời 4.0, quên điện thoại, bạn bè gọi không thấy bắt máy có khi lại hiểu lầm. Họ nghĩ mình quên thì tốt, nghĩ mình vướng một sự kiện/sự cố nào đó cũng tốt. Chỉ sợ họ nghĩ: Lão này chảnh rồi, giờ chẳng nghe máy mình. Mà đấy, nói về chuyện hiểu lầm thời 4.0 lại nhớ vài năm trước cái Facebook cũ bị hack. Một người anh không vào được, nhưng không nghĩ là nó bị hack, mà lại nghĩ: "Cậu này dám block (hủy kết bạn) với ta đây. Thế là anh nổi trận lôi đình, viết cả một status dài hạch tội "dám block" anh, tự tưởng tượng ra lý do đã block anh, rồi nhân tiện, chỉ trích hàng loạt những chuyện âm ti củ tỉ của tôi mà trong mắt anh là rất "đáng chỉ trích".
Mãi sau, qua một người bạn tôi mới biết chuyện này. Cảm giác lúc đó là thương anh và sau đó là thấy hơi đáng tiếc. Không thể nghĩ nổi một người có năng lực tư duy sâu sắc như anh lại có lúc bị ảo giác của cái tôi che mờ tới mức lầm lạc như vậy. Tôi thường nhớ lại câu chuyện này không phải là để nhớ... anh ấy, mà là để tự răn mình. Phải cố sao để mọi sự đáng tiếc (dù không tránh được) cũng chỉ ở mức cực tiểu, trong năng lực có thể của mỗi cá nhân.
Chúng ta sống là để thưởng thức đời sống, chứ không phải để tạo nên những sinh tồn đáng tiếc với nhau.
Trở lại chuyện quên ví và điện thoại, quên thế kể cũng hay. Bởi, cả ngày hôm ấy, cái ví sẽ không sử dụng được tôi. Tiền sẽ không sử dụng được tôi. Cái bạn iPhone vĩ đại (nhưng cũng đáng sợ) không sử dụng nổi tôi. Cách đây vài chục năm, thiền sư Thích Nhất Hạnh đứng trước một cửa hàng bán đồ ở Tokyo, chuẩn bị mua những sợi dây lụa về buộc sách. Cô bán hàng hỏi: Ngài chọn được sợi dây nào chưa? Thiền sư trả lời: Tôi đâu có chọn. Tôi đang đợi, để những sợi dây chọn mình!
Thoạt nghe thì khó hiểu nhưng thực ra rất đơn giản. Bình thường tâm ta đã mang sẵn những ấn tượng vào một màu sắc, một kích thước, một hình khối nào đó. Một sợi dây nào đó bắt trúng những ấn tượng này sẽ nhảy vào tâm ta và đưa ra một quyết định chọn lựa. Chúng ta lấy vợ, lấy chồng và đưa ra rất nhiều quyết định khác trong đời cũng theo cách này. Ta tưởng là mình đang chọn vợ/chồng nhưng chính cái đối tượng bên kia mới đang chọn ngược lại ta. Ta tưởng mình ăn thức ăn, nhưng chính thức ăn mới ăn ta. Ta tưởng mình dùng tiền bạc/điện thoại nhưng chính tiền bạc/điện thoại mới đang dùng ta.
Hôm nay, ít nhiều thì ví và điện thoại sẽ không có cơ hội dùng tôi nữa. Tôi tự dùng tôi. Hay tôi tự thưởng thức tôi?
Khi tâm trở về thân, kết nối bền chặt vào thực tại thì an lạc bắt đầu.
Đoản 2: Mắt thiêng
Đêm, một người chị đang thực hiện nhiệm vụ quốc tế ở châu Phi gửi cho tôi bức ảnh chụp chung với những đứa trẻ, trước cổng một trường học. Chúng nghèo, rất nghèo. Lại sống ở một đất nước đang có nhiều xung đột. Nhưng, chúng vẫn dắt díu nhau đến lớp, mỗi ngày. Tôi nhìn sâu, thật sâu vào đôi mắt chúng. Những đôi mắt trong trẻo, thánh thiện hệt như đôi mắt của những thiên thần khác ở Paris, London, New York, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh... Những đôi mắt mà không một sự tàn phá nào có thể cướp đi sự trong veo. Những đôi mắt luôn cười với ta, cười với người, cười trước cả những sự đỏng đảnh trêu ngươi của số phận.
Thượng đế hóa ra rất công bằng. Thượng đế tạo ra những đôi mắt thiên thần như nhau trong lòng những chủng người, những dân tộc và những hoàn cảnh khác nhau. Tính thiêng của đời sống nhiều khi nằm ở những chỗ rất đời thường và rất anh linh như thế. Tính thiêng của đời sống cứu rỗi một phần nào đó những tội lỗi mà lũ người lớn tự gây ra với nhau.
Rồi những thiên thần sẽ lớn lên.
Rồi những đôi mắt sẽ khác đi.
Nhưng, những năm tháng mà năng lượng thánh thiện của những đôi mắt ấy tỏa vào vũ trụ vẫn sẽ được lưu giữ và tạo nên một quầng sáng nho nhỏ - bay đi bay lại, bảng lảng trong lòng vũ trụ. Nhờ thế vũ trụ không sụp đổ.
