Doanh nghiệp băn khoăn một số quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật (Dự thảo) do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì soạn thảo đang được lấy ý kiến góp ý rộng rãi. Nhiều doanh nghiệp (DN) bày tỏ băn khoăn Dự thảo Luật còn một số quy định chưa rõ ràng, chưa phù hợp, có thể gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động của DN.

Tại Hội thảo “Vai trò của DN trong tham gia xây dựng và áp dụng Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật” mới diễn ra, góp ý cho Dự thảo Luật này, nhiều đại biểu đánh giá cao những điểm sửa đổi, bổ sung của Dự thảo Luật theo hướng nhằm đáp ứng yêu cầu khách quan của thực tiễn sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy nâng cao năng suất chất lượng, năng lực sản xuất kinh doanh của DN…

Hội thảo do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phối hợp tổ chức chiều 07/8. Ảnh: D.T

Hội thảo do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phối hợp tổ chức chiều 07/8. Ảnh: D.T

Tuy nhiên, bên cạnh những điểm tích cực, nhiều ý kiến cũng cho rằng Dự thảo Luật vẫn còn một số điểm bất cập, chưa rõ ràng, cơ quan soạn thảo cần cân nhắc nghiên cứu, xem xét thêm.

Đại diện Công ty Canon Việt Nam cho biết, Dự thảo Luật chưa có quy định về việc công nhận, thừa nhận các tiêu chuẩn, quy chuẩn nước ngoài mà vẫn phải có thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau.

Theo đại diện Công ty Canon, Việt Nam đang tích cực tham gia vào các hiệp định thương mại tự do thì việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế là điều tất yếu để hàng hóa Việt Nam có thể tiếp cận các thị trường lớn trên thế giới. Do đó, nếu áp dụng các tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật nước ngoài có sẵn sẽ tránh việc xây dựng quá nhiều tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật không cần thiết, gây lãng phí. Trong khi đó, nếu quy định phải có thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau sẽ phát sinh nhiều thủ tục giữa các bên, gây mất thời gian, chi phí và không bao trùm được hết.

Mặt khác, ở các nước, khu vực phát triển như Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc…, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đã được xây dựng và áp dụng rộng rãi. Do đó, việc thừa nhận các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật từ các nước tiên tiến hơn mà không phải áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam không chỉ đảm bảo tuân thủ tiêu chuẩn kỹ thuật hàng hóa, mà còn có thể nâng cao hơn chất lượng của các sản phẩm khi được áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật này ở Việt Nam. Ví dụ, tiêu chuẩn nông nghiệp Nhật Bản được áp dụng cho một số sản phẩm hữu cơ tại thị trường Việt Nam; tiêu chuẩn công nghiệp Nhật Bản áp dụng cho nhiều sản phẩm công nghiệp như đèn, công tắc, quạt...

Đơn cử, trong lĩnh vực nông nghiệp, khi so sánh tiêu chuẩn VietGAP của Việt Nam và tiêu chuẩn JGAP của Nhật Bản có thể thấy JGAP có những yêu cầu nghiêm ngặt hơn về kỹ thuật, quy trình sản xuất. JGAP còn được công nhận rộng rãi trên thị trường quốc tế, đặc biệt là thị trường khó tính như EU.

Do đó, đại diện Công ty Canon đề xuất Dự thảo Luật nên quy định việc thừa nhận các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật từ các nước tiên tiến, phát triển hơn mà không phải áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam.

Một vấn đề nữa cũng được DN góp ý đó là Dự thảo Luật quy định về việc áp dụng quy chuẩn đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, điều này được hiểu là áp dụng cho cả hàng hóa trong nước và hàng hóa xuất khẩu.

Tuy nhiên, theo thông lệ quốc tế, các quốc gia đều đã có quy định pháp luật để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại quốc gia mình, ví dụ như ở Việt Nam có Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; ở Mỹ có Luật An ninh y tế... Các luật này nhằm ngăn chặn hàng hóa kém chất lượng xâm nhập và lưu thông trên thị trường trong nước.

Đối với hàng hóa lưu thông trên thị trường nội địa, việc áp dụng quy chuẩn kỹ thuật là cần thiết để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tuy nhiên, đối với hàng hóa xuất khẩu thì việc áp dụng các tiêu chuẩn của nội địa là không phù hợp, bởi vì DN phải lựa chọn áp dụng quy chuẩn phù hợp với yêu cầu của nước nhập khẩu để có thể đảm bảo chất lượng và an toàn theo quy định của nước nhập khẩu.

