Đoạn trường vinh hoa - nước mắt và nụ cười của người nghệ sĩ
Đèn bật sáng trong phòng chiếu sau 50 phút phim soi tỏ những đôi mắt đỏ hoe. Bởi 'vinh hoa' nào cũng có những 'đoạn trường' và tự bản thân những 'đoạn trường' ấy đã chứa đựng thật nhiều 'vinh hoa' lấp lánh…
Đoạn trường một bộ phim…
“Đoạn trường vinh hoa” - đó tên một dự án văn hóa, phim tài liệu thực tế đặc biệt do Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện, nằm trong khuôn khổ dự án VTV Ðặc biệt. Dự án phim về đề tài văn hóa truyền thống này nhận được sự đồng hành của Quỹ FAMLAB (Phim, Nhạc và Lưu trữ) nằm trong Hợp phần 2 của dự án Di sản kết nối của Hội đồng Anh dành cho các cá nhân, các nhóm thực hành nghệ thuật và các tổ chức tại Việt Nam hoặc Vương quốc Anh có tiềm năng tạo ra ảnh hưởng bền vững và lâu dài cho các cộng ồng di sản văn hóa, nghệ thuật. Sau hành trình công chiếu tại một số tỉnh thành, ngày 11/11/2020, “Đoạn trường vinh hoa” sẽ lên sóng VTV Đặc biệt.
“Đoạn trường vinh hoa” được quay trong 18 tháng với hơn 100 giờ quay. Bối cảnh của “Đoạn trường vinh hoa” là một cuộc rong ruổi của những người nghệ sỹ mang lời ca, tiếng hát của mình đến với khán giả là người dân vùng quê các tỉnh miền Tây. Vào mỗi dịp lễ Kỳ Yên, các thành viên trong gánh hát Phương Ánh, mỗi người một nơi, người ở Cần Thơ, người ở Sóc Trăng, người ở Bạc Liêu lại gói ghém đồ đạc, phục trang biểu diễn tụ họp về các đình thần, vừa là để biểu diễn phục vụ người dân, vừa là để trả lễ cho ông tổ nghề, cầu mong sự bình an, đủ đầy và hạnh phúc.
Những ông hoàng, bà chúa trên sân khấu nhưng cũng là những người lao động chân lấm tay bùn, chật vật với đời sống mưu sinh khi bức màn sân khấu hạ xuống. Nhân vật chính trong phim là nữ bầu gánh hát tuồng cổ ở Cần Thơ - nghệ nhân Phương Ánh. “Đoạn trường vinh hoa” là những thước phim chân thật về một nghệ nhân yêu nghề, sống chết với nghề, ngay cả khi đường cùng, bế tắc.
Nói về nhân vật đặc biệt trong phim, đạo diễn Lê Mỹ Cường cho biết, anh bị cuốn hút khi vô tình xem được bức ảnh nghệ sĩ đoàn tuồng cổ Phương Ánh trong chiếc áo khoác cũ đang tô son điểm phấn trước giờ lên sân khấu. Hình ảnh đó cứ thôi thúc anh khám phá điều tiềm ẩn của văn hóa Nam Bộ mà với một đạo diễn 9X gốc Hà Nội như anh cảm thấy lạ lẫm. Anh tiếp cận gánh hát tuồng cổ Phương Ánh, kiên trì đi chung khi gánh rong ruổi hát Kỳ Yên từ đình này sang đình khác. Tấm lòng trân quý văn hóa của nhóm làm phim trẻ đã chạm đến trái tim của nữ bầu gánh. Nghệ nhân Phương Ánh đã gật đầu để họ quay những thước phim đầu tiên.
Trong suốt quá trình làm phim, đoàn làm phim không chỉ đồng hành mà còn hòa vào cuộc sống của gánh hát để phản ánh lại cuộc sống, đam mê, tâm tư, tình cảm của họ một cách gần gũi. Qua đó, tính cách của từng nhân vật được bộc lộ một cách chân thực nhất. Nói như chia sẻ của đạo diễn Lê Mỹ Cường: “Phim ghi lại diễn biến cuộc sống như những mảnh ghép. Chúng tôi tìm đến họ với tâm thế tò mò, muốn ghi nhận cuộc sống của họ, không hề có định kiến về sự khổ sở. Chỉ có sự chân thành và cầu thị mới giúp chúng tôi bỏ sang một bên những định kiến của bản thân, để hiểu và trân trọng những nhân vật của mình, và sau cùng là có thể kể lại câu chuyện về cuộc đời của họ gần nhất với cách mà họ đã sống”.
Ngày 18-19/10 vừa qua, dự án phim tài liệu “Đoạn trường vinh hoa” đã có hai suất công chiếu đầu tiên tại Hà Nội, lấy đi nước mắt của nhiều khán giả đến xem phim. “50 phút phim với rất nhiều những cung bậc cảm xúc khác nhau. Khi đèn bật sáng, tôi thấy mắt mọi người đỏ hoe, tôi biết phần nào đó chúng tôi đã chạm được đến cảm xúc của khán giả” - đạo diễn Lê Mỹ Cường chia sẻ.