Tôi rất chú ý tới em bé đứng đầu tiên trong bức ảnh. Em không mặc đồng phục như bạn bè còn lại, mà mặc một cái áo sơ mi ố vàng. Tự nhiên, tôi buột miệng với một con người khác ở bên trong con người mình: Trông em khá bảnh!
Sáng nay tôi mặc một chiếc áo len màu trắng - lâu lắm rồi mới mặc lại cái màu mà ngày xưa tôi yêu. Cậu con trai thấy thế thì thầm vào tai tôi:
- "Trông ông khá bảnh"
Ai dám bảo đời sống mất tính thiêng?
Đoản 3: Có một gã ăn mày…
Chiều hôm qua, tôi ngồi cà phê trên phố Trần Hưng Đạo. Cà phê rất tệ và với tôi, đấy là một điều nuối tiếc. Vì sự hành hạ của cái dạ dày mà bây giờ mỗi tuần tôi chỉ được uống nhiều nhất 2 tách cà phê, cho nên dính phải cà phê dở là rất phí "quota". Có một cách để không phí, đó là cứ chọn những quán ruột mà vào, khổ nỗi có những khi bận công việc, không thể quay về quán ruột, lại có khi cái máu phiêu lưu nổi lên và thế là tôi đánh cược: Cứ vào một quán rất mới, rất lạ, thử xem cà phê ở đây có phụ mình không. Theo nghĩa đó, chiều qua là một cuộc đánh cược thất bại và như đã thừa nhận, tôi có phần nuối tiếc.
Nhưng, người bạn chung bàn (chứ không chung giường) bất chợt chỉ vào ngôi nhà bên cạnh quán cà phê, nói rằng, nơi đó có một vòm cây mát xanh, rủ xuống từ ban công tầng 2. Phía dưới vòm cây là một bức tường Hà Nội bàng bạc màu rêu phủ. Tôi dồn toàn bộ thị giác vào khung cảnh đó và thấy một cảm giác rất an lành. Cây trong phố, vườn trong phố, thiên nhiên trong phố, tâm hồn vũ trụ trong lòng phố - ai mà không yêu cho được.
Tôi đặt cái tâm an lành đang hiện hữu bên cạnh cái tâm nuối tiếc vừa thoáng qua (vì tách cà phê dở) và nói với người ngồi chung bàn: Cái tâm thứ hai đang thắng cái tâm thứ nhất.
Người bạn cười, chẳng nói gì Hoặc, người ấy chẳng biết gì cả, hoặc người ấy là một vĩ nhân ẩn mình. Thôi kệ, tôi tự nhìn sâu vào trong mình, soi lại dòng chuyển động giữa hai cái tâm, một cái tâm thứ ba bất ngờ ánh lên. Cái tâm ấy nói với tôi rằng, khoảnh khắc an lành kia rất vô thường. Một xíu nữa thôi, khi tôi đi khỏi chỗ này, thoát khỏi vòm cây tươi xanh mầu nhiệm đang bao phủ hồn mình, cái tâm ấy sẽ tắt dần. Tắt dần. Tắt dần. Rồi tắt hẳn. Cái tâm nào cũng thế thôi, tất cả đều vô thường. Cho nên kẹt vào tâm nuối tiếc, tâm buồn tủi, tâm khổ đau cũng dở, mà kẹt vào tâm an lành, tâm vui vẻ, tâm hoan hỉ cũng dở. Đức Phật nói rằng, con người chỉ giải thoát khi con người chẳng kẹt vào bất cứ cái tâm nào.
Nhưng, làm thế nào để không kẹt vào một cái tâm an lành, dễ chịu đây? Nếu tôi nhất nhất không kẹt vào nó thì tôi đã là Phật, chứ chẳng phải là một kẻ ngồi đây, gõ những dòng vớ vẩn này. Ừ, làm thế nào bây giờ?
Đúng 30 phút sau, tôi rời quán cà phê để tới gặp một thiền sư, vì đã có hẹn từ trước. Nhân tiện, tôi hỏi thiền sư câu hỏi trên. Sau vài giây im lặng, thiền sư cười - nụ cười rất đẹp, rồi bảo tôi:
- Anh an lạc thì cứ an lạc đi, anh đau khổ thì cứ đau khổ đi, anh luyến tiếc thì cứ luyến tiếc đi. Nhưng, cố gắng an lạc trong chánh niệm, đau khổ trong chánh niệm, luyến tiếc trong chánh niệm.
Trời! Câu trả lời hay quá. Thôi chết, tôi lại đang kẹt vào cái tâm đang cảm thấy "hay quá". Nhưng, theo đúng tinh thần của vị thiền sư, nếu kẹt vào nó trong chánh niệm thì con người có lẽ cũng sẽ có được sự bình thản khi nó vô thường trôi qua.
Chẳng biết guồng máy tâm thức của tôi đã hoạt động kiểu gì nữa, chỉ biết rằng sáng nay thức giấc, rất tự nhiên, có hai câu thơ vang lên trong đầu. Mà tôi cũng không biết có nên gọi nó là thơ không (xin lỗi rất nhiều nhà thơ chuyên nghiệp), thôi thì cứ chép lại để lưu giữ khoảnh khắc mà một cái tâm nào đó ẩn sâu trong mình như được đánh thức lên.
Có một gã ăn mày
Chợt ngồi nghe mây bay...
Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/khoa-hoc-van-minh/doan-thien-cuoi-nam-i679023/