Mặt khác, việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế vào sản phẩm xuất khẩu còn giúp nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa của Việt Nam. Đơn cử như Tiêu chuẩn ISO 22000 về hệ thống quản lý an toàn thực phẩm. Khi so sánh với một số tiêu chuẩn tại Việt Nam thì Tiêu chuẩn ISO 22000 có phạm vi áp dụng rộng hơn, yêu cầu về hệ thống quản lý chi tiết hơn và được cập nhật thường xuyên hơn. ISO 22000 là tiêu chuẩn quốc tế được công nhận rộng rãi, giúp các sản phẩm đạt tiêu chuẩn này dễ tiếp cận thị trường quốc tế.

Với những phân tích trên, đại diện Công ty Canon kiến nghị cơ quan soạn thảo nên cân nhắc, xem xét sửa Khoản 1, Điều 38 quy định về Nguyên tắc, phương thức áp dụng quy chuẩn kỹ thuật theo hướng: “Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật được áp dụng bắt buộc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh các sản phẩm lưu thông, phân phối trên thị trường Việt Nam và những sản phẩm nhập khẩu để lưu thông, phân phối trên thị trường Việt Nam nhưng chưa đạt tiêu chuẩn kỹ thuật của các nước tiên tiến hơn Việt Nam”.

Chỉ ra thêm quy định còn bất cập tại Dự thảo Luật, ông Nguyễn Hồng Uy - Trưởng Nhóm Kỹ thuật Tiểu ban Thực phẩm và Dinh dưỡng Hiệp hội DN châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam cho biết, tại Khoản 3, Điều 8c Dự thảo Luật quy định: “Tổ chức công bố tiêu chuẩn cơ sở có trách nhiệm thông báo với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền…, nội dung thông báo gồm tên, số hiệu, đặc tính cơ bản của tiêu chuẩn đó”.

Theo ông Uy, Dự thảo không có định nghĩa về “đặc tính cơ bản của tiêu chuẩn”, nên rất khó khăn trong quá trình thực thi, dễ làm phát sinh thủ tục hành chính mới, không phù hợp thông lệ quốc tế và không mang lại lợi ích thực tiễn.

Đặc biệt, ông Uy cho biết, tiêu chuẩn cơ sở có rất nhiều loại, do đó nếu tất cả đều phải thông báo thì sẽ thừa và nguy cơ gây lộ bí quyết công nghệ, sở hữu trí tuệ của DN.

Bên cạnh đó, với ngành dược phẩm, thiết bị y tế, thực phẩm, mỹ phẩm, việc DN đăng ký/công bố sản phẩm đã là một hình thức công bố tiêu chuẩn cơ sở, nếu bắt buộc đăng ký vào cổng dữ liệu quốc gia sẽ gây trùng lắp và bất cập giữa các luật.

Ngoài ra, Nghị định 126/2021/NĐ-CP đã có quy định nếu DN không công bố tiêu chuẩn thì bị xử phạt, do đó đưa thêm trách nhiệm “thông báo” là thừa.

Với những phân tích trên, chuyên gia của EuroCham kiến nghị, cơ quan soạn thảo nên cân nhắc, xem xét không nên đưa dữ liệu tiêu chuẩn cơ sở vào hệ thống dữ liệu quốc gia. Thay vào đó chỉ cần quy định rõ DN phải lưu trữ tiêu chuẩn cơ sở đã công bố để sẵn sàng cung cấp cho cơ quan có thẩm quyền kiểm tra theo các quy định của pháp luật.

Trong trường hợp cơ quan soạn thảo thấy vẫn cần thiết phải có quy định trên thì cần làm rõ “đặc tính cơ bản của tiêu chuẩn” là gì và đảm bảo dễ thực thi cũng như không gây lộ bí quyết công nghệ của DN. Đồng thời, chỉ giới hạn áp dụng cho các tiêu chuẩn cơ sở của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ…/.

DIỆU THIỆN

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/doanh-nghiep-ban-khoan-mot-so-quy-dinh-ve-tieu-chuan-quy-chuan-ky-thuat-33606.html