Doanh nghiệp bán lẻ Mỹ giảm tồn kho vì thuế quan
Giảm hàng tồn kho và tăng giá bán là hai việc các doanh nghiệp bán lẻ Mỹ đang thực hiện, dù giai đoạn mua sắm trước năm học mới đang tới gần.
Suốt tháng qua, công ty phân phối và hoàn thiện đơn hàng ITS Logistics dán lại nhãn thông tin cho hàng triệu sản phẩm trước khi giao tới tay khách hàng. Theo đó, quần áo, hàng tiêu dùng tăng giá từ 8-15% trước khi được giao tới cửa hàng hoặc khách hàng lẻ.
"Mức tăng này sẽ góp phần tăng lạm phát", Ryan Martin, Chủ tịch ITS Logistics, phát biểu. Ông nói lần gần nhất công ty thực hiện hoạt động dán lại nhãn là trong thời kỳ đại dịch, nhưng lượng hàng phải dán lại nhãn khi ấy cao hơn nhiều.
Thực tế, giá hàng hóa Mỹ đang cao hơn trước. Theo số liệu Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày 27/6, chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) tháng 5 đã tăng 2,3% so với cùng kỳ năm trước, cách xa mục tiêu 2% của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed).
Một ngày trước đó, Nike công bố mức thiệt hại 1 tỷ USD bởi thuế quan trong năm tài khóa 2026 (bắt đầu từ ngày 1/6). Họ cho rằng thiệt hại sẽ giảm khi tăng giá bán lẻ và giảm phụ thuộc vào chuỗi sản xuất từ Trung Quốc.
Khảo sát của Hiệp hội các nhà phân phối và bán lẻ giày dép Mỹ quý 2 cho thấy, 55% doanh nghiệp Mỹ được hỏi dự kiến tăng giá bán lẻ trung bình 6-10% trong năm nay.

Bên cạnh tác động lên giá hàng cuối, thuế quan cũng ảnh hưởng tới chiến lược quản lý hàng tồn của các doanh nghiệp bán lẻ và sản xuất. Trước tâm lý lo ngại về tình trạng thương mại không chắc chắn cùng sức cầu yếu từ người tiêu dùng, doanh nghiệp bán lẻ đang giảm số lượng SKU (đơn vị lưu kho) trong kho hàng, cũng như giảm lượng SKU trong nhập khẩu.
Giới doanh nghiệp bán lẻ cũng cân nhắc rút ngắn thời gian lưu kho. Thay vì nhập lượng hàng cần thiết để bán trong 6 tháng, doanh nghiệp đang tính toán rút thời hạn xuống còn 3 tháng, theo ông Martin.
Theo công cụ theo dõi hoạt động thương mại đường biển Port of Los Angeles Optimizer, lượng hàng nhập khẩu tháng tới vào cảng Los Angeles và Long Beach dự báo thấp hơn cùng kỳ. Tháng 7 và 8 là thời kỳ cao điểm chuẩn bị hàng cho dịp mua sắm trong kỳ nghỉ và trước thềm năm học mới. Los Angeles và Long Beach là hai cảng lớn nhất bờ Tây nước Mỹ, nơi giao thương lớn nhất của hàng hóa từ châu Á.
Zachary Rogers, Phó giáo sư ngành quản lý chuỗi cung ứng tại Đại học bang Colorado, dự báo hàng nhập khẩu, đặc biệt những mặt hàng liên quan đến sản xuất, sẽ thấp hơn mức kỳ vọng bởi thuế quan. Trước đó, tờ Oxford Economics cũng dự báo lượng hàng tiêu dùng nhập khẩu có xu hướng giảm thêm 4,3 tỷ USD sau mức giảm 33 tỷ USD trong tháng 4.
Chỉ báo rõ nhất về đơn hàng tương lai là dòng luân chuyển của các container rỗng, vốn cần thiết để duy trì dòng chảy xuất khẩu. Trong đại dịch, các container rỗng được ưu tiên quay trở lại châu Á để nạp hàng và xuất trở lại Mỹ. Tuy nhiên, các container rỗng tại hai cảng Los Angeles và Long Beach đã không vội quay đầu.
"Hiện trạng rất nhiều container rỗng nằm tại cảng cho thấy các nhà nhập khẩu không mong đợi mùa cao điểm mua sắm vào tháng 8-9 của nước Mỹ như thường lệ", Phó giáo sư Rogers nói.
Ở góc độ doanh nghiệp, Chủ tịch ITS Logistics cho rằng chiến lược giảm hàng tồn kho của doanh nghiệp bán lẻ là phù hợp trong bối cảnh khó lường và khó nắm bắt được cơ cấu chi phí hàng hóa trong tương lai.
Linh Phong/CNBC