Và “vinh hoa” của một con người
Sau phần chiếu phim tại Hà Nội, khán giả còn được trực tiếp giao lưu với nghệ sỹ Phương Ánh nhân vật chính của phim. Nữ nghệ sĩ quê ở Ðồng Tháp, sinh ra trong gia đình có truyền thống hát bội, cải lương, cha mẹ đều là nghệ sĩ giỏi nghề. Em trai là NSƯT Chiêu Hùng, anh trai là nghệ sĩ hài Quốc Việt; các dì, cậu cũng là nghệ sĩ tuồng cổ có tiếng. Mười tuổi, nghệ sĩ Phương Ánh theo người cậu là ông bầu gánh hát bội Phước Tấn và theo nghề từ đó, tới nay đã hơn nửa thế kỷ.
Ðầu năm 1980, nghệ sĩ Phương Ánh thành lập gánh hát Quê hương Ðồng Tháp nhưng không lâu thì rã gánh. Không nản chí, bà lập tiếp đoàn Du Sĩ Ca nhưng cũng giải thể không lâu sau đó. Nợ nần, đói khổ, nghệ sĩ ly tán, đó là những thời điểm tưởng chừng đã lấy đi hết nước mắt của nữ bầu gánh tài sắc. Vậy mà khi vừa mới có chút ổn định kinh tế, năm 2004, nữ nghệ sĩ lại lập gánh hát tuồng cổ Phương Ánh, bởi không thể bỏ nghề “Nghỉ hát thấy trong lòng bứt rứt lắm, muốn bệnh luôn. Tối mà được hóa trang, mặc áo mão lên sân khấu diễn là thấy khỏe khoắn – bà tâm sự với báo giới.
Ở tuổi 64, nữ nghệ sĩ Phương Ánh vẫn đau đáu màn nhung, thiết tha ánh đèn sân khấu. Sống trong phòng trọ chật ních gần chân cầu Bình Thủy 2, Cần Thơ, nhóm lưu diễn thì vận chuyển bằng xe gắn máy cũ, y phục, đạo cụ, phông màn... gói gọn bỏ trong ống nước nhựa treo trên xe, tới nơi diễn thì ăn ngủ tạm bợ, ngay cả nhà riêng của nữ nghệ sĩ cũng đã bán để lo cho đoàn hát gượng nổi tới hôm nay, nhưng Phương Ánh chưa bao giờ chùn bước. Nữ nghệ sĩ vẫn nhắc đến sân khấu, nhắc về hát bội bằng sự yêu quý, kính trọng và quyết tâm giữ gìn.
Vĩ thanh
Vì sao bộ phim lại mang tên “Đoạn trường vinh hoa”? Lý giải đạo diễn Lê Mỹ Cường nói rằng, anh không thể quên 4 câu thơ mà anh đọc được ở chùa Nghệ sĩ TP Hồ Chí Minh: “Khi bức màn buông, danh vọng hết/Người về lòng rũ sạch sầu thương/Người vào cởi áo lau son phấn/Trả cả vinh hoa lẫn đoạn trường”. Từ 4 câu thơ, đạo diễn Lê Mỹ Cường đã kể về đời của nghệ sĩ Phương Ánh bằng “Ðoạn trường vinh hoa”.
Mặc dù ròng rã quay trong 18 tháng với hơn 100 giờ quay, đi theo đoàn hát từ ngôi đình tỉnh này sang ngôi đình tỉnh khác, nhưng có những thước phim mà ngay cả chính nữ nghệ sĩ Phương Ánh cũng không biết. Đó là những thước phim về cảnh đoàn hát chạy vạy “gạo vay tiền góp” để nuôi nghề đều được đoàn làm phim âm thầm quay lại.
Nữ nghệ sĩ Phương Ánh cho biết, khi xem lại chính bản thân bà cũng không kìm được nước mắt khóc cho chính cuộc đời mình. Thế nhưng bằng sự mộc mạc, dân dã của người phụ nữ Nam Bộ, nữ nghệ sĩ vẫn khẳng khái: “Tính gì thì tính chớ không bao giờ tính chuyện bỏ nghề”, khi lên sóng VTV3 trong chương trình “Cà phê sáng” ngày 20/10, người dẫn chương trình hỏi rằng, cực và khổ đến vậy thì bà có định bỏ nghề hát không.
Trong buổi công chiếu phim, bên cạnh phim, cạnh nhân vật, còn có những tấm màn nhung vượt ngàn cây số từ miền Tây xa xôi để đến với các khán giả. Những tấm màn này mà với nhiều người chỉ là một vật dụng trang trí, nhưng với người nghệ sỹ là cả gia tài mà họ gìn giữ và bảo vệ qua hàng chục năm, cho dù bản thân phải ăn nhờ, ở đậu. Và có lẽ cũng vì thế mà sau khi xem xong bộ phim, nữ đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp đã bày tỏ cảm xúc: “Nếu tôi nhìn thấy những tấm màn nhung ở ngoài kia sau khi xem bộ phim này thì có lẽ tôi sẽ không đứng ở đó chụp ảnh và cười tươi như thế…