Doanh nghiệp 'ba tại chỗ' gặp khó
Sau hơn 10 ngày thực hiện phương án 'ba tại chỗ' để vừa phòng dịch, vừa sản xuất, nhiều doanh nghiệp (DN) ở TP Hồ Chí Minh lo lắng khó có thể cầm cự lâu dài.
Ðể bảo đảm thực hiện nghiêm túc phương án "ba tại chỗ" (làm tại chỗ, ăn tại chỗ, nghỉ tại chỗ), bên cạnh chi phí sinh hoạt, DN còn thêm khoản chi phí xét nghiệm tầm soát Covid-19 cho công nhân. Từ năm đến bảy ngày, DN phối hợp ngành y tế tổ chức xét nghiệm cho toàn bộ công nhân, chi phí do DN trả. Với những DN có đơn hàng lớn và duy trì lượng công nhân nhiều thì khoản chi phí này không hề nhỏ.
Công ty 3D Hub Global (quận Tân Phú) chuyên in ấn 3D lo chỗ ăn, ở cho hơn 80 công nhân viên ngay tại nhà máy. Tuy nhiên, cái khó của DN này chính là chi phí xét nghiệm.
"Cứ năm ngày nhân viên y tế sẽ đến công ty để lấy mẫu xét nghiệm Covid-19. Chi phí xét nghiệm cho mỗi công nhân hơn 300.000 đồng/lần. Công ty đã lấy mẫu ba lần, tổng phí xét nghiệm hơn 70 triệu đồng, nếu xét nghiệm PCR giá còn cao hơn", Giám đốc điều hành Công ty 3D Hub Global Lý Thanh Phong nói. Chị Phong cho biết thêm, tạm thời DN có thể lo được tất cả chi phí ăn, ở và xét nghiệm, nhưng nếu thực hiện "ba tại chỗ" quá dài, DN lo không cầm cự nổi.
Cùng hoàn cảnh, đại diện Công ty CJ Food Việt Nam và CJ Cầu Tre cho rằng, chi phí mỗi bộ xét nghiệm nhanh Covid-19 có giá 150.000 đồng; công ty có gần 700 công nhân đang làm việc tại nhà máy, cứ sau bảy ngày sẽ lấy mẫu một lần với chi phí hơn 100 triệu đồng. Tính ra một tháng, DN cũng mất gần nửa tỷ đồng cho chi phí test nhanh Covid-19.
Theo Tổng Giám đốc Công ty Vĩnh Thành Ðạt (quận 12) Trương Chí Thiện, định kỳ một tuần sẽ xét nghiệm cho công nhân một lần khiến gánh nặng chi phí DN chịu rất lớn. Trước khi cho lao động vào nhà máy làm việc và tập trung ở lại luôn thì đã xét nghiệm hết rồi, có kết quả âm tính mới cho vào. Như vậy không cần bảy ngày sau xét nghiệm lại nữa tốn thêm chi phí cho DN. Chỉ nên quy định khi nào DN hết ăn ở tập trung, công nhân quay lại cộng đồng thì mới bắt đầu xét nghiệm kiểm tra.
Giám đốc Công ty may mặc Dony (quận Tân Bình) Phạm Quang Anh nhìn nhận, phần lớn DN sản xuất trong giai đoạn này đều nghĩ về việc duy trì bạn hàng, đối tác chứ chi phí để sản xuất đã bào mòn phần lớn lợi nhuận. "DN cũng chỉ gồng gánh trong một khoảng thời gian ngắn, còn kéo dài tình trạng sản xuất như hiện nay sẽ rất khó khăn, nhất là chi phí xét nghiệm hằng tuần", ông Quang Anh cho hay.
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, đến thời điểm này, 97% số DN trong ngành dệt may tại các tỉnh, thành phố phía nam phải ngưng hoạt động. Việc cam kết với đối tác thời điểm sản xuất trở lại là rất khó, dẫn đến đối tác lo ngại chuỗi cung ứng hàng hóa của họ sẽ bị đứt gãy. Do đó, tạm thời các đối tác sẽ chuyển đơn hàng sang các nước khống chế dịch tốt hơn...
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh (HUBA) Chu Tiến Dũng cho biết, theo quy định, các công ty, nhà máy phải tổ chức xét nghiệm cho người lao động bảy ngày một lần, chi phí do DN thanh toán. Ðể hỗ trợ giảm chi phí xét nghiệm, HUBA đã hợp tác với Hội Thầy thuốc trẻ TP Hồ Chí Minh để tiến hành xét nghiệm tại DN theo hợp đồng với giá 280.000 đồng/lần/người.
Diễn biến dịch bệnh còn rất phức tạp, chưa thể đánh giá được hết các tác động xấu như thế nào đối với DN. DN thực hiện "ba tại chỗ" không có nghĩa là đã an toàn tuyệt đối mà khả năng lây nhiễm vẫn có thể xảy ra, do vậy việc tổ chức xét nghiệm định kỳ cho người lao động là cần thiết. HUBA sẽ tiếp tục kiến nghị các cơ quan nhà nước có chính sách, giải pháp chia sẻ, tháo gỡ khó khăn, đặc biệt là chính sách hỗ trợ vốn cho DN...
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tin-chung1/doanh-nghiep-ba-tai-cho-gap-kho--657448/